|
Hang Dê (Hang Ma), nơi có ngôi mộ cổ |
Hang Dê, nơi có ngôi mộ cổ nằm trong quần thể các núi đá, núi đất khu vực An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Hang Dê (hay còn gọi là Hang Ma) là một hang không lớn, sâu 8,8m, cửa hang rộng 7m, cao 5,4m, quay ra hướng bắc lệch đông 10°, bên trong có 2 hang ngách nối tiếp, vòm tròn, đường kính 2 m và 2,5 m. Hang nằm ngay sát đường vành đai của mỏ đá thuộc Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch. Hang cách chùa Nhẫm Dương, di tích quốc gia đặc biệt chừng 4 km theo đường chim bay.
|
Xương hàm của người xưa. |
Năm 2013, một người dân ở khu Bích Nhôi 3, thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đi tìm nhũ đá, tình cờ phát hiện một ngôi mộ được chôn trong hốc đá ở Hang Dê. Ông đã dung xi măng gắn bia mộ và thỉnh thoảng tới thắp hương. Thời gian gần đây, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường cùng các nhà khảo cổ học Việt Nam về nghiên cứu những hiện vật cổ ở chùa Nhẫm Dương, nơi phát hiện ra di cốt Pôngô (đười ươi) có niên đại trên 3 vạn năm. PGS.TS. Nguyễn Lân Cường được lãnh đạo UBND huyện Kinh Môn thông tin về ngôi mộ ở Hang Dê. Ông đã cùng các đồng nghiệp tới khảo sát và thấy đây là ngôi mộ cổ. Điều đặc biệt là nhũ đá trải qua hàng nghìn năm đã phủ trùm lên ngôi mộ. PGS.TS. Nguyễn Lân Cường đã làm thủ tục, đề nghị được khai quật ngôi mộ cổ này.
Được phép của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, giữa tháng 12-2017, Hội Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hải Dương và Phòng Văn hoá huyện Kinh Môn tiến hành khai quật ngôi mộ cổ tại Hang Dê. Qua khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di cốt của người và 2 chiếc nồi gốm nhỏ là đồ tùy táng. Điều kỳ lạ là nhũ đá phủ đè lên di cốt người chớm hóa thạch và nồi gốm làm thành một khối rắn chắc.
|
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường với mảnh xương đã hoá thạch. |
Xương trong mộ đã bị phá vỡ một phần, do người dân địa phương lấy nhũ đá. Rất may một phần hàm dưới với mấy chiếc răng còn đính nguyên trên hàm, vài mảnh sọ và các đoạn xương dưới sọ: đùi, chày, cánh tay còn bảo tồn được. Có nhiều khả năng người chết được mai táng theo thế bó gối, vì các nhà khảo cổ học phát hiện xương bàn chân nằm sát với mảnh sọ, xương đùi, chày, cánh tay gần như song song với nhau. Dựa vào chiều cao của thân hàm dưới, cột xương đùi, độ mòn của răng, chúng tôi cho rằng có khả năng đây là di cốt của một người đàn ông, khoảng 30-40 tuổi.
Chưa tách được phần vai của nồi gốm để tìm hiểu về hoa văn, nhưng dựa vào kiểu dáng của nồi gốm, cấu tạo của xương gốm khá thô, nhiều nhà khảo cổ học có ý kiến niên đại của ngôi mộ này thuộc giai đoạn sơ kỳ kim khí, cách nay khoảng 3.000 đến 3.500 năm.
Sau khi khai quật xong mộ, các nhà khảo cổ học đã đào một hố thám sát rộng 1 m2, ngay khu vực cửa hang. Ở độ sâu 0,7 m lại phát hiện 3 mảnh xương chẩm của một sọ người. Hang Dê có vị trí rất thuận lợi để người xưa sinh sống. Tiềm năng về khảo cổ học ở đây rất phong phú. Vì vậy, đoàn khảo cổ học đã lấp hố thám sát lại. Dự định tiếp tục xin phép Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho khai quật tiếp Hang Dê trong năm 2018.
Toàn bộ các hiện vật thu được ở Hang Dê đã chuyển về chùa Nhẫm Dương, được cất trong các tủ kính trưng bầy, cùng các răng người cổ, động vật tìm thấy trong động Thánh Hoá và các đồ đá, đồ gốm đất nung, đồ đồng… tìm thấy ở khu vực núi Nhẫm Dương.
Các nhà khảo cổ học dự kiến sẽ gửi ra nước ngoài một chiếc răng để đoán định chủng tộc người của ngôi mộ cổ trong Hang Dê, để định niên đại một cách chính xác bằng phương pháp AMS (Accelerator Mass Spectrometry) của người nằm lại Hang Dê từ hàng nghìn năm qua.
Việc phát hiện và khai quật Hang Dê là bằng chứng quý báu để tìm hiểu về sự sinh sống của người xưa trong Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương vừa được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Theo Trần Tuấn/ baotainguyenmoitruong