|
PGS.TS Lê Minh Hà với trăn trở hiện đại hóa các bài thuốc dân gian. |
Cơ duyên với bài thuốc của người Dao đỏ
PGS.TS Lê Minh Hà, Trưởng phòng Hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong số ít nhà khoa học gặt hái nhiều thành công trong năm 2022.
Với đề án nghiên cứu về bài thuốc của người Dao đỏ trong hỗ trợ đau nhức xương khớp, PGS. TS Lê Minh Hà được trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc 2022 do L’Oréal - UNESCO vinh danh. Tên tuổi của chị được biết đến nhiều hơn sau những năm “ẩn mình” ở phòng thí nghiệm với những công thức hóa học.
TS Hà kể: “Tôi đến với việc nghiên cứu chỉ có một nguyên nhân chủ yếu. Đó là do niềm yêu thích môn Hóa ngay từ thuở nhỏ luôn thôi thúc trong lòng. Từ ngày học phổ thông, cho tới khi chuẩn bị bước vào đại học, đam mê ấy vẫn kéo dài. Do đó, tôi quyết tâm thi vào Khoa Hóa của Đại học Khoa học Tự nhiên.
Từ một sinh viên, tôi đã nỗ lực hết mình để tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi, được chuyển thẳng lên nghiên cứu sinh, sau đó lại có cơ hội thực tập sau tiến sĩ tại các nước Italia, Pháp, Hàn Quốc, Anh, Thái Lan...
Sau này, khi đã tốt nghiệp, tôi về làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong quá trình không ngừng thực hiện nghiên cứu, nhận được kết quả và tính khả quan của những ý tưởng vốn chỉ nằm trong đầu, tôi càng thêm say mê và khao khát sáng tạo hơn nữa. Đó chính là những động lực để tôi tiếp tục con đường nghiên cứu của mình”.
Nhìn vào những thành tích này, người ngoài có thể nghĩ chị đạt được khá dễ dàng, song ít ai biết để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, chị phải không ngừng nỗ lực, nhiều lúc là đánh đổi. Ngày đêm miệt mài trong phòng thí nghiệm đem lại cho chị phần thưởng là nhiều nghiên cứu được thương mại hóa, số người thụ hưởng thành quả nghiên cứu nhiều lên.
Nói về bài thuốc trị xương khớp của người Dao đỏ, TS Hà kể, trong một lần đi du lịch Sa Pa, chị đã thấy thuốc lá tắm cổ truyền được bày bán ở khắp mọi nơi. Sau khi tìm hiểu, chị mới biết đây là một bài tắm rất nổi tiếng của người Dao đỏ ở tỉnh Lào Cai, được cho là hỗ trợ trị đau nhức xương khớp.
Tuy nhiên việc sử dụng bài lá tắm rất cầu kỳ và mất nhiều thời gian. Mỗi lần sử dụng, mọi người đều mất công đun dược liệu thành nước tắm, sau đó phải ngâm mình từ 35 đến 40 phút thì mới có thể phát huy tác dụng.
Các thành phần và công thức của bài lá tắm còn chưa được xác định rõ ràng. Đồng thời, bài thuốc này cũng chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh về tác dụng, độ an toàn và tính hiệu quả khi mà sử dụng cho rất nhiều người khác nhau.
TS Hà nghĩ, việc nghiên cứu chuyên sâu thành phần bài thuốc không khó, nhưng để lưu giữ nó, phát triển nó thì phải hiện đại hóa, đa dạng hóa thành phần, phát triển thành sản phẩm tiện lợi. Khi đó, giá trị kinh tế cho bài thuốc tăng lên, người dân có thu nhập thì sẽ tự hình thành ý thức bảo tồn.
Mỗi khi bắt tay vào nghiên cứu các bài thuốc cổ truyền, TS Hà cho biết công trình khó khăn nhất chính là gọi tên và định hình tất cả các loại dược liệu được cấu thành bên trong.
Nhiều khi người dân địa phương vào rừng, thu thập được loại nào thì hay loại ấy nên cùng một bài thuốc, chưa chắc thành phần đã đồng nhất 100%. Trong quá trình khảo sát sơ bộ, chị cùng đông nghiệp nhận ra có rất nhiều vị dược liệu cấu thành nên bài thuốc này. Con số có thể lên đến 35 đến 40 loại dược liệu khác nhau.
“Tuy nhiên, có rất nhiều tên gọi dược liệu chỉ là cách gọi dân dã của địa phương, của dân tộc. Do đó, chúng tôi vẫn cần thêm nhiều thời gian để tiếp tục thu thập mẫu và xác định thực vật học, tên khoa học rồi mới tổng hợp được hồ sơ khoa học chuẩn xác của các loại dược liệu này”, TS Hà chia sẻ.
Tìm ra hoạt chất quý trong dược liệu Việt Nam
“Ngoài công việc còn có gia đình, cuộc sống cá nhân. Dù có đam mê đến mấy cũng không thể vùi mình trong phòng thí nghiệm mà bỏ mặc những thứ khác. Làm thế nào để dung hòa cả hai, khi con đường khoa học rất gian nan và đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ vô cùng. Mỗi một nhà khoa học để làm ra thành tựu đều cần có một tinh thần thép, không bao giờ bỏ cuộc và nản chí. Có như vậy, họ mới đối mặt được với vô vàn thất bại, lặp đi lặp lại trong quá trình thí nghiệm”. PGS.TS Lê Minh Hà nói.
Nghiên cứu về bài thuốc của người Dao đỏ trong hỗ trợ đau nhức xương khớp chỉ là tiếp nối của những nghiên cứu trước đấy về dược liệu mà tiến sĩ trẻ Lê Minh Hà đảm nhận.
Công trình điển hình của PGS.TS Lê Minh Hà là nghiên cứu quy trình chiết tách và tinh chế hợp chất KG1 từ cây địa liền, mở ra hướng đi mới trong việc hỗ trợ điều trị bệnh lí xương khớp cho hàng triệu bệnh nhân ở Việt Nam.
Công trình này mang dấu ấn đặc biệt trong hành trình nghiên cứu của PGS.TS Lê Minh Hà bởi để thực hiện thành công, chị đã thử nghiệm trên chính cơ thể mình.
Chị kể, trong quá trình nghiên cứu lâu dài với việc tìm hiểu các bài thuốc dân gian, PGS. TS Lê Minh Hà đã phát hiện ra, hợp chất KG1 có trong cây địa liền – một loại cây hay được người dân đặc biệt là người cao tuổi đem về ngâm rượu để xoa bóp trị đau nhức xương, có tác dụng giảm đau và kháng viêm rất tốt. Thêm vào đó, KG1 có khả năng tái tạo và phục hồi sụn khớp, hỗ trợ điều trị hiệu quả cho các bệnh đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm và đau thần kinh tọa.
Chị và nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhiều thí nghiệm trên chuột. Kết quả cho thấy chuột uống KG1 liều 50mg/kgP và liều 20mg/kgP có khả năng ức chế cơn co thắt bụng từ đó làm chuột giảm đau.
Ở liều 50mg/kgP, KG1 có khả năng ức chế co thắt tốt hơn so với Eferagan với % ức chế của KG1 là 75,79% còn Eferagan (50mg/kgP) là 68,42%. Sự sai khác này là có ý nghĩa thống kê với P<0.1.
Sau 4 - 5 giờ sử dụng KG1 đã xuất hiện tại đầy đủ các khớp, xương trên toàn cơ thể thúc đẩy các phản ứng sinh hóa trong quá trình giảm đau, chống viêm sưng phù nề mà hầu như không để lại bất kì một tác dụng phụ nào như các thuốc tây giảm đau mà ta thường thấy.
Nghiên cứu cho thấy KG1 có tác dụng rõ rệt trong kháng viêm, tiêu sưng (giảm 78%), đỏ nóng (giảm 54,8%) tại các mô khớp cũng như dịch khớp.
Đến giai đoạn thử nghiệm trên người, PGS.TS Lê Minh Hà đã trực tiếp tham gia. “Mình là người hiểu nhất sản phẩm nên mình thử nghiệm để chứng minh tác dụng của sản phẩm. Khi đó tôi bị bệnh đau khớp, rất tình cờ trùng với những tác dụng của sản phẩm. Kết quả nghiên cứu thành công ngoài sức mong đợi của nhóm nghiên cứu”, TS Hà kể.
Chứng minh được tác dụng tốt, nguyên liệu cũng sẵn nhưng làm thế nào để tách chiết KG-1 quy mô lớn là bài toán khó khi đó. KG-1 là chất có nhiệt độ nóng chảy rất thấp. Cái khó nhất trong quy trình chiết xuất KG-1 là kiểm soát được nhiệt độ ở tất cả các công đoạn quy trình công nghệ: Từ quá trình chiết xuất, cô đặc cho đến quá trình tinh chế sản phẩm.
Để chiết xuất được hoạt chất KG-1 ở quy mô phòng thí nghiệm thì không quá khó khăn, nhưng khi áp dụng ở quy mô sản xuất công nghiệp thì gặp rất nhiều vấn đề. Chị cùng các cộng sự đã mất nhiều năm liền nghiên cứu để tìm ra được điều kiện tối ưu có thể đáp ứng được ở quy mô sản xuất công nghiệp.
Công trình nghiên cứu khoa học của PGS.TS Lê Minh Hà đã ngay lập tức được chuyển giao công nghệ cho các công ty dược phẩm và các sản phẩm được biết đến là an toàn, tự nhiên, hiệu quả cao, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm nước ngoài.
Tiếp nối thành công từ việc chiết tách KG1 từ cây địa liền, PGS.TS Lê Minh Hà lại tiếp tục nghiên cứu, chiết tách thành công hoạt chất rotundin từ củ bình vôi tươi để tạo ra các loại dược phẩm hỗ trợ điều trị bệnh.
Và gần đây nhất, PGS.TS. Lê Minh Hà và cộng sự đã nghiên cứu thành công quy trình chiết xuất chế phẩm TECAN chiết xuất từ thân rễ rẻ quạt và sâm đại hành, sáng chế ra hợp chất (3S)-dihydroeleutherinol-8-O-β-D-glucopyranoside làm cơ sở để phát triển sản phẩm thuốc ho thảo dược.
Bắt đầu từ năm 2016, PGS.TS Lê Minh Hà đã không ngừng tìm tòi các loại dược liệu hàng đầu để phối hợp thành công thức dùng cho bệnh viêm đường hô hấp.
Xuất phát từ đề tài nghiên cứu cơ bản tìm kiếm các chất có hoạt tính kháng viêm từ các cây thuốc họ La dơn nhóm nghiên cứu của chị phát hiện ra cây Sâm đại hành có hoạt tính kháng viêm khá tốt.
Nhóm đặt mục tiêu phải làm sáng tỏ thành phần hóa học, hoạt tính sinh học, đặc biệt là hoạt tính kháng viêm và tác dụng trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp đã được sử dụng trong dân gian của cây Sâm đại hành, nhằm nâng cao giá trị sử dụng và khai thác có hiệu quả nguồn hoạt chất quý giá từ cây thuốc dân gian này.
Từ đó góp phần đưa ra giải pháp an toàn và hiệu quả cho các bệnh viêm đường hô hấp bằng các thảo dược thiên nhiên quý giá của Việt Nam.
Thách thức trong tìm ra hướng đi mới
Nói về những khó khăn của phụ nữ làm khoa học, PGS.TS Lê Minh Hà chia sẻ, công nghệ càng phát triển, nhóm nghiên cứu càng phát triển thì thách thức đặt ra cho nhà khoa học càng nhiều.
Hiện trong nước và thế giới có rất nhiều đề tài nghiên cứu, một nội dung có khi được hàng trăm người đặt vấn đề nghiên cứu. Làm thế nào để nghiên cứu của mình, ý tưởng của mình trở nên khác biệt, tìm ra được cái mới.
“Nói thì như thế nhưng thực hiện không dễ dàng. Lĩnh vực nào cũng đòi hỏi cái mới, nghiên cứu nào cũng cần đưa ra cái mới. Nếu không đam mê, không đào sâu tìm hiểu, không thử nghiệm và thất bại nhiều lần, rất khó để có cái mới.
Điều đó đòi hỏi người làm khoa học phải kiên trì, nhẫn nại, chấp nhận thất bại… Nhiều khi ý tưởng mới, tốt, nhưng không thể hiện thực hóa và ngược lại, ý tưởng có tính khả thi lại không được đánh giá là mới. Người ta bảo làm khoa học như đi trên dây là thế”, TS Hà chia sẻ.
Một khó khăn với phụ nữ khi làm khoa học là sức khỏe. “Trong những chuyến đi khảo sát, chúng tôi thường phải đi liên tục 300 - 400 cây số bằng ô tô trong vài tuần, đến rất nhiều nơi khác nhau để có thể khảo sát dược liệu từng vùng. Nhiều khi phụ nữ không thể đủ sức để đi hết hành trình này.
Hay như khi đi chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, có những mẻ sản xuất sẽ phải làm cả đêm mới hoàn thành một quy trình công nghệ cho một chiết xuất nào đó về dược liệu. Tất cả những công đoạn này đều yêu cầu nền tảng thể lực rất tốt mà không phải phụ nữ nào cũng có được”, TS Hà kể.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai PGS.TS Lê Minh Hà cho biết sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi những nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng, nhằm nâng cao giá trị sử dụng và khai thác có hiệu quả nguồn hoạt chất quý giá từ những cây thuốc dân gian Việt Nam.
Qua đó, tạo cơ sở để sản xuất thêm nhiều dược phẩm nội có chất lượng tốt hơn hoặc tương đương với sản phẩm nhập ngoại, có giá thành rẻ hơn, hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân tại các vùng trồng cây dược liệu.
“Làm khoa học luôn đòi hỏi vất vả và hy sinh. Đó là những điều mà chúng ta phải hết sức cân nhắc rồi mới đưa ra lựa chọn. Nhưng đổi lại, khi đã lựa chọn làm nghiên cứu, bạn sẽ được sống với chính mình và thỏa đam mê”, TS Hà nhắn nhủ.
Theo Nhật Phong/giaoducthoidai