Phía sau việc Nhật dùng máy bay không người lái đối phó “làm việc đến chết”

Google News

(Kiến Thức) - Máy bay không người lái được kỳ vọng là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề nhức nhối dư luận "karoshi" hay "làm việc tới chết" ở Nhật Bản.

Mới đây, Công ty Taisei của Nhật Bản hợp tác với nhà sản xuất máy bay không người lái (drone) Blue Innovation và Công ty viễn thông NTT East chế tạo máy bay không người lái phát ra tiếng nhạc khó nghe để buộc nhân viên ra về đúng giờ mà không nán lại làm thêm lúc tối muộn.
Theo dự kiến, Taisei sẽ thử nghiệm dịch vụ này vào tháng 4/2018 tại chính văn phòng của công ty, nếu thành công, sẽ chào hàng tới các công ty khác.
Chiếc máy bay không người lái trên được kỳ vọng là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề nhức nhối dư luận "Karoshi" hay "làm việc tới chết" ở Nhật Bản.
Bên cạnh những đánh giá tích cực, một số chuyên gia cho rằng ý tưởng này mặc dù có thể buộc người lao động rời công sở đúng giờ mà không ở lại làm thêm nhưng họ vẫn có thể đối phó bằng cách mang công việc về nhà làm.
 Máy bay không người lái (drone) được sử dụng để giao hàng.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản sử dụng công nghệ để đối phó với tình trạng Karoshi. Việc có ý định sử dụng máy bay không người lái vào cuộc sống của Nhật đã hé lộ nhiều mảng tối của thị trường lao động nước này. 
Nhật Bản hiện đang là một trong số ít quốc gia có số giờ làm việc liên tục dài nhất thế giới, nhiều thanh niên đã chết vì làm việc đến kiệt sức.
"Sau thất bại trong Thế chiến II, người Nhật Bản có số giờ làm việc lâu nhất trên thế giới. Họ là những người làm việc cần mẫn với yêu cầu cao nhất”, Cary Cooper - chuyên gia về stress tại Đại học Lancaster, nhận định.
Thời kỳ hậu chiến tranh, người lao động làm việc không chỉ vì vấn đề tài chính, mà còn lấy công việc làm “niềm vui”. Tuy nhiên, khoảng thời gian này kéo dài không bao lâu bởi vào giữa những năm 1980, kinh tế Nhật Bản biến động khi giá cổ phiếu và bất động sản tăng cao và kéo dài.
Kết quả là sự bứt phá trong tăng trưởng kinh tế, hay được gọi là "nền kinh tế bong bóng" đã đẩy những người “làm công ăn lương” phải làm việc cật lực, đạt tới mức giới hạn.
Ở đỉnh cao của nền kinh tế bong bóng, gần 7 triệu người (tức khoảng 5% dân số Nhật Bản khi đó) phải làm việc 60 giờ làm việc mỗi tuần. Trong khi, người lao động Mỹ, Anh và Đức chủ yếu vẫn duy trì lịch làm việc bắt đầu từ 9h và kết thúc lúc 17h trong ngày.
Mời quý độc giả xem video: 4 điều phổ biến xảy ra với cơ thể trên máy bay (nguồn: Zing News):
Hiện tượng Karoshi được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1987 khi Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận nhiều ca tử vong đột ngột của giám đốc các công ty. Nếu một trường hợp tử vong được xác nhận là vì làm việc quá sức, gia đình nhạn nhân sẽ nhận khoản tiền bồi thường 20.000 USD/năm từ chính phủ và 1,6 triệu USD/năm từ công ty mà người đó làm việc, theo BBC.
Makoto Iwahashi, chuyên gia của Posse, một tổ chức điều hành đường dây trợ giúp lao động trẻ, cho rằng ngày nay hiện tượng này rất thường gặp ở Nhật, đặc biệt đối với những người khởi nghiệp. Ông cho biết hầu hết các cuộc gọi tới Posse đều than phiền vì giờ làm việc kéo dài.
"Thật đáng buồn, lao động trẻ cho rằng họ không có lựa chọn nào khác", ông nói. "Nếu không nghỉ việc, họ phải làm việc thêm 100 giờ. Nếu nghỉ việc, họ không đủ tiền sống". Ông Iwahashi nhận xét thị trường việc làm bấp bênh càng làm tình hình tồi tệ hơn.
"Vào những năm 1960, 1970, hiện tượng karoshi có tồn tại nhưng khác biệt lớn ở chỗ, khi đó, người lao động tuy phải làm việc nhiều giờ nhưng họ được đảm bảo công ăn việc làm suốt đời. Bây giờ thì không thế", ông nói.
Năm ngoái, Bộ Lao động Nhật Bản đã thông báo con số đơn khiếu kiện đòi bồi thường từ gia đình những người lao động thiệt mạng hoặc tự sát vì làm việc quá nhiều tăng lên mức kỷ lục 1.456, tính đến tháng 3/2015. Các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu làm việc trong các ngành dịch vụ y tế, an sinh xã hội, vận tải và xây dựng. Đây cũng là những ngành thiếu hụt lao động trầm trọng ở Nhật.
Theo khoa học, làm thêm quá 80 giờ mỗi tháng là ngưỡng tăng nguy cơ tử vong. Ảnh minh họa.  
Dù vậy, đây có thể chỉ là bề nổi bởi theo ông Hiroshi Kawahito, tổng thư ký tổ chức Cố vấn Quốc gia cho các nạn nhân karoshi (NDCVK), con số người chết thực tế cao gấp 10 lần. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, chính phủ ngần ngại, không muốn thừa nhận sự thật đó.
Gần 25% công ty Nhật Bản có nhân viên làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng mà không được trả lương. Còn 12% nhân viên làm việc thêm 100 giờ mỗi tháng. Theo khoa học, làm thêm quá 80 giờ mỗi tháng là ngưỡng tăng nguy cơ tử vong.
Chính phủ Nhật Bản đang chịu sức ép phải thay đổi tình trạng này nhưng thách thức đặt ra là có thể thay đổi hay không nền văn hóa đã tồn tại hàng thập kỷ, khi mà chỉ cần rời công sở sớm hơn sẽ làm mếch lòng sếp hoặc đồng nghiệp.
Tháng 2/2017 vừa qua, một chiến dịch cân bằng giữa công việc và cuộc sống của chính phủ Nhật khởi động, kêu gọi chủ doanh nghiệp cho nhân viên tan sở vào khoảng 15h ngày thứ Sáu cuối cùng mỗi tháng. Sự kiện được gọi là Premium Friday (Phần thưởng ngày thứ Sáu). Chính phủ cũng hối thúc doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ phép nhiều hơn.
Người lao động Nhật có 20 ngày phép mỗi năm nhưng 35% số lao động không nghỉ phép. Chính quyền quận Toshima, Tokyo, đã phải áp dụng biện pháp tắt hết đèn cơ quan lúc 19h để ép nhân viên về nhà
Tuy nhiên, theo các nhà vận động, những biện pháp này chỉ mang tính tạm thời mà không giải quyết triệt để vấn đề cốt lõi, đó là lao động trẻ đang chết dần vì phải làm việc trong môi trường quá căng thẳng và thời gian quá dài.
Giải pháp duy nhất, theo các nhà hoạt động, là giới hạn số giờ làm thêm. Các nhà phê bình cho rằng chính phủ đang ưu tiên doanh nghiệp và lợi ích kinh tế hơn là tới phúc lợi người lao động. Tuy nhiên, để thay đổi cả một thói quen văn hóa là điều không đơn giản. 
Tâm Anh