Năm 2006, giới khảo cổ Trung Quốc chấn động trước việc phát hiện ra ngôi mộ thật của Tào Tháo và làm sáng tỏ huyền thoại "72 ngôi mộ giả" lan truyền từ trước đến nay. Việc phát hiện ra lăng mộ này đã giúp người ta hiểu rõ hơn về Tào Tháo, vị anh hùng thời Tam Quốc.
Truyền thuyết 72 ngôi mộ giả
Truyền thuyết kể rằng vào ngày an táng, tất cả các cổng thành Nghiệp Thành đều được mở, 72 chiếc quan tài rời khỏi thành cùng lúc từ bốn hướng. Kể từ đó, lăng mộ của Tào Tháo trở thành bí ẩn qua nhiều thời đại, không ai biết ông được chôn ở ngôi mộ nào. Trong hàng nghìn năm, vô số người muốn khai quật lăng mộ Tào Tháo nhưng chưa có ai khai quật được ngôi mộ thực sự.
Các hoàng đế của tất cả các triều đại ở Trung Quốc đều rất coi trọng lăng mộ của họ sau khi qua đời. Một số còn chọn địa điểm và xây lăng khi mới lên ngôi. Quy mô của những dự án này rất lớn và vô số báu vật quý hiếm được chôn cùng với chúng. Tuy nhiên, Tào Tháo, một nhân vật kiệt xuất, có địa vị và quyền lực không kém gì một hoàng đế lại xin chôn cất đơn giản.
Trước khi qua đời, Tào Tháo đã có di chúc nêu rõ tang lễ của ông phải tổ chức đơn giản, chôn cất ở nơi đất cằn cỗi, không có bia mộ, không trồng cây, bên trong không có vàng ngọc, trang sức hay các đồ tạo tác quý giá. Cách xử lý tang lễ của ông đã khơi dậy sự tò mò của nhiều nhà khoa học, sử học. Tại sao ông lại yêu cầu "chôn cất đơn giản"?
Tào Tháo được khắc họa trên phim truyền hình. Ảnh minh họa: Internet
Có người cho rằng Tào Tháo tuy là “anh hùng”, địa vị cao sang nhưng thực chất lại là người rất tằn tiện, có những yêu cầu khắt khe đối với người khác và bản thân nên dù chết cũng phải “tiết kiệm”.
Một số cho rằng Tào Tháo đã khai quật nhiều lăng mộ của các hoàng đế đời trước để có tiền nuôi quân trước đây. Ông đã chứng kiến nhiều ngôi mộ bị tàn phá và không muốn bản thân rơi vào hoàn cảnh đó.
Người khác lại cho rằng Tào Tháo bản chất đa nghi, khi còn sống có rất nhiều kẻ thù, để ngăn chặn có người trả thù và đào mộ để trút giận, ông quyết định chôn cất đơn giản.
Trên thực tế, không có chuyện Tào Tháo ra chuẩn bị sẵn 72 ngôi mộ giả cho mình từ khi còn sống. Đó chỉ là những lời đồn thổi của người đời sau này. Vào thời điểm diễn ra tang lễ của ông, rất nhiều người tham dự và họ đều biết vị trí chính xác lăng mộ ở đâu.
Tuy nhiên, sau khi thời thế thay đổi, khu lăng mộ Tào Tháo bị tàn phá bởi chiến tranh, những người thực sự biết vị trí chính xác cũng qua đời. Đến thời Nam Tống thì truyền thuyết 72 mộ giả xuất hiện và nó tồn tại cho đến khi mộ thật của Tào Tháo được tìm thấy.
Sáng tỏ truyền thuyết
Sau khi thông tin tìm thấy mộ cổ ở thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam phát đi, những chuyên gia khảo cổ lúc bấy giờ vội vã đến hiện trường. Qua khảo sát đơn giản, người ta nhận thấy đây có thể là một lăng mộ của hoàng tử thời Đông Hán. Kết hợp với những ghi chép trong văn bia được phát hiện tại đây, nói lăng mộ của Tào Tháo nằm ở gần đó. Từ đây, họ suy đoán ngôi mộ cổ này rất có thể là mộ Tào Tháo.
Điều này khiến các nhà khảo cổ rất phấn khích. Hàng ngàn năm qua, người ta quay cuồng với truyền thuyết "72 ngôi mộ giả" nên rất nhiều người muốn tìm mộ Tào Tháo mà không tìm được. Tuy nhiên, ngôi mộ cổ này không thể khai quật mà chỉ có thể bảo vệ theo quy định khảo cổ tại Trung Quốc.
Trong mộ Tào Tháo rất tồi tài, không có vàng bạc châu báu. Ảnh: Internet
Sau đó 2 năm, khi truy quét một nhóm trộm mộ ở địa phương, nhà chức trách phát hiện trên tay chúng có những bức chân dung bằng đá từ thời Đông Hán, có lẽ được khai quật từ ngôi mộ nói trên. Vì vậy, các nhà khảo cổ tiếp tục đến hiện trường và tiến hành giải cứu ngôi mộ này. Lúc này, lăng mộ thật của Tào Tháo bắt đầu có cơ hội được trưng bày trước công chúng.
Sau khi các nhà khảo cổ vào lăng mộ, họ phát hiện ra nó bị hư hại ở mức độ nhất định. Cửa lăng bị hư hại nghiêm trọng, một số tác phẩm điêu khắc và chân dung bằng đá đã bị mất với số lượng lớn, thậm chí cả quan tài bên trong và bên ngoài đều đã bị kẻ trộm "ghé thăm".
Trong cuộc khai quật này, các nhà khảo cổ phát hiện có 3 người được chôn cất bên trong, một nam và hai nữ. Khám nghiệm hài cốt, người ta phát hiện người đàn ông khoảng 60 tuổi, gần giống với trường hợp Tào Tháo qua đời ở tuổi 66. Còn 2 người phụ nữ được cho là 2 bà vợ của ông.
Nghiên cứu về xương Tào Tháo cho thấy vấn đề sâu răng của ông đặc biệt nghiêm trọng. Kết hợp với các ghi chép lịch sử cho thấy Tào Tháo mắc chứng đau đầu nghiêm trọng, người ta suy đoán nguyên nhân có thể là do sâu răng.
Truyền thuyết về "72 mộ giả" của Tào Tháo kể rằng ông cho lập nhiều mộ giả đề phòng bọn cướp mộ. Trong di chúc của mình, Tào Tháo yêu cầu con trai không được đặt đồ tang lễ quý giá như vàng bạc, trang sức. Tuy nhiên, rất nhiều người không tin trong mộ Tào Tháo không có gì, thông tin này chỉ muốn đánh lừa những kẻ trộm mộ.
Ngoài hài cốt và bằng chứng lịch sử của chủ nhân ngôi mộ, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một tấm bia đá khắc dòng chữ "Ngụy Vũ Vương" trong lăng mộ. Điều này càng chứng tỏ ngôi mộ thuộc về Tào Tháo.
Nhưng những đồ vật bên trong có thể khiến một số người kinh ngạc. Địa vị của Tào Tháo tương đương một vị hoàng đế nhưng đồ vật chôn cùng ông lại vô cùng tồi tài.
Truyền thuyết 72 mộ giả của Tào Tháo hoàn toàn không có thật. Ảnh minh họa: Internet
Tổng cộng có hơn 900 hiện vật được tìm thấy trong lăng mộ, đã bị hư hại ở mức độ nhất định. Những thứ này chỉ là một số sản phẩm đồ sắt, đồ gốm đơn giản, thậm chí không có hoa văn trang trí bên trên. Thứ quý giá nhất trong lăng chính là những tấm bia đá khắc chữ và chiếc gối đá được Tào Tháo sử dụng. Bên trong không có vàng, bạc, đồ trang sức quý giá.
Là anh hùng của một thế hệ, đồng thời là người lập nên nền móng nhà Ngụy, Tào Tháo biết rằng sức mạnh của một quốc gia không thể được duy trì bằng vũ lực mà cần phải có bầu không khí xã hội tốt đẹp. Thời Tam Quốc, các hoàng tử các phe quanh năm tranh giành, khiến cuộc sống của người dân thường khốn khổ. Các hoàng tử, quý tộc sau khi qua đời vẫn chôn cất cùng vàng bạc, đá quý, gây lãng phí tài nguyên, không có lợi cho ổn định xã hội. Vì vậy, Tào Tháo chắc chắn muốn đảo ngược xu hướng này và ông đã bắt đầu từ chính mình.
Theo Văn hóa và Phát triển