1. Tích đức bằng lời nói
Họa phúc đều từ miệng mà ra. Nói lời thiện, từ khắc sẽ tạo đức cho chính mình. Trong ngôn từ, cần thể hiện sự khoan dung độ lượng đối với người khác. Nói lời nói thẳng không sai, nhưng hãy chuyển sang cách nói “vòng, nói giảm, nói tránh” một chút. Lời nói lạnh như băng sẽ khiến lòng người sắc lạnh, hãy hâm nóng lên một chút.
Trước khi phê bình người khác, hãy chú ý cân nhắc đến lòng tự tôn của người nghe. Một lời khen ngợi đúng lúc có giá trị ngàn vàng, thậm chí có thể cứu vớt cuộc đời họ giữa lúc khó khăn.
2. Tích đức bằng tấm lòng chung thủy
Là vợ chồng nên sống chung thủy, không ngoại tình, không hãm hại hôn nhân của người khác. Là bạn bè, nên trung thành, đồng cam cộng khổ, hoạn nạn gian khó đều có nhau. Bằng không, đứng núi này trông núi nọ, bản thân ta sớm muộn sau này cũng phải gặp quả báo đau khổ, không thể tìm được tri kỷ đích thực.
3. Tích đức bằng sự khiêm nhường
Cổ nhân dạy: Người kiêu căng ngạo mạn, thích thể hiện tài năng thì đi đâu cũng có kẻ địch. Con người sống trên đời hãy biết cúi đầu, tránh khoe khoang tài năng của mình mọi lúc mọi nơi. Buông bỏ kiêu căng, thu mình học hỏi, đó chính là biểu hiện của bậc đại trí. Đừng múa rìu qua mắt thợ, bằng không sẽ kệch cỡm vô cùng.
4. Tích đức bằng việc tránh xa những điều bất lương
Phật dạy: Chuyện đời người, phải phân tích thời thế, nhìn thấu lành hay dữ, phúc hay họa. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Tránh xa những điều bất lương, kết giao thiện niệm, can đảm tiến về trước, không bị vật chất cám dỗ, chi phối.
5. Tích đức bằng việc luôn giữ thiện niệm ở trong tâm
Tâm thái bạn thế nào, giá trị bạn sẽ như vậy. Hành động, cách cư xử sẽ tạo nên quan niệm của từng người. Muốn sống bình yên, hạnh phúc, bắt buộc, bạn phải giữ trong tâm quan niệm tốt, theo đuổi chân lý đúng đắn, thấm nhuần nhân quả, thì mọi chuyện ắt sẽ bình yên.
Theo Xuân Quỳnh/Khoevadep