Phải chăng loài người thời cổ đại đều bị mù màu xanh lam?

Google News

Màu xanh lam từng bị "mất tích" trong thế giới tự nhiên và tất cả các văn bản thời cổ đại.

Đâu là màu sắc bí ẩn nhất trong lịch sử nhân loại? Không phải màu đen – đó là màu xanh lam. Trong hai cuốn sử thi hùng tráng nhất của thời Hy Lạp cổ đại là Iliad và Odyssey, Homer không một lần nào nhắc tới màu xanh lam. Khi mô tả màu sắc của bầu trời, ông ấy nói nó giống với màu đồng pha lẫn màu của sắt.

Màu xanh lam cũng không hề xuất hiện trong các câu chuyện cổ ở Trung Quốc, Sagas Iceland hoặc các phiên bản Kinh Thánh cổ được viết bằng tiếng Do Thái. Nhiều người tin rằng việc chúng ta biết đến màu xanh lam ngày nay chỉ vì chúng ta ai cũng được dạy về nó từ bé.

Bằng chứng là khi các nhà khoa học tới miền nam Châu Phi để nghiên cứu người Himba - một dân tộc bán du mục bản địa ở Namibia sống gần nhất với xã hội săn bắn hái lượm, họ nhận ra người Himba không có khả năng phân biệt giữa màu xanh lam và xanh lá cây.

Phai chang loai nguoi thoi co dai deu bi mu mau xanh lam?

Phải chăng loài người thời cổ đại đều bị mù màu xanh lam?

Thay vào đó, những thành kiến có thể bén rễ trong não bộ rất sâu mà một mặt khác nó cũng rất dễ bị lừa. Một trong những ví dụ điển hình về điều này là bức ảnh chiếc váy vàng trắng hay xanh đen:

 

Một màu sắc bị "mất tích" trong tự nhiên và thời kỳ cổ đại

Các cuộc thảo luận về màu xanh lam thường bắt đầu với những quan sát của cựu thủ tướng Anh William Gladstone. Trong tập thứ ba của "Nghiên cứu về Homer và thời đại Homeric", Gladstone thảo luận về việc sử dụng màu sắc trong tác phẩm của nhà thơ cổ đại người Hy Lạp.

Ông nhận thấy Homer đã xây dựng ra một thế giới nhạt nhòa, thiếu sự đa dạng của màu sắc. Và đặc biệt, ông ấy không hề đề cập đến màu xanh lam. Để đi sâu hơn vào vấn đề, Gladstone đã cố gắng đi tìm một thuật ngữ thời Hy Lạp cổ mà Homer dùng để mô tả màu của những thứ mà ngày nay chúng ta biết chúng có màu xanh lam.

Chẳng hạn bầu trời trong sử thi Odyssey được Homer mô tả có màu của đồng và của sắt. Tính từ mà ông ấy sử dụng trong sử thi Iliad để mô tả đại dương thậm chí còn khó hiểu hơn - "οἶνοψ πόντος" (oinops pontos), có nghĩa đen là "mặt biển rượu".

Gladstone giải thích đó là màu "màu rượu vang sẫm". Những người khác giải thích cụm từ đó có nghĩa là "giống rượu vang" và cho rằng đó là một trạng thái của mặt biển giống với vang trong ly hơn là mô tả màu sắc thậtcủa đại dương.

Mặc dù cuộc tranh luận ý nghĩa thực sự của oinops pontos là gì vẫn chưa ngã ngũ, nhưng nghiên cứu của Gladstone đã phản ánh một sự thật rằng các mô tả thế giới cổ đại rất bị hạn chế khi nói về màu sắc.

Trong giới động vật và thực vật, màu xanh lam cũng rất hiếm khi xuất hiện. Chúng ta không có những con hổ xanh lam, sóc xanh lam hay chó xanh lam. Đó là vì tất cả các loài thú có xương sống không thể tự tổng hợp các sắc tố xanh lam cho mình.

Chỉ có một số ít các loài chim và bướm có thể có màu xanh lam, nhưng đó cũng không phải do sắc tố:

Ngay cả sắc tố xanh lam trên đá quý và đá xanh cũng rất hiếm trong thời cổ đại. Mọi người hồi đó không cần nhiều tính từ chỉ màu sắc như bây giờ bởi vì không có gì trong cuộc sống của họ có màu sắc ngoài những gì họ sử dụng.

Có thể vì thế mà màu xanh lam không xuất hiện trong các câu chuyện Trung Quốc, Sagas Iceland hoặc các phiên bản Kinh Thánh cổ viết bằng tiếng Do Thái.

Người Ai Cập cổ đại là những người duy nhất có một từ để chỉ màu xanh lam, có lẽ bởi họ thường dùng đá Lapis Lazuli làm trang sức hoặc trang trí. Bị mê hoặc bởi màu sắc của những viên đá này, người Ai Cập thậm chí còn phát triển một loại thuốc nhuộm xanh lam trong nền văn minh của mình.


 

Màu "xanh lam" trong các ngôn ngữ

Về mặt ngôn ngữ, màu xanh lam xuất hiện muộn trong các ngôn ngữ Phương Tây. Trong một số ngôn ngữ, bao gồm tiếng Nhật, tiếng Thái, tiếng Hàn và tiếng Lakota Sioux, từ "xanh lam" được sử dụng để mô tả các sắc thái màu khác nhau bao gồm màu xanh lá cây.

Trong tiếng Wales, "xanh lam" thực ra là một từ được phái sinh ra từ "xanh lá cây", do đó dịch nghĩa đen của cỏ (glasswelt) là rơm xanh.

Một số bộ tộc sống gần với nền văn minh săn bắn hái lượm ngày nay cũng chỉ dùng một từ duy nhất để mô tả sắc thái của cả màu xanh lá cây và xanh lam.

Một ví dụ đặc biệt thú vị là bộ tộc Himba, những người dân bản địa ở Bắc Namibia. Họ không có từ riêng để phân biệt màu xanh lam với màu xanh lá cây. Khi các nhà khoa học trình chiếu một màn hình với các ô vuông màu xanh lá cây pha với xanh lam, họ đã không thể phân biệt được chúng.

Trong một số ngôn ngữ khác, màu xanh lam thậm chí không có gốc từ màu xanh lá cây. Chẳng hạn như trong tiếng Ấn-Âu, xanh lam có nguồn gốc từ màu nâu, xám và vàng. Mối liên hệ này đặc biệt rõ ràng trong các ngôn ngữ Slav, trong đó các từ có nghĩa là màu xanh lam (plavi, polovyi, plowi, v.v.) cũng có thể được sử dụng để mô tả những mái tóc màu vàng.

Nói tóm lại, trong khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ để mô tả những gì chúng ta thấy trên thế giới, có vẻ như ngôn ngữ cũng định hình nhận thức của chúng ta về thực tế. Sự "mất tích" của màu xanh lam trong thế giới cổ đại có thể được giải thích bằng sự thiếu vắng của ngôn ngữ, các từ miêu tả và phân biệt chúng.

Tổ tiên của chúng ta thực sự đã tiến hóa để có thể nhìn thấy màu xanh lam, nhưng họ không có những từ ngữ để gọi tên chúng. Trong thế giới hiện đại ngày nay thì khác, khi ngôn ngữ đã phát triển phong phú hơn, chúng ta bắt đầu có nhiều từ mới hơn để mô tả màu xanh lam. Do đó, màu xanh lam cũng sẽ xuất hiện và gây ấn tượng với chúng ta nhiều hơn.

Chẳng hạn, phổ màu xanh lam bây giờ đã được lấp đầy bởi các từ như coban, navy, ultramarine, cyan, azure… Đó là cách mà ngôn ngữ có thể định hình nhận thức của chúng ta về thế giới, một thế giới mà chúng ta có thể cảm nhận và giải mã được như Morpheus nói trong Ma trận.

 
Theo Thanh Long/Báo Tổ quốc