Thanh Đông Lăng tọa lạc tại thị trấn Mã Lan, Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 125 km về phía Đông. Thanh Đông Lăng được xây dựng vào năm Khang Hy thứ hai (năm 1663), là nơi yên nghỉ của 5 vị hoàng đế: Thuận Trị (Hiếu Lăng), Khang Hy (Cảnh Lăng), Càn Long (Dụ Lăng), Hàm Phong (Định Lăng), và Đồng Trị (Huệ Lăng); ngoài ra còn có 4 lăng mộ của các vị hoàng hậu bao gồm cả Từ An Thái hậu và Từ Hy thái hậu; cùng với mộ của 136 phi tần, 3 hoàng tử, và 2 công chúa.
Quy mô của Đông Lăng rất hoành tráng, thể hiện tư tưởng tối cao của hoàng quyền, phô trương khí thế và sự uy nghiêm của hoàng gia. Việc lựa chọn địa điểm và quy hoạch thiết kế của Đông Lăng là dựa trên lý luận trong phong thủy truyền thống Trung Hoa, tập trung thể hiện quan niệm vũ trụ “Thiên nhân hợp nhất”. Quy mô hoành tráng, kiến trúc tinh tế nhằm thể hiện tư tưởng tối cao của hoàng quyền, phô trương khí thế và sự uy nghiêm của hoàng gia, qua đó trở thành biểu tượng vật hóa của hoàng triều.
Những lăng mộ trong Đông Lăng được xây dựng theo thế dựa lưng vào núi, chính giữa là một con đường dài cùng với nhiều công trình kiến trúc như nhà bia, cổng đá, nhà bếp. Tất cả đều được kết nối với nhau và sắp xếp theo hệ thống vai vế trong hoàng tộc, với quan niệm rằng người có địa vị cao nhất nằm ở vị trí trung tâm. Điều này thể hiện rõ mối quan hệ của các vị hoàng đế và người thừa kế của họ.
Lăng mộ đầu tiên ở Đông Lăng có tên Hiếu Lăng, là mộ của hoàng đế Thuận Trị, được hoàng đế Khang Hy xây dựng năm 1663. Hiếu Lăng được đặt ở trung tâm Đông Lăng, trong khi lăng mộ của các vị vua khác nằm ở xung quanh. Điều này cho thấy vị trí tối cao của Thanh Thế Tổ, hoàng đế đầu tiên của nhà Thanh cai trị toàn bộ Trung Hoa.
Mỗi lăng mộ đều có một trục đường chính đi vào và được coi là con đường thiêng liêng. Đây cũng là con đường phục vụ lễ tang cho các vị hoàng đế, các hoàng đế kế vị khi đến thực hiện nghi lễ tế tổ hàng năm cũng đều đi qua đây.
Con đường dài nhất và ấn tượng nhất là của Hiếu Lăng với chiều dài 5 km. Hai bên đường có 18 cặp tượng bằng đá cẩm thạch lớn của các loài động vật có thực và trong truyền thuyết Trung Hoa.
|
Hai bên đường vào Hiếu Lăng là 18 cặp tượng loài vật trong truyền thuyết trải dài 5km rất ấn tượng. Ảnh dẫn theo en.wikipedia.org. |
Các bức tượng mang những ý nghĩa khác nhau như: Sư tử tượng trưng cho lòng dũng cảm, kỳ lân tượng trưng cho hạnh phúc, lạc đà và voi tượng trưng cho lòng trung thành. Những bức tượng sống động này được cho là để phục vụ cho hoàng đế ở thế giới bên kia.
Cho tới ngày nay, địa danh này vẫn ẩn chứa rất nhiều bí mật chưa có lời giải. Tại sao hoàng đế Thuận Trị lại chọn nơi này để xây dựng lăng mộ? Rốt cuộc Hương Phi là ai? Thi thể được mai táng ở đâu? Tại sao cỗ quan tài lớn của hoàng đế Càn Long lại chống ở cửa đá của lăng mộ?
Bí mật về Thanh Đông Lăng cũng giống như ánh nắng ban mai thoắt ẩn thoắt hiện. Vậy những bí mật đó rốt cuộc là gì?
1. Phong thủy huyền bí
Một trong những nguyên nhân khiến nơi đây trở nên bí ẩn chính là bởi việc lựa chọn địa điểm này mang đầy màu sắc ly kỳ. Tương truyền, nơi đây vốn là vùng đất phong thủy trù phú được hoàng đế triều Minh lựa chọn, tuy nhiên sau đó bị Đại Thanh tranh giành dẫn tới sự biến mất của triều đại này. Hiện nay rất nhiều người Mãn Thanh đều cho rằng vị trí khu lăng mộ chính là phần đầu long mạch của Trung Quốc. Thanh Đông lăng nguy nga đồ sộ, sơn thủy hữu tình, là mảnh đất trù phú kim tỏa ngọc quan.
2. Tai sao Địa chấn Đường Sơn không ảnh hưởng tới Thanh Đông Lăng?
Năm 1976, lòng đất ở Đường Sơn như có trái bom nguyên tử đột ngột nổ tung. Chỉ trong 10 giây, trận động đất kinh hoàng khiến nơi cư ngụ của hơn 1,6 triệu người trong phút chốc bị san thành bình địa. Tất cả nhà cửa trong ranh giới khu vực Đường Sơn đều sụp đổ, tuy nhiên Thanh Động Lăng – một địa danh nằm trong khu vực tâm động đất – lại bình an vô sự. Tại sao lại như vậy? Hiện tượng kỳ lạ này cho tới nay vẫn là điều bí ẩn khó lý giải của các nhà khoa học.
|
Địa chấn Đường Sơn không ảnh hướng tới Đông Lăng. Ảnh dẫn theo news.zing.vn. |
3. Tại sao Chiêu Tây lăng lại xây dựng bên ngoài tường của Thanh Đông Lăng?
Chiêu Tây Lăng là lăng mộ của Hiếu Trang thái hậu. Về lý mà nói, sau khi Hiếu Trang thái hậu qua đời, linh cữu của bà nên được đưa về vùng đông bắc Trung Quốc an táng cùng với chồng. Nếu ngại đưa về vùng đông bắc xa xôi hiểm trở, thì ít nhất cũng nên được an táng tại một vị trí trọng yếu trong Thanh Đông Lăng.
Tuy nhiên khu lăng mộ lại được xây dựng bên ngoài Thanh Đông Lăng phải chăng là có điều bí ẩn thầm kín? Và phải chăng có liên quan tới Đa Nhĩ Cổn? Cho đến ngày nay, “chuyện tình” giữa Hiếu Trang hoàng hậu và “ông vua không ngai” Đa Nhĩ Cổn vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất Thanh triều.
4. Cầu Ngũ Âm trở thành chiếc cầu “Một bước lên mây” từ khi nào?
Cầu Ngũ Âm là cây cầu trên tuyến đường trọng yếu của Thanh Đông Lăng, không chỉ là cây cầu phong thủy nổi tiếng mà còn được coi là “Kim tỏa ngọc quan” trong phong thủy. Những năm gần đây, cầu Ngũ Âm được du khách đổi tên thành cây cầu “Một bước lên mây”. Sở dĩ đổi tên như vậy là xuất phát từ lời đồn đại rằng, ai đi qua cầu này về có thể thăng quan tiến chức và mang lại may mắn.
5. Quan tài có thể tự xê dịch
Năm 1928, một tên mộ tặc tên là Tôn Điện Anh bắt đầu tiến hành đào trộm lăng mộ của hoàng đế Càn Long. Khi đào tới cánh cửa đá cuối cùng thì gặp trở ngại, có đào thế nào cũng không đào nổi. Sau khi dùng thuốc nổ để phá cửa, tên trộm mộ phát hiện chiếc quan tài to lớn của hoàng đế Càn Long đã tự dịch chuyển về phía sau và chặn đứng ở cửa tự lúc nào. Vào thập niên 70 khi khai mở khu vực lăng mộ Càn Long một lần nữa, quan tài lại xê dịch tới cửa ra vào và chặn giữa cửa. Sự việc này từng làm kinh động một thời và là bí ẩn khó lý giải cho tới tận ngày nay.
6. Lời nguyền bí ẩn trong lăng mộ của hoàng đế Càn Long
Trong địa cung của khu lăng mộ hoàng đế Càn Long có khắc lời nguyền, trong đó rất nhiều là những văn tự mà người hiện đại không hiểu được. Cho đến ngày nay, các chuyên gia vẫn không lý giải nổi hàm ý sâu sắc sau đó. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định những lời nguyền này đều là cát tường bình an chứ không mang hàm ý đen tối.
7. Thân xác của Từ Hy thái hậu bị phong hóa
Ngày 4/7/1928, thuộc hạ của Tôn Điện Anh là Đàm Ôn Giang và Hàn Đại Bảo đưa công binh đến khai quật lăng mộ của Từ Hy thái hậu, nơi được gọi là Phổ Đà Dụ Định Đông lăng.
Đoàn công binh chia nhau đi đào bới các vị trí suốt 2 ngày 2 đêm nhưng vẫn không tìm thấy cửa dẫn xuống địa cung. Tôn Điện Anh nóng ruột bèn bắt 6 người vốn là kỳ binh coi sóc Đông lăng đến tra xét, nhưng họ đều không biết cửa lăng. Tôn Điện Anh tức giận cho tra khảo, dẫn đến cái chết của 2 người. Khi nghe nói là có người thợ đá họ Khương sống cách đó 10 km từng tham gia xây lăng an táng Từ Hy, Tôn Điện Anh lập tức cho thuộc hạ đến mời. Lúc đầu ông Khương không dám tiết lộ vì đó là trọng tội, nhưng Tôn Điện Anh gây áp lực và đe dọa nếu không chỉ ra sẽ hại chết đứa con trai độc đinh nên ông Khương đành tuân lệnh.
Sau khi dọn sạch châu báu vàng ngọc xung quanh quan tài Từ Hy và đồ tùy táng trong “giếng phong thủy”, binh lính của Tôn Điện Anh dùng búa nạy tung quan tài Từ Hy ra, định bụng sẽ chiếm đoạt số châu báu cất giữ bên trong. Trong “Thế Tải Đường tạp ức” của một sĩ quan tham gia vụ phá mộ này kể rằng: “Lúc ấy, nắp quan tài mở ra, ánh sáng chói lòa, binh sĩ mỗi người cầm một chiếc đèn pin lao tới đều sững sờ kinh ngạc”.
Khi bật nắp quan tài, đám mộ tặc hết sức kinh hãi khi nhìn thấy dung nhan xinh đẹp như người còn sống của Từ Hy thái hậu, dường như bà đang say ngủ, chứ không phải là đã chết. Nhưng lạ thay khi cạy viên dạ minh châu trong miệng Từ Hy ra, thì qua vài giờ đồng hồ, da thịt xác chết trở nên biến dạng, để qua vài ngày thì khô quắt như xác chết lâu ngày.
Tương truyền, khi nhập liệm, Từ Hy đội mũ phụng quán, trên mũ có gắn một viên trân châu to bằng quả trứng gà, theo giá đương thời là hơn 10 triệu lượng bạc trắng. Trong miệng Từ Hy ngậm một viên minh châu, tương truyền có thể phát sáng trong đêm từ ngoài 100 bước, trên cổ đeo 3 xâu chuỗi, trong đó 2 chuỗi bằng trân châu, 1 chuỗi bằng hồng bảo thạch, mình mặc lễ phục dệt bằng sợi tơ vàng, tay cầm một nhánh hoa sen bằng ngọc.
Ngoài ra, bên cạnh thi hài còn đặt các đồ bồi táng như tượng Phật bằng vàng và ngọc, các đồ bằng san hô và đá quý các loại. Nghe nói sau khi bỏ đồ bồi táng xong, thấy quan tài vẫn còn chỗ hở, các quan phụng táng lại đổ thêm vào 4 hộp trân châu và 2.200 miếng hồng thạch, lam thạch, lục thạch. Riêng số châu báu “lấp chỗ trống” này đã đáng giá 2,23 triệu lượng bạc trắng.
8. Hương Phi là ai?
Truyền thuyết kể rằng Hương Phi là một người phụ nữ vô cùng xinh đẹp, trên thân luôn tỏa ra một mùi hương thơm tự nhiên mà không cần dùng tới nước hoa hay bất kể loại mỹ phẩm nào. Bấy lâu nay mọi người đều cho rằng Hương Phi được an táng ở Tân Cương. Tuy nhiên gần đây các nhà khảo cổ học khai quật khu Thanh Đông Lăng đã phát hiện kỳ thực bà được chôn ở đây. Tại sao Hương Phi lại được chôn ở đây cho đến nay vẫn là một bí ẩn chưa được lý giải.
9. Dưới lòng đất của Thanh Đông lăng còn vàng bạc châu báu không?
Mặc dù đã từng bị trộm mộ nhưng dưới lòng đất của Thanh Đông Lăng vẫn còn rất nhiều châu báu. Những châu báu đó ở đâu và còn lại những gì, đến nay vẫn không ai biết. Chỉ biết rằng thi thoảng người dân quanh khu vực lăng mộ khi làm đồng vẫn thi thoảng đào được vật báu.
10. Bảy hai trận mưa gột rửa Thanh Đông Lăng
Tương truyền Thanh Đông Lăng có vị trí là long mạch của Trung Hoa. Trong quan niệm của người xưa, thần long (rồng) là một loại thần thú có thể hô phong hoán vũ. Bởi vậy mỗi năm đều có 72 trận mưa không hơn không kém gột rửa Thanh Đông Lăng.
Theo Bình Nhi/ĐKN