Những lời tâu của đại thần nhà Nguyễn nổi tiếng nhân ái và cương trực

Google News

Cứ theo nội dung các giai thoại về những lời tâu của đại thần Võ Trọng Bình với vua Tự Đức thì tấm lòng của vị đại thần này quả đáng khâm phục.

Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện, Võ Trọng Bình là người làng Phong Phú, tỉnh Quảng Bình. Tên chữ của ông là Sư Án. Ông thi đỗ cử nhân năm Minh Mạng thứ 15 - tức năm 1834 và bắt đầu làm quan kể từ đó. Các quan thời Nguyễn, ít ai được trường thọ như Võ Trọng Bình. Ông sinh năm Gia Long thứ 8 - 1809 và mất năm Thành Thái thứ 10 - 1898 thọ 90 tuổi.

Tuy nhiên, Võ Trọng Bình không phải là người nổi tiếng trường thọ mà vì sự khả kính của ông. Ông làm quan trải qua 9 đời vua của triều Nguyễn và triều nào ông cũng có tiếng là nhân ái và cương trực như vậy. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện tập quyển thứ 3 có đoạn đã chép lại những lời ông tâu với nhà vua rất đáng chú ý sau đây:

Nhung loi tau cua dai than nha Nguyen noi tieng nhan ai va cuong truc

Đại thần Võ Trọng Bình. Ảnh minh hoạ.

Lời thứ nhất, Võ Trọng Bình tâu với vua Tự Đức vào năm Bính Dần - 1866. Bấy giờ, tình hình đất nước đang rất rối ren. Ở phía Nam, thực dân Pháp đã lấy hết ba tỉnh miền Đông và đang ráo riết mở rộng cuộc tấn công để lấy hết ba tỉnh miền Tây còn lại. Ở miền Bắc, lợi dụng khó khăn của ta, bọn phỉ người Trung Quốc thường xuyên tràn sang cướp phá dân chúng vùng biên giới. Trong khi đó, quan quân ở các tỉnh Bắc kỳ phải chống đối rất vất vả. Sức người và sức của phải huy động ngày một nhiều. Trước tình hình đó, Võ Trọng Bình lúc này là quan Hiệp biện Đại học sĩ đã tâu lên nhà vua rằng:

- Thành trì là chỗ hiểm hữu hình, còn lòng người là chỗ hiểm vô hình. Dân đã mệt mỏi từ lâu rồi, không thể chịu thêm lực dịch và phí tổn được nữa.

Vua Tự Đức đã nghe theo lời tâu ấy của ông, nên đã bỏ việc xây đắp thành trì mà lo củng cố lòng người và giảm bớt lực dịch cho dân.

Lần thứ hai, Võ Trọng Bình tâu vua Tự Đức vào năm Canh Thìn - 1880. Lúc này, ở Bắc kỳ không chỉ có bọn phỉ quấy phá mà còn có thực dân Pháp ra tay cướp phá, vơ vét của cải của dân chúng. Tình hình an ninh trật tự trong nước khi đó đã rối ren lại càng thêm rối ren. Mùa Thu năm này, Võ Trọng Bình về kinh và vua Tự Đức triệu ông vào chầu. Cũng sách trên đã chép lời ông tâu với vua Tự Đức như sau:

Khi nhà vua cho triệu ông vào và hỏi việc biên cương phía Bắc, nhân đó ông đã nói rằng: Việc trận mạc ở biên cõi phía Bắc Hà chưa biết đến ngày nào mới xong được. Nay, người bàn thì nhiều nhưng người có khả năng tâm đầu ý hợp với Hoàng Tá Viêm thì quá ít (Hoàng Tá Viêm tức Hoàng Kế Viêm, người quê ở Quảng Bình và là võ quan thời Nguyễn. Ông là người đã có công đánh đuổi quân Cờ Đen và quân Cờ Vàng ở vùng biên giới Việt Bắc. Hoàng Kế Viêm cũng chính là người đã thu phục được Lưu Vĩnh Phúc).

Nghe Võ Trọng Bình tâu vậy, vua Tự Đức đã nói:

- Nếu như trẫm dùng khanh vào chức Hiệp đốc hoặc là Biên vụ, liệu khanh có thể cùng với Hoàng Tá Viêm thương nghị mà làm nên việc lớn được không?

Nghe vậy, Võ Trọng Bình liền tâu:

- Thần vốn tính thô thiển và hay khinh suất, việc quân lại chẳng phải là sở trường, cho nên không dám cáng đáng các chức ấy. Nhưng, riêng việc giao cho thần nhiệm sở ở Sơn Tây rồi nếu có gì thì cùng thương lượng với Hoàng Tá Viêm thì thiết nghĩ là cũng có chỗ nghe nhau được.

Nghe thế, nhà vua lại nói:

- Khanh trị dân như thế nào mà được dân yêu?

Võ Trọng Bình thưa:

- Thần không dung túng cho quan lại dưới quyền, nghiêm bắt bọn trộm cướp và sức cho phủ huyện rằng, hết thảy các việc kiện tụng không được để lâu, thuế của dân hàng năm thì tự mình phải biết châm chước chiếu cố, mệnh lệnh phải rõ ràng.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên thì hai lời tâu của đại thần Võ Trọng Bình với vua Tự Đức ở vào hai thời điểm khác nhau và khá xa nhau, nhưng tấm lòng của người dâng lời tâu thì trước sau vẫn không có gì thay đổi. Ở lần thứ nhất, Võ Trọng Bình coi lòng dân là chỗ hiểm vô hình, người cầm quân mà không biết, không bám được vào chỗ hiểm này thì không thể thắng đối phương. Cho nên việc lo đắp thành cao, lo đào hào sâu, lo rèn khí giới, lo đúc đại bác lớn nhỏ... mà không lo cho trăm họ bằng việc bồi bổ sức dân, không biết thương dân như con thì điều ấy cũng có nghĩa là tự mình chuốc lấy thất bại vậy. Lần thứ hai, vua Tự Đức hỏi ông về kế sách trị dân và ông đã trả lời thẳng thắn về những gì mình học được trong sách và trong thực tế.

Trong xã hội phong kiến ngày xưa, thì kế sách trị dân hay phép trị dân cũng là một. Song, điều lạ ở đây là một ông vua mà lại đi hỏi cấp dưới của mình về phép trị dân, trị nước thì quả là lạ đời. Chẳng lẽ vua Tự Đức không biết điều này? Câu trả lời là không phải, vì tất cả những điều này đã có trong rất nhiều sách vở và vào thời ấy, ai đã làm quan thì cũng đều phải biết. Nhưng, nếu có sự khác nhau ở đây thì chẳng qua chỉ là ở cái tâm của người làm quan khi vận dụng sách vở mà thôi. Có lẽ đây mới là điều mà người xưa muốn gửi gắm cho hậu thế qua giai thoại này.

Theo N.V/Dân Việt