Lạc đà bay là tác phẩm đầu tay của Võ Đăng Khoa - cây bút trẻ từng nhận những giải thưởng trên báo các năm qua - thể hiện góc nhìn bản thân về những lát cắt cuộc sống. Sự quan sát và mô tả tinh tế là thế mạnh của Đăng Khoa, như lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư dành cho cuốn sách: “Trắc ẩn mà không ủy mị, phơi bày mà không sa đà kể lể”.
Đọc truyện của Đăng Khoa, miền Tây hiện lên với bến đò, gian bếp, sông nước, khói hun, cánh đồng trổ lúa, những phận người ít ai để tâm đến câu chuyện của họ. Đăng Khoa đã lắng nghe, ngắm nghía từng chi tiết nho nhỏ và kể lại theo cách của mình.
Anh chọn viết về những điều mà bản thân có thể quan sát tận tường với sự thấu hiểu sâu sắc và cảm xúc chân thật, bởi vậy mà tác phẩm gợi lên sự đồng cảm nơi bạn đọc.
Môi trường, chiến tranh, sự mất mát, căn tính loài người, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và viễn cảnh diệt vong xuất hiện trong tác phẩm mới của Nguyễn Đinh Khoa.
Tác giả là một cây bút trẻ kiên trì, đồng thời là một kiến trúc sư. Truyện dài Độc hành của anh từng đạt giải Văn học tuổi 20 lần 6, năm 2018. Hai tác phẩm sau đều là tản văn, với Dị bản, anh trở lại thể loại truyện dài.
Dị bản mở đầu bằng một khung cảnh đậm tính nghề nghiệp của tác giả: nhân vật tôi, Phúc Giang, một kỹ sư cầu đường, trong lần nghiệm thu hiện trường thi công cây cầu dây văng thì xảy ra tai nạn sập dàn giáo. Do bị va đập nên khi rớt xuống sông, anh đã ngất đi và những chuyện khác thường bắt đầu diễn ra khi Giang được Frank, một nhà bác học thiên tài nhưng tư tưởng cực đoan cứu sống…
Khi tỉnh dậy và trở lại cuộc sống bình thường, Giang gần như ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ. Sự thật về con người của Giang dần được hé mở và những ký ức rời rạc lần lượt được ráp nối lại với nhau khi anh gặp EVIV, một cá thể được nhân bản vô tính. Từ đây anh bước vào một thế giới khác - một thế giới hiện đại và thông minh được Frank sáng tạo, nhằm chuẩn bị một đội ngũ hoàn toàn mới để thay thế loài người trên Trái đất. Một cuộc chiến âm thầm nhưng khốc liệt chuẩn bị bùng nổ...
Dị bản - câu chuyện trong một thế giới viễn tưởng không chỉ viết về tình yêu, tình thân và sự mất mát, cũng như cô đơn là cái giá mà ta phải trả khi trưởng thành. Đây còn là một câu chuyện về vai trò và trách nhiệm của con người với thế giới mình đang sống. Tác giả dẫn dắt độc giả đối diện với những thách thức, hệ lụy của xã hội hiện đại như chiến tranh, môi trường, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo… trong giọng văn đầy cảm xúc.
Một vấn đề mà Dị bản đặt ra cũng là một trong những điều ảnh hưởng lớn đến giới trẻ: Sự chia cách của con người trong cuộc sống. Sự cô đơn và thiếu kết nối. Những người trong gia đình trở thành “người xa lạ chung một mái nhà”.
Liệu có phải người ta thích nói chuyện với robot vì họ lường trước được câu trả lời và tự lập trình để bảo vệ mình không bị tổn thương? Nhưng một khi trí tuệ nhân tạo đã vượt khỏi chính những người tạo ra mình thì sao?
Văn học là tấm gương soi chiếu hiện thực. Nhà văn trẻ Phát Dương, mang trong lòng nhiều trăn trở và day dứt về cuộc sống, đã viết nên tập truyện ngắn 2 người trong 1 ngăn tủ, tạo dựng nên thế giới giả tưởng hậu hiện đại để soi rọi và chiêm nghiệm về thực tại và những ẩn ức của con người. Qua từng trang viết, ta thấy được sự vẫy vùng, tranh đấu để mỗi cá thể được làm “người” trong một thế giới buộc họ phải biến thành những cỗ máy lãnh đạm và trống rỗng.
Mỗi truyện ngắn mở ra một thế giới, một không gian giả tưởng kỳ ảo. Trong đó có một tương lai nơi con người phải chui trong những cái tủ lơ lửng mà “mỗi ngăn chỉ được phép có hai sinh vật”. Có thành phố nơi con người phải đeo mặt nạ làm việc, hay phải thi tuyển để giành một suất vào đó sống. Có chiếc đồng hồ cát xoay chuyển thời gian, có những “tàn tích” để con người vào đó nhặt lại gương mặt...
Bằng cách kể đan xen hiện thực và huyền ảo, Phát Dương khéo léo lồng ghép thế giới giả tưởng với thế giới thực tại. Sự pha trộn trên tạo nên một thế giới vừa lạ lẫm vừa quen thuộc, với những điều tưởng như phi lý nhưng đang trở nên bình thường. Trong truyện ngắn Mọt, thế giới của nhân vật chính dần bị xâm chiếm bởi lũ mọt chuyên gặm những cuốn sách “nông cạn, hời hợt”, rồi chính anh cũng bị chúng gặm nhấm và biến thành một con mọt.
Đọc truyện của Phát Dương, ta giật mình thấy chính mình trong đó. Cây bút trẻ dường như đã khám phá đến tận cùng những lo âu và nỗi sợ đời thường. Độc giả bị thôi thúc phải nhìn lại và đưa ra lựa chọn: thờ ơ hay đối diện, giả tạo hay chân thành, hững hờ hay quyết liệt. Khi đời sống con người chẳng khác mấy so với robot thì cũng là lúc phần người trong mỗi cá nhân trỗi dậy.
Điều đáng sợ là qua ngòi bút pha trộn thực - ảo của Phát Dương, ta có cảm giác thế giới đó đang sắp trở thành hiện thực chứ không chỉ tồn tại trên trang giấy. 2 người trong 1 ngăn tủ thôi thúc ta tỉnh thức, không chịu cam phận, vùng thoát khỏi guồng quay của đời, và giữ lấy tính người trong chính bản thể. Một tác phẩm gây giật mình trước tiếng nổ của hành tinh và tiếng thì thầm như vết cứa từ tâm thức của tác giả.
Nơi không có tuyết của Huỳnh Trọng Khang là một truyện dài thơ mộng, huyền ảo, đậm chất cổ tích về hành trình của một cậu bé xứ nhiệt đới, từ nỗi tò mò với lớp “tuyết” đóng trong tủ lạnh, cho đến giấc mơ chinh phục núi tuyết Hi Mã Lạp Sơn bằng máy bay. Và cuộc gặp gỡ diệu kỳ với bông tuyết bé bỏng từng đi qua bao nhiêu vùng miền, chứng kiến bao nhiêu chuyện đời…
Cuốn sách vốn thuật về xứ tuyết giá lạnh, nhưng lại nồng ấm như cổ tích mẹ kể, là đại diện đẹp đẽ bước ra từ khung trời mơ mộng trong mắt em thơ, đồng thời cũng là áng thơ tinh tế dành tặng cho những điều vốn nhỏ nhoi trong mắt người lớn.
Có một sự trùng hợp thú vị, khi 3 trong số 4 tác phẩm văn học trẻ đều có yếu tố huyễn tưởng: 2 người trong 1 ngăn tủ và Dị bản đều lấy cảm hứng từ tương lai loài người, khi khoa học phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát, và nhân loại khủng hoảng với câu hỏi hiện sinh Ta là ai? Điều gì định nghĩa con người?
Tự nhiên say (Phát Dương) đi sâu vào những lát cắt hiện tại, và tác phẩm gần nhất của Đinh Khoa về nghề kiến trúc đều thể hiện sự thay đổi lớn về cảm hứng và đề tài của hai cây bút.
Sau đại dịch Covid 19, có lẽ biến động kinh tế thế giới, sự thịnh hành của trí tuệ nhân tạo đã gợi nhiều suy tư và cảm hứng đến các tác giả trẻ. Càng bối rối trước tốc độ phát triển của khoa học, sự thay đổi của xã hội, họ càng cố gắng thông qua bối cảnh tác phẩm của mình để đào sâu, phản ánh những khía cạnh và phẩm chất làm nên căn tính loài người.
Theo Linh Đan/Vietnamnet