Các nhà truyền giáo, học giả hoặc công chức tới xứ An Nam không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà còn mang theo con mắt tò mò về vùng đất ở châu Á. Gần đây, một số đầu sách về Việt Nam của tác giả phương Tây được dịch, tái bản . Các tác phẩm ít nhiều cung cấp thông tin về điều kiện tự nhiên, đời sống, phong tục tập quán của người Việt xưa.
Tâm lý người An Nam
Tác giả Paul Giran tới làm việc cho Phủ Toàn quyền ở Đông Dương năm 1899, sau đó được cử làm công sứ ở một số vùng. Ông viết một số đầu sách khảo cứu về vùng đất và con người Việt Nam như Tâm lý người An Nam, Bùa chú và Tôn giáo An Nam.
|
Bìa sách Tâm lý người An Nam. |
\
Là một quan chức của chính quyền Đông Dương, Paul Giran có mong muốn tường giải tâm lý dân tộc An Nam. Cuốn sách có bố cục hai phần, phần đầu khái quát về tính cách dân tộc An Nam trên cơ sở khảo cứu các nguồn gốc chủng tộc, so sánh với người Mã Lai, Trung Hoa. Phần thứ hai khảo cứu tâm lý dân tộc An Nam và sự tiến hóa mọi mặt từ lịch sử, giáo dục, ngôn ngữ, khoa học, hệ thống luân lý. Dưới con mắt một trí thức phương Tây, tác giả không ngần ngại đưa ra những điều mà ông cho là hủ tục, lạc hậu như tục thờ cúng anh linh quỷ thần tràn lan, vô lối.
Tâm lý người An Nam là nguồn tư liệu khảo cứu phong phú về con người nước ta một thế kỷ trước. Đây cũng là bức tranh xã hội, đồng thời so sánh thú vị về những giá trị khác nhau giữa hai nền văn minh Đông - Tây.
Hội kín xứ An Nam
Trước những sự kiện bạo động diễn ra ở khắp ba kỳ An Nam kéo dài từ thế kỷ 19 đến trước năm 1930, như vụ Phan Xích Long và các huynh đệ năm 1913, vụ Khám Lớn Sài Gòn năm 1916, người Pháp vô cùng ngỡ ngàng. TS Georges Coulet không hiểu vì sao cùng một thời điểm mà trên toàn cõi Nam Kỳ lại đồng loạt khởi nghĩa. Qua tìm hiểu, Georges Coulet cho rằng điều này có được do sự sắp xếp và tổ chức tinh vi. Ông đào sâu tìm hiểu về các hội kín xứ An Nam.
|
Sách Hội kín xứ An Nam. Ảnh: Omega Plus |
Hội kín xứ An Nam kể nhiều câu chuyện, sự kiện, tình tiết bí mật thường không được nhắc trong lịch sử. Tìm hiểu văn bản qua các bộ luật xưa cũ, tác giả cho rằng ngay cả triều đình phong kiến cũng từng đụng độ các hội kín.
Xứ Đàng Trong và Mô tả vương quốc Đàng Ngoài
Việt Nam thế kỷ 17 tồn tại hai chính quyền song song: Vua Lê - Chúa Trịnh. Hai tác phẩm mới ra mắt thuộc tủ sách Góc nhìn sử Việt phần nào thể hiện đời sống nước ta giai đoạn ấy qua con mắt người phương Tây.
Linh mục Cristoforo Borri (người Italy) là một trong những giáo sĩ dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong (thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), lưu trú ở đó 5 năm (1618-1622). Tập Ký sự về sứ mệnh mới của các nhà truyền giáo dòng Tên ở xứ Đàng Trong (viết ngắn gọn là Xứ Đàng Trong) tường thuật chi tiết về vùng đất này từ quốc hiệu, diện tích, khí hậu, đất đai, sản vật đến phong tục tập quán, hành chính, thương mại, đời sống tinh thần…
|
Xứ Đàng Trong (trái) và Mô tả vương quốc Đàng Ngoài. Ảnh:Omega Plus |
Mô tả vương quốc Đàng Ngoài là cuốn sách mới được xuất bản cùng một cặp với Xứ Đàng Trong. Công trình được viết bởi Samuel Baron - con của một thương nhân Hà Lan và phụ nữ Việt. Baron làm việc cho Công ty Đông Ấn Anh trước năm 1672, được cử tới Đàng Ngoài năm 1678. Đến năm 1685, ông viết xong Mô tả vương quốc Đàng Ngoài.
Cuốn sách mô tả xứ Đàng Ngoài từ quy mô, diện tích, sản vật, đời sống xã hội, các tập tục mà Baron cho là đặc biệt…
Hai cuốn sách không chỉ cung cấp những thông tin về đất nước con người ta thế kỷ 17, mà còn cho thấy một thời kỳ tiếp xúc Đông - Tây và giao lưu văn hóa ở mỗi vùng đất.
Bắc Kỳ tạp lục
Henri Emmanuel Souvignet sinh năm 1855 tại Pháp, tới An Nam năm 1882 và ở lại cho tới cuối đời vào năm 1943. Bên cạnh nhiệm vụ truyền giáo, ông đi sâu tìm hiểu, sống hòa nhập với giáo dân. Cuốn sách Bắc kỳ tạp lục là kết quả của nhiều năm tháng ông sống, dụng công nghiên cứu, tìm hiểu về con người và đời sống An Nam.
|
Sách Bắc Kỳ tạp lục. |
Sách bao quát trên nhiều vấn đề quan trọng của đời sống người dân, từ ngôn ngữ, giáo dục, văn học, lịch sử, tổ chức xã hội, chế độ thuế khóa, tín ngưỡng, phong tục, hệ thực vật…
Vì vậy, cuốn sách có ý nghĩa như một cẩm nang hướng dẫn, giúp những người Pháp đến sinh sống và làm việc tại An Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nắm bắt và thích nghi với các tập tục, thiết chế.
Theo Zingnews