Ngày 31/10 vừa qua, tại Paris (Pháp), nhà đấu giá Millon đã mở các phiên bán đấu giá trên 300 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc từ Việt Nam, hoặc liên quan đến Việt Nam. Nhiều cổ vật quý liên quan đến các đời vua Minh Mạng, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại của triều Nguyễn cũng được đưa ra đấu giá lần này. Trong đó, hai hiện vật được quan tâm đặc biệt là chiếc kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng và chiếc bát vàng thời vua Khải Định.
Việc đấu giá ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã được tạm dừng sau các cuộc trao đổi giữa nhà đấu giá Millon với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và đại diện Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam. Còn chiếc bát vàng vẫn được đấu giá theo kế hoạch ban đầu. Trong phiên đấu giá, hiện vật đã được mua lại với giá 680.000 Euro, mức giá cao nhất trong các hiện vật được đấu giá cùng đợt.
Qua các diễn biến nói trên, việc hồi hương chiếc bảo ấn của nhà Nguyễn cũng như nhiều hiện vật lịch sử khác của Việt Nam đã trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
|
Ấn "Hoàng đế chi bảo". Ảnh do nhà đấu giá Millon cung cấp. |
Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đưa ra hai giải pháp. Giải pháp thứ nhất, đó là đại diện của Chính phủ Việt Nam tại Pháp phải tiếp cận với người đưa kim ấn ra đấu giá, thông qua hình thức thương lượng, chấp nhận mua lại. Giải pháp thứ hai là chính thức phát đơn kiện việc đưa biểu tượng của quốc gia, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước Việt Nam ra để đấu giá như là tài sản cá nhân và khi một biểu tượng quốc gia thì một cá nhân không có quyền sở hữu.
Theo TS Phạm Quốc Quân (nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia), việc đưa cổ vật hồi hương cần sự chung tay của cả nhà nước, tư nhân và cả nguồn lực về con người và kinh tế. Trong đó, sự tham gia của những doanh nghiệp, những tập đoàn kinh tế lớn có vai trò rất quan trọng. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp được hài hòa. Đặc biệt, tất cả phải dựa trên một chiến lược có tổ chức, có quy trình rõ ràng, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế và nguồn lực hiện có.
Ngoài ra, TS Phạm Quốc Quân khẳng định công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân, cho những người sưu tầm, cho những người chơi hoặc các bảo tàng cũng là yếu tố quan trọng không kém trong công cuộc bảo vệ các di sản lịch sử của Việt Nam.
Được biết, vào ngày 7/11, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị đồng ý chủ trương cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn Hoàng đế chi bảo. Theo đó, UBND tỉnh này đề nghị huy động mọi nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ Bảo tồn di sản Huế và sử dụng nguồn lực từ quỹ này để thương lượng với nhà đấu giá Millon nhằm kịp thời mua lại, hồi hương chiếc ấn nói trên.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất việc vận động mạnh thường quân là tổ chức cá nhân thương lượng, mua lại ấn Hoàng đế chi bảo để đưa về nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản quốc gia.
Thanh Bình