Nóng: Loài cá xâm lấn sống trên cạn tới 4 ngày, đẻ 15.000 trứng/lần

Google News

Các chuyên gia cho biết, loài cá châu Á này có khả năng thở trên cạn và di chuyển một quãng đường ngắn trên đất liền.

Mới đây, giới chức bang Nam Carolina (Mỹ) vừa phát đi cảnh báo đến người dân, đặc biệt là những người câu cá, về sự xuất hiện của loài cá châu Á xâm lấn nguy hiểm. Loài cá này có khả năng di chuyển trên cạn và gây hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái bản địa. Đó chính là cá lóc phương Bắc.

Cảnh báo từ Cơ quan Quản lý nguồn Tài nguyên Thiên nhiên Nam Carolina

Theo Cơ quan Quản Lý nguồn Tài nguyên Thiên nhiên Nam Carolina (SCDNR), cá lóc phương Bắc có nguồn gốc từ châu Á và có thể dài tới gần 1 mét. Loài cá săn mồi này đã được ghi nhận xuất hiện ở nhiều bang của Mỹ như Georgia, Missouri, California, Hawaii, Maryland và Virginia.

Cá lóc phương Bắc có thể sinh sản nhanh chóng, một lần đẻ tới 15.000 trứng ở bất kì đâu và có thể sinh sản từ 1 - 5 lần/năm. Trứng thường sẽ nở chỉ sau vài ngày. Ngoài vấn đề sinh sản nhanh chóng, cá lóc phương bắc còn là kẻ săn mồi đáng gờm, ăn thịt các sinh vật bản địa, phá vỡ hệ sinh thái tại sông hồ ở Mỹ.

Giới chức trách cảnh báo, cá lóc phương Bắc là loài săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn và "sự xuất hiện của chúng là mối đe dọa đáng kể đối với quần thể cá bản địa".

Nong: Loai ca xam lan song tren can toi 4 ngay, de 15.000 trung/lan

Giới chức bang Nam Carolina (Mỹ) vừa phát đi cảnh báo về sự xuất hiện của loài cá châu Á xâm lấn nguy hiểm. (Ảnh: Fox news).

Ông Ross Self, Trưởng bộ phận thủy sản nước ngọt của SCDNR, cho biết trong một email gửi tới Fox News Digital: "Cá lóc phương Bắc xuất hiện ở Nam Carolina kể từ khi một số lượng nhỏ được tìm thấy trong các ao tư nhân ở Georgia và Bắc Carolina vào năm 2019."

Ông Self nói thêm: "Con cá lóc phương Bắc này được ghi nhận từng được nhìn thấy ở Nam Carolina là do một người đàn ông ở Lake City tự nguyện giao nộp cho SCDNR cách đây 15 năm. Ông này trước đó đã nuôi nó trong bể cá."

Ông Self cho biết, cảnh báo mà SCDNR đưa ra vào năm 2019 vẫn còn nguyên giá trị: "Nếu người câu cá bắt được một con, hãy tiêu diệt nó."

Hướng dẫn xử lý khi bắt gặp cá lóc phương Bắc

SCDNR khuyến cáo những người câu cá nên "Giữ lại con cá, sau đó đông lạnh nó và liên hệ ngay với Sở Tài nguyên Thiên nhiên Nam Carolina."

Khi chụp ảnh cá lóc phương Bắc, hãy chụp cận cảnh miệng, vây và đuôi của nó. Ghi chú nơi nó được tìm thấy (nguồn nước, địa danh hoặc tọa độ GPS).

Nong: Loai ca xam lan song tren can toi 4 ngay, de 15.000 trung/lan-Hinh-2

SCDNR khuyến cáo những người câu cá nên "Giữ lại những con cá, sau đó đông lạnh nó và liên hệ ngay với Sở Tài nguyên Thiên nhiên Nam Carolina." (Ảnh: Getty Image).

Các chuyên gia cho biết, cá lóc phương Bắc có khả năng thở trên cạn và di chuyển một quãng đường ngắn trên đất liền. Nếu ở trong môi trường có độ ẩm phù hợp, chúng có thể sống trên cạn tới 4 ngày.

Theo thông tin trực tuyến từ Tổ chức Thông tin về các Loài xâm lấn New York (IS): "Người ta tin rằng cá lóc phương Bắc xâm nhập vào Mỹ khi những người nuôi cá cảnh thả loài ngoại lai không mong muốn này vào các tuyến đường thủy địa phương."

"Cá lóc phương Bắc sinh sản vào những tháng mùa hè (từ tháng 6 đến tháng 8). Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về chu kỳ sinh sản của loài cá này", trang web của IS cho biết.

Các quy định pháp lý liên quan đến cá lóc phương Bắc

Loài cá lóc phương Bắc đã được bổ sung vào danh sách động vật hoang dã gây hại theo Đạo luật Lacey vào năm 2002. Theo Cơ quan Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ, Đạo luật Lacey nghiêm cấm việc vận chuyển, sở hữu hoặc nhập khẩu một số loài cá cụ thể.

Nong: Loai ca xam lan song tren can toi 4 ngay, de 15.000 trung/lan-Hinh-3

Tại Nam Carolina, việc sở hữu, vận chuyển hoặc buôn bán cá lóc phương Bắc sống là bất hợp pháp. (Ảnh: Fox News).

Tại Nam Carolina, việc sở hữu, vận chuyển hoặc buôn bán cá lóc phương Bắc sống là bất hợp pháp.

Ông Self cho biết, loài cá chó (bowfin) bản địa của Nam Carolina trông rất giống cá lóc phương Bắc. Nhiều người câu cá đã gửi ảnh cá chó cho SCDNR vì họ nghĩ rằng mình có thể đã bắt được cá lóc phương Bắc.

Ông Self kêu gọi người dân không tiêu diệt cá chó chỉ vì chúng giống cá lóc phương Bắc.

Theo Người Đưa tin