|
Lăng mộ Ngô Vương. |
Năm Mậu Tuất 938: Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng
Tháng 4-937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, hào trưởng đất Phong Châu, giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ. Ngô Quyền, vừa là bộ tướng, vừa là con rể của Dương Đình Nghệ, tiến quân ra Bắc để trừ kẻ phản bội. Trước sự phẫn nộ của nhân dân, Kiều Công Tiễn nhanh chóng cầu cứu vua Nam Hán.
Nắm lấy cơ hội, vua Nam Hán dù được triều thần can ngăn nhưng vẫn quyết tâm chiếm nước ta cho bằng được. Vua Nam Hán đã phong cho con trai là Vạn vương Hoằng Tháo chức Tĩnh hải quân tiết độ sứ, thống lĩnh thủy quân, vượt biển sang nước ta với danh nghĩa giúp Kiều Công Tiễn đánh Ngô Quyền. Khi quân Nam Hán còn chưa đến nước ta, Ngô Quyền cùng đội quân của mình đã tiến ra Bắc tiêu diệt Kiều Công Tiễn tại thành Đại La.
Trừ xong họa trong nước, Ngô Quyền cùng toàn dân chuẩn bị đánh giặc ngoại xâm. Ngô Quyền nhận định: “Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được”.
Trước mưu đồ xâm lược trở lại của phong kiến phương Bắc, ngọn cờ cứu nước, chống ngoại xâm của Ngô Quyền trở thành ngọn cờ đoàn kết cả dân tộc. Đội quân của Ngô Quyền từ một đội binh ở Ái Châu nhanh chóng trở thành một đạo binh của dân tộc. Sông Bạch Đằng có tên Nôm là sông Rừng. Dân gian ở đây đã có câu ca dao:
Con ơi nhớ lấy lời cha
Gió to sóng cả động qua sông Rừng
Sông Rừng thường có sóng bạc đầu nên mới có tên gọi Bạch Đằng giang. Bạch Đằng là cửa ngõ phía Đông Bắc và là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Ngô Quyền đã huy động quân dân vào rừng đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống dòng sông, bãi cọc tạo thành bãi chướng ngại ở hai bên cửa sông. Khi nước triều lên, cả bãi cọc ngập chìm dưới nước nhằm chặn đường rút của thủy quân địch. Cả một đoàn binh thuyền cửa Hoằng Tháo vượt biển tiến vào sông Bạch Đằng.
Ngô Quyền cho quân thủy dùng thuyền nhẹ đón đánh địch từ xa, quân ta giả thua rút chạy. Hoằng Tháo cho quân đuổi theo, vượt qua bãi cọc, tiến sâu vào thế trận quân ta đã dàn sẵn. Khi thủy triều xuống, quân ta bất ngờ tiến công mãnh liệt. Quân địch bị chặn bởi bãi cọc, không rút chạy được. Quân giặc phần bị giết, phần bị chết đuối, thiệt hại đến quá nửa. Hoằng Tháo bỏ mạng. Đội quân xâm lược hoàn toàn tan rã.
Vua Nam Hán đang điều quân sang tiếp viện cho con nhưng nửa đường nghe tin Hoằng Tháo chết trận quá đau xót, y thu nhặt tàn quân rút chạy. Ý chí xâm lược của nhà Nam Hán bị đè bẹp.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, thời kỳ phát triển của quốc gia phong kiến độc lập và lớn lên nhanh chóng của dân tộc Việt Nam. Nhà sử học Ngô Thì Sĩ (thế kỷ XVIII) đã đánh giá đúng vị trí và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng, khi viết: “Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục lại Quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào cái uy lẫm liệt để lại ấy”. Hàng năm, chính quyền và nhân dân dân quận Hải An (Hải Phòng) đều tổ chức Lễ hội Từ Lương Xâm, từ mùng 1 đến mùng 3-3 Âm lịch, để tri ân vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền (ông mất ngày 18 tháng Giêng năm 944).
Năm Mậu Tuất 1418: Khởi nghĩa Lam Sơn thành công
Đó là cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo và kết thúc bằng việc giành lại độc lập cho nước Đại Việt và sự thành lập nhà Hậu Lê.
Khởi nghĩa Lam Sơn gồm 3 giai đoạn lớn: hoạt động ở vùng núi Thanh Hóa (1418-1423), tiến vào phía Nam (1424-1425) và giải phóng Đông Quan (1426-1427).
Trong giai đoạn đầu, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gặp rất nhiều khó khăn, thường phải hứng chịu các cuộc càn quét của quân Minh, mặc dù vẫn có những trận đánh thắng quân Minh. Quân khởi nghĩa bắt đầu giành thế thắng khi Lê Lợi tiến quân ra đất Nghệ An vào năm 1424, đạt được nhiều thắng lợi to lớn, đỉnh điểm là đại thắng ở Tân Bình, Thuận Hóa.
Vào năm 1426, giữa lúc quân khởi nghĩa đang trên đà thắng lợi và tiếng tăm của Lê Lợi lên cao, quân khởi nghĩa tiến đánh thành Đông Quan và đánh tan nát quân Minh trong trận Tốt Động - Chúc Động. Bước sang năm 1427, nghĩa quân đập tan tác 10 vạn viện binh của nhà Minh trong trận Chi Lăng - Xương Giang, giết chết viên chỉ huy quân Minh là Liễu Thăng. Nghĩa quân thu được nhiều chiến mã, lại còn bắt sống và tiêu diệt được nhiều tướng Minh.
Cuối cùng, người Minh phải giảng hòa và kéo binh về nước, nước Đại Việt không còn một mống quân xâm lăng. Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô đại cáo để tuyên cáo cho toàn quốc biết về chiến thắng vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn. Trong cuốn Việt Nam Sử Lược, nhà sử học Trần Trọng Kim có bình luận: “Giặc Minh lục tục về Bắc, bấy giờ mới thật là: Nam quốc sơn hà, Nam đế cư; nước Nam lại được tự chủ như cũ. Lê Lợi sai Nguyễn Trãi thảo bài Bình Ngô đại cáo để báo cáo cho thiên hạ biết về việc đánh giặc Minh, được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai sau bài thơ Nam quốc sơn hà”.
Lê Lợi lên ngôi hoàng đế năm 1428, tức là vua Lê Thái Tổ, chính thức dựng lên nhà Hậu Lê. Với chiến công oanh liệt đánh bại quân Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông đã trở thành vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam. Hàng năm, chính quyền và người dân Thanh Hóa đều tổ chức Lễ hội Lam Kinh vào ngày 22 tháng 8 Âm lịch (ngày giỗ vua Lê Thái Tổ).
Theo NGUYÊN QUỐC/SGGP