Nỗi hàm oan thiên cổ của Võ Đại Lang và Phan Kim Liên

Google News

Qua ngòi bút của Thi Nại Am trong “Thủy Hử truyện” và sau đó là Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh trong "Kim Bình Mai", Phan Kim Liên trở thành biểu tượng của hạng phụ nữ dâm đãng.

Ngày 18/12/2009, họa sĩ Thi Thắng Thần, hội viên Hội Mỹ thuật Trung Quốc, Phó hội trưởng Hội Nghiên cứu tranh liên hoàn tỉnh Hà Bắc, là hậu duệ dòng đích của Thi Nại Am đã đến đền thờ Võ Đại Lang ở Thanh Hà. Ông thay mặt cho hậu duệ của họ Thi bày tỏ sự xin lỗi và mong con cháu họ Võ, họ Phan tha thứ.
Do ảnh hưởng quá sâu rộng của "Thủy Hử truyện" - một trong "tứ đại kỳ thư" của Trung Hoa, cộng thêm tác động của các loại hình nghệ thuật khác như hý kịch, sân khấu dân gian, phim ảnh..., nhiều nhân vật trong “Thủy Hử truyện” đã được hình tượng hóa và khác xa chính sử. Bên cạnh những nhân vật hư cấu, một số nhân vật có thật trong lịch sử đã bị lắp ghép, thêm thắt, thậm chí làm sai lệch khiến cả gia tộc bị hàm oan suốt mấy trăm năm.
Qua ngòi bút của Thi Nại Am trong “Thủy Hử truyện” và sau đó là Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh trong "Kim Bình Mai", Phan Kim Liên trở thành biểu tượng của hạng phụ nữ dâm đãng. Còn Võ Đại Lang được miêu tả là anh chàng bán bánh hấp, kiểu nửa người nửa ngợm, xấu xí ngây ngô, cao không đầy 5 thước (1,3m), cuối cùng bị vợ ép uống thuốc độc chết tức tưởi...
Lối miêu tả trên đã khiến cho đôi vợ chồng Võ Đại Lang-Phan Kim Liên gánh chịu "nỗi oan thiên cổ". Trong lịch sử Trung Hoa, ở vùng huyện Thanh Hà đúng là có các nhân vật Võ Đại Lang, Phan Kim Liên… nhưng họ sống vào đời Minh chứ không phải đời Tống và cuộc đời hoàn toàn khác xa những gì mà “Thủy Hử truyện” viết.
Theo đó, Võ Đại Lang tên thật là Võ Thực, sống vào thời Vĩnh Lạc triều Minh, người thôn Võ Gia Na (xưa gọi là Khổng Tống Trang), huyện Thanh Hà, tỉnh Sơn Đông (nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), cách huyện thành Thanh Hà chỉ 3km về phía đông. Võ Đại Lang xuất thân cơ hàn nhưng thông minh hơn người, giỏi văn chuộng võ, thi đậu tiến sĩ, được bổ làm huyện lệnh Dương Cốc, hàm thất phẩm, công chính liêm minh, rất được dân chúng mến mộ.
Còn Phan Kim Liên là thiên kim tiểu thư, con của quan tri châu Hàm Đan, người xinh đẹp nết na, ôn nhu khéo léo, nhà ở Phan Gia Trang (sau đổi là Hoàng Kim Trang) huyện Thanh Hà, chỉ cách thôn Võ Gia Na 1,5km. Vì thương Võ Thực là người nghèo mà có chí nên Phan Kim Liên hết lòng giúp đỡ, sau hai người nên nghĩa vợ chồng, sống hạnh phúc bên nhau, có 4 con trai truyền thế đến nay. Hoàn toàn không như những gì trong “Thủy Hử truyện” viết.
Noi ham oan thien co cua Vo Dai Lang va Phan Kim Lien
Hậu duệ họ Phan bên tượng Võ Đại Lang. 
Từ đường của Võ Đại Lang tại thôn Võ Gia Na là một tòa kiến trúc cổ, có tên là Võ Đại Từ, bên trong có mộ của ông. Mùa đông năm 1992, gia tộc họ Võ khai quật cổ mộ này để xây dựng mới. Mộ huyệt có kết cấu như hình giếng, quan tài treo bằng gỗ nam mộc rất quý, không có đồ tùy táng. Đặc biệt, căn cứ vào xương cẳng chân trong huyệt mộ, có thể thấy rằng Võ Đại Lang là người cao lớn, khoảng 1,78m trở lên chứ không phải "tam thốn đinh xác thụ bì" tủn hoẳn như “Thủy Hử truyện” viết. Thêm nữa, nếu Võ Đại Lang là người bán bánh nghèo hèn thì chắc hẳn quan tài không thể làm bằng gỗ nam mộc?
Tấm mộ chí minh bên trong đã giúp khám phá thêm nhiều điều về nhân vật này: "Võ công húy Thực, tự là Điền Lĩnh, người thôn Võ Gia Na, huyện Thanh Hà, triều Minh. Lúc nhỏ gọi là Đại Lang, về già được tôn xưng là Tứ Lão. Phu nhân của công là Phan thị, danh môn thục nữ.
Tổ tiên của công ở quận Tấn Dương, là hậu duệ của vua Ân Võ Đinh, sau mới chuyển về Khổng Tống Trang định cư. Công sớm mồ côi cha, cùng mẹ nương tựa, miếng ăn cái mặc rất khó khăn. Song từ nhỏ thông minh, giỏi văn chuộng võ, cực thích Thi, Thư. Trung niên đỗ tiến sĩ, quan đến thất phẩm, hưng lợi trừ tệ, liêm chính công minh, hơn vạn dân trong vùng tôn kính… Sau mất tại nhiệm sở".
Như thế, lý do mà Võ Thực chuyển từ huyện Thanh Hà sang huyện Dương Cốc là để làm quan chứ không phải như “Thủy Hử truyện” viết: "… thỉnh thoảng mấy đứa tụi du đãng lại vơ vẩn đến cửa mà nói rằng: "Miếng thịt dê rơi vào miệng chó", làm cho Võ Đại Lang càng tức bực, nên trong lòng phải thu xếp cửa nhà mà dọn đi nơi khác. Khi tới huyện Dương Cốc, thuê một gian nhà, hai vợ chồng cùng ở, rồi mỗi ngày Võ Đại Lang làm bánh bao ra phố bán để kiếm ăn…".
Trong khu từ đường của Võ Đại Lang còn một tấm bia khắc từ đời Càn Long thứ 16 (1751). Lúc ấy hoàng đế Càn Long xuống Giang Nam lần thứ hai, đi qua vùng này nghe nói Võ Thực có mộ mà không có bia mới ra khẩu dụ lập bia trước mộ và trồng 200 cây tùng bách xung quanh. Đáng tiếc là tất cả cây cối cổ thụ quanh mộ đã bị phá sạch vào thời "cách mạng văn hóa".
Thi Nại Am không thể ngờ rằng, từ khi "Thủy Hử truyện" lưu truyền thiên hạ, không chỉ khiến thanh danh của Võ Đại Lang và Phan Kim Liên bị hủy báng, mà còn khiến cho hậu duệ của họ gặp bất hạnh: Mấy trăm năm qua, họ Võ và họ Phan ở huyện Thanh Hà không thông hôn với nhau. Tuy vậy, con cháu của hai người vẫn nối tiếp nhau và đã trải qua 25 đời, chứ không phải như Thủy Hử "bắt" họ chết sớm và đoạn tử tuyệt tôn.
Hậu duệ của dòng họ Phan ở Thanh Hà nhiều người vẫn còn căm giận Thi Nại Am đã khiến cho gia tộc mang tiếng. Ông Phan Diễn Giang còn cho rằng, kỳ lạ là trong “Thủy Hử truyện” có hai người phụ nữ họ Phan là Phan Kim Liên và Phan Xảo Vân (vợ Dương Hùng) đều thuộc hạng dâm phụ và đều bị chết không toàn thây.
Ông đặt câu hỏi rằng phải chăng Thi Nại Am muốn báo thù dòng họ Phan, hay đã từng bị phụ nữ họ Phan hãm hại? Ngay cả về “Thủy Hử truyện”, vẫn có luồng đánh giá rằng Thi Nại Am đã cẩu thả trong hai việc: Một là cổ xúy tạo phản, ca tụng câu chuyện của nhóm tội phạm như anh hùng; hai là sỉ nhục phụ nữ trong đó cố ý hủy báng phụ nữ họ Phan?
Ông Võ Song Phúc, hậu duệ dòng chính đời thứ 24 của Võ Đại Lang cho biết, sở dĩ có chuyện đổi trắng thay đen, hủy báng thanh danh của tổ tiên ông là do một người tên là Hoàng Đường.
Hoàng Đường là bạn lúc nhỏ của Võ Đại Lang và thường chu cấp cho bạn ăn học. Sau Võ Đại Lang đỗ đạt làm quan, còn Hoàng Đường thì gia đạo sa sút, lại bị hỏa hoạn tiêu tan sản nghiệp mới đến Dương Cốc tìm bạn nhờ giúp đỡ. Không ngờ ở liền mấy tháng vẫn không thấy Võ huyện lệnh nói gì dù hàng ngày vẫn tiếp đãi tử tế.
Hoàng Đường phẫn nộ, cho Võ Đại Lang là phường vong ân bội nghĩa, bèn bỏ đi, đến đâu cũng kể chuyện nói xấu vợ chồng Võ Đại Lang, viết chuyện đơm đặt dán khắp hang cùng ngõ hẻm, lại được người mà Võ Đại Lang từng trị tội là Tây Môn Khánh hỗ trợ nên câu chuyện ngày một lan xa. Thời bấy giờ đang thịnh lối kể chuyện (thuyết thoại) nên nhiều người lấy chủ đề ấy thêm thắt mắm muối. Sau Thi Nại Am phát triển thành một cặp đôi bất tương xứng: chồng xấu xí, đần độn; vợ xinh đẹp, dâm loàn và đều chết bất đắc kỳ tử.
Hoàng Đường không ngờ khi về đến quê thì nhà cửa đã được xây cất khang trang, vợ cho biết là bạn cũ Võ Đại Lang ngầm giúp đỡ. Ông ta hối hận thì đã muộn, về sau ăn năn thắt cổ tự sát.
Còn theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc thì Thi Nại Am từng là mưu sĩ cho Trương Sĩ Thành (1321-1367), người từng xưng Chu Vương, Ngô Vương, chống lại triều Nguyên. Về sau bị lực lượng của Chu Nguyên Chương tấn công, con rể của Trương Sĩ Thành là Phan Nguyên Thiệu cùng anh trai là Phan Nguyên Minh đã ra đầu hàng nhà Minh để làm quan. Thi Nại Am khinh bỉ hành động của anh em họ Phan nên trong “Thủy Hử truyện” mới cố ý đặc tả Phan Kim Liên và Phan Xảo Vân, dùng hình ảnh người phụ nữ bất trinh để so sánh kẻ bề tôi bất trung?
Tuy vậy, lối ám chỉ lại dùng chính xác tên người, tên đất có thật rất không nhân văn và không trung thực của nhà văn đã khiến nhân vật liên quan bị trầm oan suốt bao năm tháng.
Trong dân gian thậm chí còn lưu truyền rằng do Thi Nại Am viết sai sự thật, cổ vũ cho sự nổi loạn và phóng đãng làm điên đảo nhân tâm nên phải chịu báo ứng ba đời: con trai, cháu trai và chắt trai đều có người bị câm? Trong "Thái Thượng cảm ứng thiên" viết hẳn một chương về việc này để răn đời.
Chuyện oan uổng của gia tộc Võ và Phan ở Thanh Hà cũng khiến cho con cháu của Thi Nại Am trăn trở. Cùng với việc xin lỗi nói trên, họa sĩ hậu duệ họ Thi đã xin đúc lại tượng Võ Đại Lang và Phan Kim Liên, vẽ 16 bức tranh liên hoàn và đề thơ xin lỗi treo trong từ đường.
Tại bức họa Võ Đại Lang, Thi Thắng Thần viết: "Đỗ soạn Thủy Hử Thi Nại Am/ Võ Phan vô đoan mông trầm oan/ Thi gia văn chương, Thi gia họa/ Biếm bao ngật kim sổ bách niên/ Lũy thế nhân duyên kim chung báo/ Chỉnh dung trùng sóc triển nhân gian/ Võ thị từ đường đoạn công án/ Thi tính xuy trái, Thi tính hoàn”.
Tạm dịch: Sai lầm trong “Thủy Hử truyện” của Thi Nại Am, khiến hai họ Võ-Phan bỗng dưng bị oan khuất. Văn chương vẽ vời của họ Thi, đã che giấu sự thật mấy trăm năm qua. Nhân duyên bao đời nay đã có báo ứng, tu chỉnh lại dung nhan, tô đắp lại hình tượng. Từ đường họ Võ từ nay chấm dứt án oan, họ Thi vay nợ thì họ Thi phải trả.
Tại bức họa Phan Kim Liên, Thi Thắng Thần viết: "Kẻ hậu sinh từng kính họa 16 bức tranh chính truyền hai vị Võ và Phan treo nơi vách từ đường họ Võ để phá cái oan khuất bao đời cho thiên hạ rõ. Nhưng nơi chín suối hai vị Võ, Phan hẳn không tha thứ cho tội làm hoen ố thanh danh trong "Thủy Hử truyện" của tiên nhân... nay kính xin chỉnh lại dung nhan, hoàn lại dáng hình vốn có. Nguyện hai vị Võ, Phan linh thiêng chứng giám. Họ Thi đốt hương kính bái".
Ông Phan Kiến Dân, Phó hội trưởng Hội Nghiên cứu văn hóa dòng tộc tỉnh Hà Nam cho biết: "Là hậu duệ của dòng họ Phan ở Hoàng Kim Trang huyện Thanh Hà, chúng tôi cảm thấy tủi cho Phan Kim Liên. Nhưng sự nhầm lẫn đã ăn sâu rồi, một hai câu nói cũng không thể thay đổi được gì.
Hy vọng lớp người sau hiểu rõ được là tốt rồi". Ông cho biết là sau tiết thanh minh năm 2010 đã tổ chức cho con cháu họ Phan đến thăm đền thờ Võ Đại Lang ở Thanh Hà. "Điều khiến chúng tôi cảm thấy được an ủi là hậu duệ của tác giả “Thủy Hử truyện” Thi Nại Am đã đến đấy đúc tượng, vẽ tranh và làm thơ xin lỗi". Xem ra, dũng khí của hậu duệ Thi Nại Am cũng thật đáng khâm phục.
Lại nói trong “Thủy Hử truyện”, Thi Nại Am đã đưa lên đoạn đầu đài nhiều phụ nữ xinh đẹp. Ngoài Phan Kim Liên, Phan Xảo Vân, còn có Diêm Bà Tích (tình nhân của Tống Giang), Giả thị (vợ của Lư Tuấn Nghĩa)... Tất cả đều bị chính người đầu ấp tay gối hoặc người thân hạ sát vì tội không chung thủy.
Một nguyên nhân của tình tiết này là thúc đẩy mạch phát triển của “Thủy hử truyện”, khẳng định bản chất hảo hán Lương Sơn. Giết Diêm Bà Tích, Tống Giang mới có thể ra chốn giang hồ, liên kết anh hùng hảo hán; giết Phan Kim Liên, Võ Tòng mới danh chính ngôn thuận đi đày Mạnh Châu, thi triển phong độ anh hào; giết Phan Xảo Vân, Dương Hùng và Thạch Tú mới bỏ công môn mà đầu quân Lương Sơn...
Thi Nại Am muốn tôn chữ "nghĩa khí" nên “Thủy Hử truyện” lúc đầu có tên là “Trung nghĩa Thủy Hử truyện” hay “Giang hồ hào khách truyện”. Dưới con mắt của Thi Nại Am có lẽ anh hùng và mỹ nữ luôn ở thế oan gia đối đầu, nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản.
Tống Giang khuyên Vương Anh, Võ Tòng mắng Phan Kim Liên, Dương Hùng không gần gũi vợ... Phụ nữ trở thành món đồ thử chí anh hùng. Thi Nại Am thể hiện quan điểm "tồn thiên lý, diệt nhân dục" (giữ lý trời, diệt ham muốn), "phu vi thê cương" (chồng là giềng mối của vợ)... của luân lý Nho gia.
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):
Theo CAND