Theo National Geographic (Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ), nhóm chuyên gia Hy Lạp đã phát hiện nhiều bất ngờ về nơi được tin là mộ Chúa Jesus tại Jerusalem, Israel, sau khi tháo dỡ phiến đá che trên phần mộ hôm 26/10.
Qua 60 tiếng làm việc không ngừng nghỉ, các chuyên gia đã tìm thấy một phiến đá cẩm thạch khác với hình thánh giá được khắc trên bề mặt. Cuối ngày 28/10, trước khi tiến hành đặt các phiến đá về vị trí cũ, họ phát hiện bệ đá hay còn gọi là "gường chôn", nơi được cho đặt thi hài Đức Chúa trước khi Ngài phục sinh, vẫn còn nguyên vẹn.
Fredrik Hiebert, nhà khảo cổ làm việc cho Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ, nói: "Tôi vô cùng ngạc nhiên. Chân tôi muốn ngã quỵ vì tôi chưa từng nghĩ tới điều đó".
|
Phiến đá cẩm thạch thứ hai trong mộ Chúa được phát hiện có khắc hình thánh giá. Ảnh: National Geographic. |
"Chúng tôi không chắc chắn 100% nhưng có lẽ đó là bằng chứng trực quan cho thấy ngôi mộ đã không hề thay đổi qua thời gian. Đây là điều mà các nhà khoa học cũng như các sử gia đã băn khoăn trong nhiều thập kỷ", ông Hiebert cho hay.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng xác nhận sự tồn tại của thành hang động đá vôi ban đầu bên trong công trình Edicule bao quanh ngôi mộ vốn được xây dựng từ thế kỷ 18. Nhóm trùng tu đã khoét một cửa sổ ở tường phía nam bên trong Edicule để lộ ra một trong những thành hang động.
Hôm 26/10, nhóm chuyên gia Hy Lạp tiến hành dỡ phiến đá cẩm thạch đậy phía trên bệ đá vốn được các tín đồ Cơ Đốc giáo tin là nơi đặt thi hài Chúa Jesus tại nhà thờ Mộ Thánh ở Jesrusalem. Phiến đá được cho xuất hiện từ năm 1555 hoặc có thể sớm hơn và đây là lần đầu tiên nó được tháo dỡ
Việc phân tích bệ đá cho phép nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn về hình dáng ban đầu của ngôi mộ và quá trình địa điểm này trở thành nơi tôn nghiêm từ khi được Thánh Helena, mẹ hoàng đế La Mã Constantine, phát hiện lần đầu tiên vào năm 326.
>>> Mời quý độc giả xem video Những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ (nguồn Youtube):
Theo Đông Phong/Zing News