Tài sản thừa kế là tình yêu cây cỏ
Phòng làm việc của TS Ơn ở khoa Thực vật học, Đại học Dược Hà Nội thoang thoảng mùi tinh dầu sả thanh mát. Trong buổi chiều muộn cuối tuần, nhà khoa học vẫn miệt mài gõ chữ trên bàn phím chiếc máy tính nằm cạnh mấy chồng sách báo, xa hơn chút là ngổn ngang dụng cụ thí nghiệm bằng thủy tinh.
Tạm gác công việc, TS Ơn bắt đầu câu chuyện với tôi bằng một kỷ niệm về ông ngoại - người đã trao cho ông món tài sản thừa kế quý giá là tình yêu mãnh liệt với cây cỏ: “Ông ngoại tôi là một thầy lang người Sán Chỉ. Ông chữa được rất nhiều bệnh, trong đó có một bệnh “ác liệt” là động kinh. Với những loại bệnh như vậy, nếu chữa khỏi, người ta coi thầy thuốc như bố mẹ đã sinh ra mình lần nữa. Đến khi thầy thuốc mất, theo tục chữa trước trả sau, họ sẽ mang lễ tới phúng viếng. Ngày ông ngoại tôi mất, thấy nhà sàn nơi ông ở đầy lễ của những người con này, tôi mới biết ông đã chữa được cho rất nhiều người mắc bệnh nặng và quyết định chọn nghề nghiên cứu cây cỏ”.
Trải qua mấy chục năm, PGS-TS Trần Văn Ơn quen thuộc với núi rừng, thiên nhiên đến nỗi nắm rõ tập tính của các loài động vật nên không có cảm giác sợ hãi khi vào rừng, cũng rất ít gặp tai nạn. Còn về cây cỏ, ông có thể kể say sưa bao nhiêu ngày cũng không hết chuyện, nhất là những cây dùng làm thuốc.
Phó Giáo sư - tiến sỹ Trần Văn Ơn trong vườn dược liệu của Đại học Dược Hà Nội. Ảnh: Lê Loan.
“Tiếc là bây giờ, nhiều người không còn coi trọng thuốc nam. Quá trình đô thị hóa đã khiến không ít thảo dược mất đất sống, hoặc cây còn nhưng thói quen dùng thuốc tây khiến các bài thuốc nam nhạt dần. Tuy nhiên, các bài thuốc nam lưu truyền ở nông thôn vẫn còn nhiều lắm. Việc cần làm là phải sưu tầm lại ngay những bài thuốc này” - nhà khoa học trăn trở.
"Xắn tay áo" phát triển dược liệu
Nền y dược Việt Nam có truyền thống, có kho tàng nhưng chưa khai thác tốt mà đang đi theo hướng ủng hộ, hỗ trợ thuốc ngoại là thực trạng tạo ra nỗi niềm đau đáu của con người yêu thảo dược Trần Văn Ơn. “Điều này cần phải thay đổi” - ông nói. Và để góp phần tạo ra sự thay đổi đó, ngoài vai trò nghiên cứu và giảng dạy, ông tự trao cho mình trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng để phát triển nền dược liệu Việt Nam, biến Việt Nam thành vườn thảo dược thế giới.
Ông đã đến rất nhiều vùng cao xa xôi, hẻo lánh như Nậm Đăm, Quản Bạ (Hà Giang), vận động người dân tập hợp lại trong hợp tác xã để sản xuất dược liệu, hoặc hướng dẫn, giảng giải cho họ thế nào là công ty, làm sao để phát triển thị trường.
“Có những nơi tôi phải đi thuyết phục gãy cả lưỡi thì họ mới nghe, giải thích cháy cả cổ họ mới hiểu. Nhưng họ chưa tin ngay. Tôi phải lăn lộn làm cùng họ. Thậm chí khi họ thành lập công ty, tôi lại đóng vai trò một ngân hàng di động, lấy tiền nhà cho họ vay vốn; bày cho họ cách làm gia tăng giá trị sản phẩm, đăng ký sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng để đạt tiêu chuẩn theo luật định, bày cách để họ ít gặp khó khăn nhất khi đưa sản phẩm ra thị trường” - TS Ơn tâm sự.
Ngoài người dân các vùng giàu tiềm năng sản xuất dược liệu, một đối tượng quan trọng khác mà TS Ơn hướng đến với mục tiêu phát triển ngành dược liệu là sinh viên. Ông tổ chức các lớp học ngoại khóa mang tên “Chung tay phát triển dược liệu Việt Nam” cho những bạn trẻ tâm huyết với lĩnh vực này.
“Để dạy các em, tôi phải thiết kế một khóa học như với sinh viên trong trường chính quy. Đầu tiên, tôi đưa các em đi thực tế. Học viên không có nhiều tiền, thầy hỗ trợ một phần. Sau đó, tôi hướng dẫn các em đi điều tra thị thường để có kiến thức về thị trường, chủ yếu trong dịp đầu hè và cuối tuần. Sau những thử thách này, em nào còn đam mê và nhiệt huyết sẽ được đào tạo theo chuyên đề, như phát triển cộng đồng là gì, nguyên lý phát triển cộng đồng, khởi nghiệp doanh nghiệp là gì, chuỗi giá trị, kỹ thuật chế thảo dược thành sản phẩm...” - nhà khoa học chia sẻ.
Phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái cũng là một hướng đi mà TS Ơn đang dành nhiều tâm huyết. Theo ông, việc cần làm trước hết là xây dựng các vườn cây thuốc: “Dược liệu Việt Nam có nhiều loại, ẩm thực được đánh giá là ngon, phong phú, du lịch sinh thái đa dạng, tại sao ta không tận dụng nó để phát triển nền dược liệu? Hãy tưởng tượng nhé, trong các điểm tham quan của khách du lịch luôn có vườn thảo dược, nơi họ được ngắm, xem, tắm, ăn các sản phẩm từ thảo dược, thậm chí chữa bệnh bằng làm vườn. Họ được trải nghiệm, nếu thích thì sẽ mua, khi về nước sẽ quảng bá, khiến các du khách sau đó cứ đến Việt Nam là mua thuốc. Khi đó, ta có thể phát triển ngành kinh doanh thảo dược, xuất khẩu tại chỗ. Hiện tôi đã xây dựng được vườn thuốc ở Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình) và sắp tới là ở Đảo Ngọc (Phú Thọ), Quản Bạ (Hà Giang)”.
Để đảm bảo sự liền mạch của con đường từ phòng nghiên cứu qua nhà máy ra đến thị trường, TS Ơn đang tham gia đào tạo CEO cho các doanh nghiệp chuyên về thảo dược. Ông cho biết đã gom khá nhiều sinh viên mới ra trường để lập Công ty Thung lũng dược liệu xanh Việt Nam, chuyên cung cấp các sản phẩm làm từ thảo dược. Nhiều người ra đi từ công ty này đã tìm được vị trí tốt trong các doanh nghiệp dược phẩm. Ông cũng sẵn sàng giúp đỡ những người muốn ra lập công ty riêng.
Từng có giai đoạn dài đến 6 năm, ngày nào TS Ơn đi làm cũng chuẩn bị 2 chiếc cặp cho 2 “vai” khác nhau, một là nhà khoa học - giảng viên, trưởng bộ môn và một là giám đốc doanh nghiệp. Nay công ty đã “chạy tốt”, cuối tuần nếu rảnh là ông lại xách balô đi thực địa, tiếp tục tìm và nghiên cứu cây thuốc, bài thuốc mới, mà những cái mới luôn dồi dào như số dự định mà nhà khoa học này ấp ủ. Ông tâm sự: “Tôi mong mỗi ngày có tận 72 tiếng để có thể hoàn thành những công việc đã đặt ra”.
PGS-TS Trần Văn Ơn sinh năm 1966 tại Phú Lương, Thái Nguyên, hiện là Trưởng khoa Thực vật học, Đại học Dược Hà Nội, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty DK Pharma (Bộ Y tế). Tập trung nghiên cứu về cây dược liệu, ông là một trong hai nhà khoa học của Việt Nam bảo vệ học vị tiến sỹ trong lĩnh vực bảo tồn tài nguyên cây thuốc.
Theo Hoà An/Khoa học & Phát triển