Cần báo chí, như điểm tựa niềm tin giữa thông tin "rác"
Thưa ông Vũ Tiến Lộc, có ý kiến cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, báo chí đã gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ mạng xã hội, các nguồn thông tin trực tuyến, và vai trò của báo chí dường như có lúc bị “lu mờ”. Ông nghĩ gì về điều này?
Đúng là nếu như ngày xưa rất thiếu thông tin, thì giờ là thời đại thông tin bùng nổ, chỉ cần một cú bấm máy là có tất cả những thông tin mình cần, thậm chí “quá tải”. Tuy nhiên, lượng tin khổng lồ trên mạng xã hội luôn đi kèm những tin “rác”, thông tin chưa được kiểm chứng.
|
Ông Vũ Tiến Lộc trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. |
Trong khi đó, thông tin đưa lên báo chí bao giờ cũng qua khâu kiểm duyệt từ ban biên tập, người viết, cho nên có độ tin cậy cao. Có thể thông tin trên báo chí không nhanh như mạng xã hội, các kênh trực tuyến, nhưng là những thông tin đã được xử lý một cách chuyên nghiệp, được kiểm chứng, tựa như đã qua một bộ lọc.
Vì thế, tôi cho rằng, trong thời đại bùng nổ của các phương tiện trực tuyến, mạng xã hội, báo chí vẫn giữ vai trò quan trọng, như một điểm tựa của niềm tin.
Với doanh nghiệp, điểm tựa đó có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Tất nhiên, hoạt động của doanh nghiệp phải dựa trên những thông tin cậy, có kiểm chứng, gạn lọc và chính xác. Chính vì thế, báo chí có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp.
Đặc biệt, báo chí tựa như nhịp cầu để đưa ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp tới chính quyền một cách nhanh nhất. Thông qua việc trao đổi, tương tác, tựa như các diễn đàn, báo chí tạo ra được những ý kiến tác động vào thể chế kinh tế, hình thành môi trường kinh doanh hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn có những rủi ro, doanh nghiệp bị oan ức thì qua báo chí, doanh nghiệp có thể được bảo vệ. Thực tế, nhiều doanh nghiệp khi gặp sự cố (tất nhiên là doanh nghiệp không sai phạm) thì việc đầu tiên là đi tìm báo chí phản ánh.
Và trong trường hợp doanh nghiệp làm đúng, báo chí cũng rất trung thực, liêm chính thì tiếng nói từ báo chí sẽ có sức mạnh rất lớn. Ngay cả một doanh nghiệp nhỏ bé, không được biết đến nhiều, nhưng qua báo chí cũng có thể nhận được sự ủng hộ lớn từ phía cộng đồng, được bảo vệ.
Ví dụ như vụ việc cà phê Xin Chào năm 2016 ở TPHCM do chậm đăng ký kinh doanh đã bị chính quyền địa phương “xử ép”. Sau đó, nhờ báo chí vào cuộc, vụ việc đã trở thành sự kiện lớn, được dư luận quan tâm và Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết.
Điều đáng nói, qua báo chí, đã không chỉ cụ thể một doanh nghiệp được bảo vệ, mà còn là sự bảo vệ môi trường kinh doanh nói chung. Theo tôi, sức mạnh của báo chí là vô biên khi bảo vệ lẽ phải, sự thật.
Ngày xưa, khi tổ chức những hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, cung cấp thông tin, quảng bá về doanh nghiệp cần có hội trường to, nhiều người dự. Nhưng ngày nay, một hội nghị có khi chỉ cần 20 người, nhưng có chất lượng và được truyền tải trên báo chí thì gây ảnh hưởng xã hội lớn, hơn cả hàng ngàn người dự.
Cảm thông, bao dung khi doanh nghiệp “ngã”
Theo ông, giữa doanh nghiệp và báo chí có mối quan hệ thế nào?
Tôi cho rằng, đó là mối quan hệ cộng sinh. Hiện nay, theo tôi biết có nhiều tòa soạn chuyển sang tự hạch toán. Nếu không có doanh nghiệp đồng hành trong các hoạt động thì báo chí cũng rất khó khăn. Nhưng ở chiều ngược lại, như tôi đã nói, báo chí đã giúp doanh nghiệp rất nhiều trong những vụ việc oan sai.
Ngoài ra, báo chí còn đồng hành, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu; định hướng, hỗ trợ, cung cấp thông tin về những mô hình, tấm gương tốt để doanh nghiệp thay đổi, học theo…
|
Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ, rất cần bảo vệ lúc doanh nghiệp gặp khó khăn. |
Thời gian qua, đã xảy ra sự cố với hàng loạt các doanh nghiệp lớn như FLC, Tân Hoàng Minh… dẫn tới lãnh đạo những doanh nghiệp này vướng vòng lao lý. Với những trường hợp này, theo ông, báo chí nên ứng xử ra sao?
Khi doanh nghiệp có sự cố, nhiều người sẽ nhìn doanh nghiệp với sự dè chừng hơn, thậm chí định kiến. Theo tôi, doanh nghiệp vi phạm pháp luật, có hành vi trục lợi, lừa dối người tiêu dùng đương nhiên phải xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, thương hiệu doanh nghiệp vẫn là tài sản nhà nước. Và một đất nước phát triển hay không, phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế. Đặc biệt, đằng sau doanh nghiệp còn là những nhà đầu tư, người lao động, khách hàng, đối tác, chuỗi giá trị sinh thái… và cả uy tín của đất nước.
Vì nếu doanh nghiệp Việt Nam không trụ vững, doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào mua lại. Mặc dù, việc mua bán – sáp nhập là bình thường trên thương trường, nhưng nếu những doanh nghiệp lớn của ta cứ lần lượt bị nước ngoài thâu tóm thì đó là câu chuyện hết sức đau xót.
Cho nên, hãy bảo vệ doanh nghiệp ngay cả những lúc khó khăn. Những lúc này, cần sự cảm thông, chia sẻ, bao dung của báo chí, của công luận.
Cụ thể, cần sự giúp đỡ như thế nào, thưa ông?
Tôi cho rằng, Chính phủ hãy ra tay giúp họ tái cấu trúc hoặc chuyển hướng sản xuất kinh doanh và ổn định trở lại. Ở một số nước trên thế giới, khi doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn thậm chí Nhà nước mua lại, khôi phục, tái cấu trúc rồi bán lại cho doanh nghiệp.
Phải tiếp tục khơi dậy tinh thần doanh nhân, vực khỏi những nốt trầm. Theo tôi, gói hỗ trợ lớn nhất hiện nay không phải là tài chính, tài khóa hay tiền tệ mà là gói “hỗ trợ niềm tin”. Làm sao để duy trì được niềm tin của doanh nhân với thị trường, với xã hội và ngược lại là niềm tin của xã hội, thị trường với doanh nhân.
Tiếp cận doanh nghiệp từ giá trị nhân văn
Niềm tin đó đang bị ảnh hưởng thế nào, thưa ông?
Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân đang bước vào một giai đoạn rất khó khăn. 5 tháng đầu năm nay, có 98.000 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường nhưng vẫn có tới 72.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn 20% cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư mới của khu vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã giảm 16% trong khi đó đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng gấp đôi so với năm ngoái. Con số đó phản ánh điều gì nếu không phải đang có vấn đề về niềm tin của doanh nhân đối với môi trường kinh doanh trong nước?
Trên diễn đàn Quốc hội, một số phát biểu vừa qua cho thấy thể chế, thủ tục hành chính ở lĩnh vực nào cũng có sự bất cập, chồng chéo, không minh bạch. Nhiều đại biểu Quốc hội nói rằng đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai mà không làm cũng sai. Ngay đầu tư công, liên quan đến hai vấn đề là thể chế và bộ máy nhà nước, thời gian qua không thể nào làm nhanh được. Điều đó cho thấy, việc cải cách thể chế, cải cách hành chính cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Báo chí cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tốt hơn, thưa ông?
Trong quá trình phát triển luôn có những khúc quanh. Lúc này, báo chí cần sát cánh với doanh nghiệp, doanh nhân để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phục hồi, tiếp tục khôi phụ, tăng cường niềm tin của xã hội.
Theo tôi, hiện nay, nhiều vấn đề của nền kinh tế thế giới, những biến động địa chính trị đều bắt nguồn từ văn hóa. Giờ đây, doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh nhau bằng chất lượng hàng hoá và giá cả mà đều phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp dựa trên giá trị nhân văn, tinh thần vì cộng đồng.
Giá trị của một doanh nghiệp lớn nhất không phải là tiền bạc, tài sản, sản phẩm, dịch vụ tiện nghi hơn mà là nền văn hóa, giá trị nhân văn của doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp được xã hội tôn trọng, yêu quý phải là doanh nghiệp không hủy hoại môi trường, không kinh doanh ngắn hạn, có trách nhiệm cộng đồng…
Cho nên, khi báo chí tiếp cận doanh nghiệp, quảng bá cho doanh nghiệp cũng nên tiếp cận từ giá trị nhân văn đó. Báo chí sẽ góp phần xây dựng mô hình doanh nghiệp mới, phương thức sản xuất mới, xanh hơn, nhân văn hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Vũ Tiến Lộc (sinh năm 1960) là Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI).
Là một chính khách có tư duy đổi mới, trên cương vị Đại biểu Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc được xem là đã để lại nhiều dấu ấn trên nghị trường và cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Ông đã cùng các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chọn 13/10 hàng năm là ngày doanh nhân Việt Nam.
Ông là người đầu tiên đưa ra thông điệp "Doanh nhân - người lính thời bình” và lập ra Cúp Thánh Gióng để tôn vinh các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Dưới sự lãnh đạo của ông Vũ Tiến Lộc, VCCI đã có những hoạt động có tác động lớn tới sự phát triển doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Mời quý độc giả xem video ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ về vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp bên hành lang Quốc hội. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan