Từ chối làm hiệu trưởng
PGS-TS Nguyễn Sum trả lời email nhanh và rất chu đáo, khiến tôi cảm nhận rõ con người khoa học trong ông. Thời gian gặp ông trực tiếp ở Hà Nội không dài trong khi những điều tôi muốn biết lại quá nhiều, PGS Sum đề nghị trao đổi qua email. Và tôi thực sự ấn tượng khi nhận thư trả lời của ông với sự giải đáp chi tiết, tận tình, chặt chẽ đến từng câu chữ. Cuối thư, ông không quên dặn: “Nếu bạn có gì chưa rõ, hãy hỏi lại, tôi sẽ chú thích thêm”.
GS-TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng từng kể trong dịp PGS Sum được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017: “Năm 2009, khi là quyền Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn, Nguyễn Sum một mực từ chối việc bổ nhiệm chính thức vào vị trí này, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiên trì thuyết phục. Đó là điều tôi thấy hiếm trong xã hội hiện nay”.
Không chỉ “cự tuyệt” đề nghị đó, PGS Sum còn từ bỏ luôn vị trí lãnh đạo trường. Nhà khoa học lý giải, ông đã suy nghĩ rất nhiều về mục đích quan trọng của một người nghiên cứu và quyết định xin nghỉ quản lý để làm một giảng viên bình thường: “Chỉ bằng cách đó, tôi mới có thời gian dành cho nghiên cứu, cho toán học”.
Mê toán từ những ngày học phổ thông, Nguyễn Sum chọn thi vào khoa Sư phạm toán ĐH Quy Nhơn và gắn bó với trường từ đó đến nay. Ông kể: “Năm 1983, sau khi tốt nghiệp, tôi học sau đại học tại ĐH Sư phạm Hà Nội 1 và đăng ký làm luận văn với GS Huỳnh Mùi ở ĐH Tổng hợp Hà Nội - nhà toán học hàng đầu trong chuyên ngành tôpô đại số. Năm 1987, theo đề nghị của GS Mùi, tôi thi nghiên cứu sinh và đỗ thủ khoa. Tuy nhiên vì lý do khách quan, tôi bảo lưu kết quả này, đến tháng 12/1988 mới nhập học, làm việc dưới sự hướng dẫn của GS Nguyễn Hữu Việt Hưng và GS Huỳnh Mùi”.
PGS-TS Nguyễn Sum. Ảnh: NV
Cũng vì lý do không tiết lộ đó, Nguyễn Sum bỏ lỡ cơ hội làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài theo chỉ tiêu đặc cách; nhưng ông bảo cái lỡ ấy là một sự may mắn, bởi “tôi đã nhận được sự hướng dẫn của 2 người thầy hàng đầu với hướng nghiên cứu hiện đại và ngang tầm quốc tế”.
Năm 2000, GS Hưng đưa cho Nguyễn Sum bài toán hit của Peterson và đề nghị ông nghiên cứu bài toán hit trường hợp 3 biến của Kameko (thực hiện tại ĐH Johns Hopkins, Mỹ năm 1990) nhưng do quá bận với công tác giảng dạy và quản lý (lúc đó PGS Sum là trưởng khoa Toán, trưởng phòng Đào tạo, phó hiệu trưởng) nên ông không có thời gian dành cho việc này.
Phải đến năm 2005, khi tham gia hướng dẫn nhiều luận văn thạc sỹ, ông thấy rằng cần có thêm hướng nghiên cứu mới để các luận văn có chất lượng cao hơn, kiến thức hiện đại hơn, nâng cao được chất lượng đào tạo.
“Tôi xem một số luận án tiến sỹ của nước ngoài và thấy hướng nghiên cứu thích hợp nhất với mình là làm bài toán hit trên cơ sở luận án tiến sỹ của Kameko - Đại học Toyama, Nhật Bản. Năm đầu tiên là thời gian khó khăn nhất bởi tôi phải tiếp cận bài toán, tích lũy kiến thức và kỹ thuật tính toán có liên quan. Khi kiến thức cơ sở đã vững, công việc thuận lợi hơn, tiến độ nhanh hơn rất nhiều. Càng về sau, công việc càng thú vị” - PGS Sum hào hứng kể.
Không chạy theo số lượng bài công bố
PGS Sum nói rằng ông thường không vội với việc công bố quốc tế, bởi để có một bài báo chất lượng cao cần hy sinh số lượng. Công trình về bài toán hit kể trên hoàn thành sau 7 năm. Độ dài 240 trang và kỹ thuật tính toán phức tạp khiến công trình không được ông công bố ngay, dù nó được đánh giá rất cao và hoàn toàn có thể công bố thành nhiều bài trên các tạp chí ISI chất lượng tốt. Tác giả chỉ công bố online, thông báo kết quả cho một số đồng nghiệp trong nước và quốc tế rồi tiếp tục nghiên cứu lý thuyết để rút ngắn lời giải bài toán này.
Ông tâm sự: “Những cái khó đều hay. Ở đó, tôi tìm thấy nhiều điều thú vị”. Điều khó khăn nhất, thú vị nhất trong nghiên cứu của PGS Sum là phát hiện cấu trúc mới của các phần tử sinh và công thức truy toán để từ đó rút ngắn cách trình bày kết quả nghiên cứu. Phép chứng minh này chiếm 31 trang trong bài báo dài 58 trang với nhiều kỹ thuật rất phức tạp, nên chỉ có sự điềm tĩnh, kiên trì và quyết tâm tháo gỡ từng nút thắt mới có thể giúp ông chinh phục nó. Tháng 4/2015, công trình được công bố chính thức trên Tạp chí Advances in Mathematics.
Nguyễn Sum là nhà nghiên cứu độc lập, không phụ thuộc vào việc trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước. Đây là thói quen từ hồi ông còn làm nghiên cứu sinh. Dạo gần đây, ông mới viết chung với một số nghiên cứu sinh do mình hướng dẫn. Thạc sỹ Nguyễn Khắc Tín - người học trò cùng ông theo đuổi bài toàn hit nhiều năm nay - cho biết anh học được ở thầy sự mẫu mực, nghiêm túc và cần mẫn khi nghiên cứu.
“Thầy tôi lúc nào cũng thế. Trong cuộc sống thì cởi mở, nhưng trong nghiên cứu lại vô cùng nghiêm khắc. Có lần nhớ nhà quá, bài thầy giao tôi chỉ làm qua quýt rồi nộp, vậy là bị la. Thầy tôi mà la là phải tức giận lắm. Thầy không bao giờ chấp nhận bất kỳ sự cẩu thả nào trong công việc. Dù 5 giờ chiều là hết giờ làm, nhưng phòng thầy tôi bao giờ cũng sáng đèn tới 7-8 giờ tối. Thầy ít nói nhưng làm nhiều. Học trò chúng tôi cứ nhìn vậy mà học theo” - thạc sỹ Tín nói với giọng xúc động.
Trong con mắt giới nghiên cứu, Quy Nhơn đang nổi lên như một trung tâm toán học của Việt Nam, sau Hà Nội và TPHCM. Và những nhà khoa học như PGS-TS Nguyễn Sum - người vẫn ngày đêm làm việc không ngừng dù “đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời” theo lời ông tự nhận - đang ngày càng nâng cao hơn vị thế của thành phố.
Theo Tuệ Minh/Khoa học & Phát triển