Nữ nhân này là một trong những vị phi tần đầu tiên của Hoàng đế Khang Hi nhưng sau khi nhập cung được vài năm thì đột nhiên biến mất trong lịch sử, bất luận là sống hay chết đều không có bất kỳ ghi chép nào. Nàng trở thành một trong những sự việc kỳ bí nhất thời nhà Thanh. Đó chính là An tần Lý thị.
Trong các tài liệu lịch sử không ghi chép về năm sinh, năm mất của Lý thị. Chỉ biết nàng xuất thân từ Hán quân Chính Lam kỳ, con gái của Tổng binh quan Cương A Thái và cháu nội của Hàng tướng Lý Viễn Phương.
Nói về Lý Viễn Phương, ông vốn là một vị tướng nhà Minh. Vào năm Vạn Lịch thứ 46, gia tộc Ái Tân Giác La đưa quân tiến vào trung nguyên, trở thành chủ nhân của vùng đất này và xây dựng chế độ phong kiến nhà Thanh hơn 200 năm.
Trong lịch sử, khi triều đại cũ bị diệt vong và triều đại mới được lập nên, một số đại thần sẽ tự sát nhưng một số khác sẽ lựa chọn đầu hàng và sống phụ thuộc vào triều đại mới. Và Lý Viễn Phương đã chọn đầu hàng nhà Thanh.
Là vị tướng đầu tiên đầu hàng, Lý Viễn Phương vẫn được trọng dụng, ông được phong làm phó tướng tam đẳng và thành thân với con gái Ái Tân Giác La thị của Bối Lạc A Ba Thái. Tuy nhiên, trước khi cưới Ái Tân Giác La thị, Lý Viễn Phương đã có vợ, người này đã sinh ra Cương A Thái, phụ thân của An tần Lý thị. Do đó, Lý thị không hề mang dòng máu hoàng tộc Ái Tân Giác La.
Về sau, Lý thị nhập cung thông qua Bát kỳ tuyển tú và trở thành phi tử của Hoàng đế Khang Hi.
Tháng 8 năm Khang Hi thứ 16, Hoàng đế đại phong hậu cung. Khi đó, ngoài Lý thị được phong An tần, còn có 6 nữ nhân khác được tấn phong, đó là Vương Giai thị phong thành Kính tần, Đổng thị phong thành Đoan tần, Mã Giai thị phong thành Vinh Tần, Quách Lạc La thị phong thành Nghi tần, Nạp Lạt thị phong thành Thông tần, Hách Xá Lý thị phong thành Hi tần. 7 nữ nhân này là Thất tần sơ niên của Hoàng đế Khang Hi.
An tần Lý thị không sinh con nhưng lại đứng đầu trong Thất tần sơ niên, địa vị trong hậu cung chỉ đứng sau Hoàng hậu và Quý phi; điều này có thể thấy nàng đã dựa vào gia tộc để có được vinh sủng ở hậu cung.
Sau khi nhận được sắc phong Tần vị, Lý thị không còn xuất hiện trong các ghi chép lịch sử nữa. Thậm chí đến thời gian qua đời cũng không ai biết rõ mặc dù xuất thân hiển hách và phân vị Tần cũng khá cao ở hậu cung. Đến hiện tại, số phận của nàng vẫn là một bí ẩn không lời giải đáp.
Nhiều thế hệ sau cho rằng, khoảnh khắc rực rỡ nhất trong cuộc đời An tần Lý thị chính là thời điểm nàng vào cung. Sau khi nhập cung rồi được phong Tần vị, Lý thị dần dần biến mất trong dòng chảy của lịch sử. Như hàng nghìn nữ nhân chốn thâm cung, nàng chết hay sống cũng chẳng ai nhớ đến nữa.
Mãi đến sau này, một số nhà nghiên cứu lịch sử đã đưa ra 3 giả thiết về sự "bốc hơi" của An tần Lý thị. Giả thiết đầu tiên là liên quan đến mẫu tộc, có thể gia tộc Lý thị đã gây ra tội lớn làm ảnh hưởng đến An tần, do đó nàng đã bị Hoàng đế xử lý.
Giả thiết thứ 2 là vì bê bối cá nhân. Có thể trường hợp của An tần Lý thị tương tự với Kế Hoàng hậu của Hoàng đế Càn Long. Vì một hành động quá đáng mà bị xử tử một cách bí mật.
Giả thiết thứ 3, An tần Lý thị liên quan đến một số sự kiện chính trị khiến Hoàng đế Khang Hi tức giận và bị giết chết.
Tuy nhiên, giả thiết chỉ là giả thiết, không thể xem đó chính là lịch sử. An tần Lý thị sẽ mãi là một bí mật lớn trong lịch sử Trung Hoa.
Theo PV/Nhịp Sống Việt