Nhắc đến Phan Kim Liên, nhiều người nghĩ ngay đến hình bóng của một người đàn bà phá vỡ mọi quy tắc hôn nhân nổi danh thiên cổ. Hình tượng của Phan Kim Liên là một phụ nữ xinh đẹp quyến rũ nhưng lại rất lẳng lơ, sẵn sàng làm chuyện đồi bại sau lưng người chồng tần tảo để thỏa mãn thói ham hư vinh của mình.
Trong Thủy Hử truyện, một trong tứ đại danh tác cổ đại của Trung Quốc, Phan Kim Liên gian dâm với Tây Môn Khánh, đầu độc chết chồng là Võ Đại Lang, cuối cùng bị Võ Tòng, em trai của Võ Đại Lang giết chết để báo thù rửa hận.
Trong các phiên bản kịch hay phim ảnh, tất cả đều lên án, chỉ trích người phụ nữ này. Tuy nhiên Nhiều tài liệu lịch sử đã đưa ra những lý lẽ đi ngược lại với quan điểm trên, "minh oan" cho người vợ "tội đồ" của Võ Đại Lang.
Theo sử sách, Võ Đại Lang tên thật là Võ Thực (có tài liệu ghi là Võ Trực, trên bia mộ ghi tự là Điền Lĩnh), người cao hơn 1m78 (sau khi khai quật mộ phân tích), người huyện Thanh Hà, Sơn Đông (nay là Hà Bắc).
Võ Thực xuất thân cơ hàn, nhưng thông tuệ hơn người, sùng văn thượng võ. Đến khi trung niên thì thi đỗ tiến sĩ, làm huyện lệnh huyện Dương Cốc, Sơn Đông.
Một số dấu tích về bia mộ được khai quật cũng chứng minh cho suy luận của các sử gia. Được biết, năm 1946, các nhà lịch sử tiến hành khai quật bia mộ của Võ Đại tại huyện Thanh Hà, Sơn Đông, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Trên bia mộ cũng ghi thông tin trùng khớp với những gì tài liệu lịch sử ghi lại. Trên bia mộ ghi: "Võ công tên Thực, tự là Điền Lĩnh. Thuở nhỏ gọi là Đại Lang. Phu nhân của ông là Phan Thị, danh môn thục nữ. Tổ tiên cư ở Tấn Dương quận, sau đó dời đến Thanh Hà huyện...".
Theo đó, Phan Kim Liên thì vốn tên là Phan Thục Viên và không phải là một đầy tớ mà là một thiên kim tiểu thư của Phan Tri châu, sống ở Hoàng Kim Trang cách làng của nhà họ Võ chừng 1,5 dặm. Thấy chàng trai Võ Trực tuy xuất thân nghèo khổ song lại thông minh hơn người, văn võ song toàn, đạo mạo, đức độ nên tiểu thư đem lòng cảm mến.
Võ Trực và Phan Kim Liên sau khi lấy nhau sống rất hạnh phúc, có với nhau tới 4 người con. Đồng thời, Võ Đại Lang là một ông quan tốt, tạo phúc cho nhân dân trong vùng, vì vậy, nhân dân vùng này mới tưởng nhớ ông mà lập bia mộ.
Hơn nữa, từ hiện trường khai thác bia mộ này có thể thấy, quy mô ngôi mộ của Võ Đại Lang khá lớn, loại gỗ làm quan tài lại là loại gỗ rất quý. Do vậy, càng có thể khẳng định, những điều ghi trên bia mộ về Võ Đại Lang là sự thực.
Một số nhà sử gia cũng nói rằng Phan Kim Liên nổi tiếng xinh đẹp và khuê các, xuất thân từ con nhà quan lại nên những lề thói lễ nghĩa rất nghiêm chỉnh.
Do đó mà chuyện Phan Kim Liên lẳng lơ như trong tác phẩm của Thi Nại là điều không thể. Còn Võ Đại Lang do bận công việc triều chính nên mọi công việc trong nhà và nuôi con đều do một tay Phan Kim Liên quán xuyến.
"Nỗi oan" của Phan Kim Liên và Võ Đại sau đó được hậu duệ "kêu hộ" khi hậu duệ đời thứ 24 của Võ Đại là Võ Song Phúc đã từ kể lại một số tình tiết chưa xuất hiện trong các tài liệu. Người này đã công bố thông tin trong một số tài liệu nội bộ gia đình để minh oan cho Phan Kim Liên và Võ Đại đã bị oan. Nỗi oan này xuất phát từ những câu chuyện bịa đặt của một người họ hàng xa nhà Võ Đại là họ Vương. Được biết, do hận Võ Đại không thăng quan tiến chức cho mình nên họ Vương đã bịa đặt nên những câu chuyện tày đình nhằm hạ thấp danh tiếng của gia đình Võ Đại.
Chuyện bịa đặt này truyền đến tai Thi Nại Am, đang buồn bực vì không có ý tưởng thì gặp ngay tư liệu sống, ông bèn đem tên thật của họ vào tiểu thuyết của mình.
Không nghĩ tới, tiểu thuyết này trở nên cực kỳ nổi tiếng, Võ Đại Lang và Phan Kim Liên cũng bị bêu xấu suốt trăm năm, trở thành những người bị chê cười.
Ngày 18/12/2009, họa sĩ Thi Thắng Thần, hội viên Hội Mỹ thuật Trung Quốc, Phó hội trưởng Hội Nghiên cứu tranh liên hoàn tỉnh Hà Bắc, là hậu duệ dòng đích của Thi Nại Am đã đến đền thờ Võ Đại Lang ở Thanh Hà, Hình Đài. Ông thay mặt cho hậu duệ của họ Thi bày tỏ sự xin lỗi và mong con cháu họ Võ, họ Phan tha thứ. Cùng với việc xin lỗi nói trên, họa sĩ hậu duệ họ Thi đã xin đúc lại tượng Võ Đại Lang và Phan Kim Liên, vẽ 16 bức tranh liên hoàn và đề thơ xin lỗi treo trong từ đường.
Tại bức họa Phan Kim Liên, Thi Thắng Thần viết: "Kẻ hậu sinh từng kính họa 16 bức tranh chính truyền hai vị Võ và Phan treo nơi vách từ đường họ Võ để phá cái oan khuất bao đời cho thiên hạ rõ. Nhưng nơi chín suối hai vị Võ, Phan hẳn không tha thứ cho tội làm hoen ố thanh danh trong "Thủy Hử truyện" của tiên nhân... Nay kính xin chỉnh lại dung nhan, hoàn lại dáng hình vốn có. Nguyện hai vị Võ, Phan linh thiêng chứng giám. Họ Thi đốt hương kính bái".
Theo Mộc Miên/Đời sống Pháp luật