Từ trước đến nay chính sử vẫn ghi chép bài thơ thần Nam quốc sơn hà là của Lý Thường Kiệt. Thế nhưng, theo một tài liệu mà độc giả Vũ Kim Biên tình cờ tìm thấy thì tiền thân của bài "Nam quốc sơn hà" là bài "Nam sơn dĩ định”.
Hoàn cảnh lịch sử bài “Nam quốc sơn hà”
Vào niên hiệu Hi Ninh đời Tống Thần Tông, nhân dân Trung Quốc bị ràng buộc khổ ải bởi tân pháp do tể tướng Vương An Thạch lập ra, họ đã chống lại triều đình kịch liệt. Đồng thời biên cương phía Bắc các nước Liêu Kim luôn luôn xâm nhiễu. Để đối phó với tình hình trong nước và thị uy với Liêu Kim, Nhà Tống thi hành mưu kế “quấy rối bên ngoài để yên ổn bên trong”. Nghĩa là đẩy thanh niên Trung Quốc sang xâm lược Đại Việt để đánh lạc mục tiêu đấu tranh của họ.
Cuối năm 1076 đại quân Tống do tướng Quách Quỳ chỉ huy rầm rộ kéo sang. Đến chiến lũy sông Cầu thì bị chặn lại. Trong khi hai quân đối trận chưa phân thắng bại, thì tại bến đò Như Nguyệt nơi gặp nhau giữa hai mũi chủ công Tống và Đại Việt xảy ra một chuyện thần linh.
Sử cũ chép: Đời Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt chống nhau với tướng Tống là Quách Quì ở sông Như Nguyệt, đêm đến nghe có tiếng ngâm thơ trong đền thờ thần Tam Giang rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Nghĩa là:
Núi sông nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
Sau quả nhiên quân Nhà Tống bị thua. Do có công đọc thơ đuổi giặc, nên thần Tam Giang được phong là “Khước Địch đại vương” và đền thì gọi là “Đền Tam Giang Khước Địch thần” (Sách Đại Nam nhất thống chí).
Như vậy quan niệm của sử cũ bài thơ trên là lời sấm của thần Tam Giang. Còn đời nay thì luận bàn rằng: Bài thơ đó chính là của Lý Thường Kiệt. Ông bí mật cho người lọt vào đền thờ thần Tam Giang, nhân lúc đêm khuya thanh vắng đọc lên giả thác lời thần để khích lệ lòng quân sĩ. Việc đó đã có hiệu lực to lớn, quân dân ta tin vào thánh thần phù trợ hăng hái xông lên đập tan nhiều đợt tấn công như vũ bão của địch, dồn chúng vào nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Vì vậy, mùa xuân năm 1077 tướng Tống là Quách Quỳ xin đình chiến cho họ được an toàn rút quân về nước, bỏ lại 8 vạn binh sĩ và 7 nghìn con ngựa vĩnh viễn nằm trên bãi chiến trường, tổn phí tổng cộng 5 triệu lạng vàng. Kể từ đây đến hết triều Tống tức hơn 200 năm sau, họ không dám nhòm ngó nước ta nữa.
Bài thơ của Lý Thường Kiệt toát lên chính nghĩa sáng ngời, sức mạnh tất thắng thuộc về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Đồng thời chỉ ra kẻ xâm lăng chống lại đạo lý của đất trời nhất định bị thất bại. Ý nghĩa lịch sử vĩ đại của bài thơ đã được đánh giá là bản Tuyên ngôn độc lập.
|
Lễ hội Cầu voi Đào Xá. |
“Nam thiên dĩ định” là tiền thân “Nam quốc sơn hà”
Năm 1974 tôi làm công tác kiểm tra các di tích, vào đền Đào Xá được cụ thủ từ cho xem bản Thần tích đã dịch sang chữ quốc ngữ. Trong bản Thần tích thờ Đức Hải Công (thuộc tộc Vua Hùng) của làng Đào Xá huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ, có một đoạn nói về sự linh ứng của Thần là:
“Đời vua Lý Nhân Tông, nhà Tống mưu mô xâm lược nước ta. Thái úy Lý Thường Kiệt đi tuần phòng các đường thủy bộ để lo chống giữ. Ông cho thuyền rẽ vào đền Đào Xá mật khẩn thần linh giúp nước. Thần hiển hiện thành rắn lớn đi thuyền rồng lại cửa đền đọc bài thơ là:
Nam thiên dĩ định đế Nam quân
Đại đức giai do đức nhật tân
Thất quận sơn hà đô nhất thống
Tống binh bất miễn tán như vân.
Dịch:
Trời Nam đã định vua Nam ta
Đức lớn ngày thêm đức mới ra
Bẩy quận non sông về một mối
Tống binh tan tác tựa mây sa.
Quả nhiên sau Thái úy cả phá quân Tống ở sông Như Nguyệt.
Lại chuyện thần linh. Nói đúng hơn là thần linh hóa chuyện thực.
Chuyện thực là, theo phép tắc lúc bấy giờ khi được biết tin quan Thái úy sẽ vào làm lễ cầu đảo bách thần hộ quốc ở đền thờ Thần làng minh, ắt hẳn các bô lão, chức dịch làng Đào Xá phải ra đón tiếp, khoản đãi. Trong lúc tiệc tùng Thái úy và bô lão đã cùng nhau xướng họa, cầu mong cho vua ta chống quân xâm lược Nhà Tống thắng lợi.
Đáng chú ý là câu: “Thất quận sơn hà đô nhất thống”. Thời nhà Lý, vua Lý Thái Tổ đã chia nước ta thành 12 bộ (hay đạo), mà bài thơ lại nói đến “thất quận”. Thất quận là đơn vị hành chính thời Triệu Đà. Nước Nam Việt của Triệu Đà gần giống địa bàn Bách Việt xưa gồm 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (nay là Bắc Bộ và Trung Bộ nước ta) và 4 quận là Thương Ngô, Nam Hải, Uất Lâm, Hợp Phố (nay thuộc Quảng Đông Quảng Tây Trung Quốc).
Các triều đại phong kiến Việt Nam đều nhận Triệu Đà là vua nước ta, sử cũ cũng chép như vậy. Có lẽ ấn tượng “Thất Quận” vẫn tồn tại trong tâm thức của các cụ già nơi thôn dã, ít biết đến sự hoạch định hành chính mới nhất. Vả lại trong thơ dùng hai từ “Thất quận” thuận hơn là “mười hai lộ”. Điều này cho thấy bài thơ có sự tham gia xướng họa của bô lão địa phương.
Xét về ngôn ngữ bài “Nam thiên dĩ định” cũng mộc mạc hơn bài “Nam quôc sơn hà”, tuy rất giống nhau về chủ đề tư tưởng và nội dung. Có lẽ từ bài xướng họa với bô lão làng Đào Xá này, Lý Thường Kiệt đã sửa gọt thành tuyệt tác để dùng vào mưu kế ở bến đò Như Nguyệt, mà sử cũ gọi là thơ Thần. Ông đã khái quát hồn nước lòng dân viết nên bản Tuyên ngôn độc lập vào thời Nhà Lý.
Vũ Kim Biên