Có thể nói quốc ngữ là công trình tập thể của các giáo sĩ Tây phương (Bồ-đào-nha, Pháp, Ý, Tây-ban-nha vv.) đặt ra để tiện việc truyền giáo, ghi những điều giảng dạy, vì học chữ Hán hay chữ Nôm ít nhất phải mất ba, bốn năm trong khi học chữ quốc ngữ chỉ vài ba tháng.
Sự hình thành và phát triển của quốc ngữ tạm chia ra 4 giai đoạn:
1. Thời kỳ phôi thai
Giáo sĩ Cristoforo Borri tới Ðàng Trong năm 1617, đến năm 1631 viết sách tường thuật việc truyền giáo, có ghi mấy dòng bằng quốc ngữ (không bỏ dấu, có lẽ vì in ở Pháp?) kể chuyện giáo sĩ Buzomi đến Ðàng Trong, một hôm đứng xem gánh hát chèo ngoài đường, thấy một anh hề độn bụng to tướng ra trước khán giả moi trong bụng ra một đứa bé và hỏi nó: "Con gnoo muon bau tlom laom Hoa Laom Chiam?” .
Giáo sĩ nhận ra những từ ngữ mà viên thông ngôn giúp việc giảng đạo vẫn dùng để hỏi những người muốn vào đạo, và phát hiện ra viên thông ngôn xưa nay đã dịch bậy khiến người ta tưởng “muốn vào đạo” với “muốn làm người Hòa-lan” là một. Từ đấy mới bắt sửa lại câu hỏi thành: "Muon bau dao Christiam Chiam?”.
Vì còn trong thời kỳ phôi thai, chưa đủ chữ dùng, các giáo sĩ cứ tùy tiện đặt thêm ra, nếu “bí”, không ngần ngại xen lẫn tiếng la-tinh hay tiếng Tây phương như Christiam. Chữ viết tuy chưa có lề lối nhưng đọc ta vẫn có thể đoán hiểu như : laom = làm, chiam = chăng.
Vì chữ quốc ngữ chưa đủ dùng nên năm 1620, muốn soạn một quyển sách, các giáo sĩ Dòng Tên (Compagnie de Jésus) vẫn phải dùng chữ Nôm.
Năm 1629, Gaspar d’Amaral tới Ðàng Ngoài truyền giáo. Trong một bản chép công thức rửa tội (1645) có ghi một dòng quốc ngữ cổ: "Tau rua mài nhân danh Cha và Con và Spirito Santo”. Amaral cũng là người đầu tiên soạn bộ từ điển Diccionario Anamito-Portuguès-Latin (Từ điển Việt-Bồ-La), song chưa kịp cho ấn hành thì mất.
Năm 1636, Antonio Barbosa đến Ðàng Ngoài và soạn Từ điển Bồ-Việt, cũng chưa được in.
2. Thời kỳ hình thành: Alexandre de Rhodes (1593-1660)
|
Giáo sĩ A. de Rhodes. |
Nói đến quốc ngữ là người ta nghĩ ngay đến A.de Rhodes, người Pháp, tu Dòng Tên. Năm 1624, A. de Rhodes định sang Nhật truyền giáo song lúc ấy Nhật đang đóng cửa ngoại giao nên đành cùng một số giáo sĩ khác đến Ðàng Trong. Năm 1627, tòa Thánh ủy thác cho ông dựng thêm cơ sở ở Ðàng Ngoài.
Lúc đầu ông được chúa Trịnh tiếp đón nồng hậu nhưng đến 1630, vì việc truyền giáo, ông bị trục xuất, phải đi Macao. Từ 1640, nhiều lần ông lén lút trở lại Việt-Nam giảng đạo, lúc ấy Ðàng Trong cũng cấm đạo rất ngặt. Năm 1645, ông bị kết án tử hình, sau được ân xá nhưng phải lập tức rời lãnh thổ Việt-Nam và từ đấy không trở lại nữa.
Năm 1651, A.de Rhodes viết xong quyển Lịch sử Vương quốc Ðàng Ngoài. Ông còn là người xuất bản hai quyển sách đầu tiên bằng quốc ngữ, in tại La-mã cũng vào năm 1651: Phép giảng 8 ngày (để dậy những kẻ muốn chịu phép rửa tội) và Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium lutsitanum). Ðể soạn cuốn từ điển này, ông đã dựa vào hai cuốn từ điển của A. Barbosa và G. Amaral.
Ta nhận thấy chữ quốc ngữ thời bấy giờ đã tạm đủ để phục vụ công cuộc truyền giáo, không còn phải xen lẫn tiếng la-tinh nữa. Cách viết khá giống với quốc ngữ hiện nay tuy còn là thứ văn áp dịch ngô nghê chứ chưa phải tiếng Việt nhuần nhuyễn.
3. Thời kỳ phát triển: Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837- 1898)
Trương Vĩnh Ký thông thạo 27 thứ tiếng Âu và Á, cả sinh ngữ lẫn tử ngữ. Thoạt đầu, ông làm thông ngôn cho Pháp, sau chuyên dạy học tiếng Việt (cho người Pháp) và ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Cao-mên, tiếng Lào... Ông còn viết sách về đủ mọi loại: dạy học, sưu tầm, nghiên cứu... phần lớn bằng quốc ngữ. Trương Vĩnh Ký là người Việt đầu tiên đã triệt để khai thác chữ quốc ngữ bằng sách báo, viết hay dịch sách từ chữ Hán ra quốc âm.
|
Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837- 1898). |
Nếu A. de Rhodes có công phổ biến chữ quốc ngữ thì cũng chỉ phổ biến trong giới hạn truyền giáo, Trương Vĩnh Ký mới là người thực sự phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ trong dân gian, bất kể người có đạo hay không. Ông là người có công đầu trong việc đưa chữ quốc ngữ từ lĩnh vực truyền giáo sang địa hạt văn chương. Nhờ Trương Vĩnh Ký, chữ quốc ngữ mới được dành một địa vị quan trọng trong văn hóa Việt.
4. Thời kỳ trưởng thành: Nam Phong và Phạm Quỳnh (1892-1945) - Tự Lực Văn Ðoàn
Phạm Quỳnh tốt nghiệp trường Cao đẳng Tiểu học. Ông bắt đầu làm việc Trường Viễn Ðông Bác Cổ, năm 1917 làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Nam Phong, đến năm 1932 thì vào Huế giữ chức Ngự Tiền Văn Phòng (Ðổng lý), rồi Thượng Thư bộ Học và bộ Lại.
Tên tuổi Phạm Quỳnh gắn liền với tờ Nam Phong, viết bằng ba thứ tiếng: Quốc ngữ, Hán và Pháp. Chữ quốc ngữ lúc này đã tiến một bước khá dài trên lĩnh vực nghệ thuật so với thời Trương Vĩnh Ký: từ ngữ đầy đủ để diễn tả những vấn đề phức tạp như triết lý, nghị luận… một cách tinh vi, tuy đôi khi còn nặng nề vì mượn ở Hán tự.
Tuy nhiên, thời kỳ này cũng đã xuất hiện những cây bút linh hoạt như Phạm Duy Tốn với văn phong chẳng kém gì thời sau (thời của Tự Lực Văn Ðoàn).
|
Ảnh bìa Nam Phong Tạp chí và Phạm Quỳnh. |
Thời kỳ chữ Hán phải nhường ngôi. Tự Lực Văn Ðoàn được thành lập năm 1933 với nhóm nòng cốt gồm :
Nhất Linh tức Nguyễn Tường Tam (1905-1963)
Hoàng Ðạo tức Tứ Linh, Nguyễn Tường Long (1907-1948)
Thạch Lam tức Nguyễn Tường Lân (1910-1942)
Khái Hưng tức Trần Khánh Dư (1896-1947)
Thế Lữ tức Nguyễn Thứ Lễ (1907-1989), có chỗ chép là Nguyễn Ðình Lễ
Tú Mỡ tức Hồ Trọng Hiếu (1900-1976)
Sau đó, Tự Lực Văn Đoàn mở rộng đón thêm những người mới như Xuân Diệu, Ðỗ Ðức Thu... Mỗi người một vẻ, một biệt tài : trào phúng như Tú Mỡ; tâm lý với Nhất Linh, Khái Hưng hay lãng mạn, rùng rợn với Thế Lữ…
Tuy quốc ngữ bắt đầu trưởng thành từ thời Nam Phong song trên thực tế người ta nghĩ đến văn quốc ngữ là nghĩ ngay đến Tự Lực Văn Ðoàn. Với Tự Lực Văn Ðoàn, quốc ngữ đã lột xác, thoát ly ảnh hưởng Hán học, chịu ảnh hưởng của Pháp văn, trở nên trong sáng bình dị, gây hứng thú cho người đọc. Từ đó, chữ quốc ngữ đã đi sâu vào đại chúng. Tự Lực Văn Ðoàn có công phổ biến văn quốc ngữ và nhờ quốc ngữ, Tự Lực Văn Ðoàn đã "lừng lẫy" một thời.
Chữ Hán thời suy
Tuy quốc ngữ dễ học và tiện lợi nhưng không phải được tất cả mọi người hoan nghênh ngay. Bởi quốc ngữ do các giáo sĩ Tây phương đặt ra, lại do một số thông ngôn áp dụng buổi đầu, những người này thường thiếu đức độ, dựa thế Tây hống hách, nên phần đông Nho gia có thành kiến đối với quốc ngữ. Họ cho rằng học quốc ngữ là vong bản, là vọng ngoại. Đến khi quốc ngữ trở nên môn thi bắt buộc từ năm 1909 thì một số Nho sĩ thà là bỏ thi cử, bỏ nguyện vọng một đời, còn hơn học thứ chữ “con nòng nọc” ấy.
|
Gia Định báo là tờ báo đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ. |
Trần Quý Cáp, thuộc số người hiếm, nhận định rõ giá trị của quốc ngữ, đã gọi nó mà “hồn trong nước” song cũng không tìm cách phổ biến; Phan Bội Châu đọc được quốc ngữ nhưng đi đâu cũng có thư ký kèm theo để ghi những sáng tác bằng quốc âm, và tự mình ghi lấy những sáng tác bằng chữ Hán.
Chữ quốc ngữ được đặt ra để tiện việc truyền giáo nhưng đã vượt xa mục tiêu truyền giáo buổi đầu của các giáo sĩ để trở nên một công cụ truyền thông rất thuận tiện cho người Việt. Ðó là một may mắn không nhỏ cho Việt Nam vì các giáo sĩ cũng đã tìm cách ghi âm tiếng Nhật, tiếng Trung Hoa nhưng không thành công như ở nước ta và Indonesia, hai nước dùng được máy chữ mẫu tự la-tinh.
Nhà Nho trọng chữ Hán, chê quốc ngữ đã đành, người dân quê không biết chữ cũng chê: “Học làm quái gì thứ chữ cò quăm mách qué ấy, chữ thánh hiền nào lại có chữ thánh thế? Thánh nào lại dậy nhảm nhí những con cua, con ốc ấy, đến đàn bà con trẻ nó cũng thừa biết nữa là”.
Dù Khoa cử đã bị bãi từ 1919, dân ta vẫn tiếp tục tôn sùng chữ Hán. Chữ Hán vẫn được coi là thứ chữ để “chở đạo” của thánh hiền, không được vứt một tờ giấy có chữ Hán xuống đất, thấy nó rơi dưới đất phải nhặt lên chứ không được giẫm lên trên, không được đem sách chữ Nho ra mà gối đầu…
Nguyễn Tuân kể: "Ngày xưa ra đường, cái điều danh dự tối thiểu của bậc Nho gia chân chính là mỗi khi thấy chữ thánh hiền vương vãi xuống đất phái cúi mình xuống nhặt lên và để vào những cái bồ nhất định (nếu tôi không nhớ lầm thì những bồ đó các cụ gọi là Kính tích tự chỉ”.
Và đây là hình ảnh một cụ đồ sùng bái chữ Nho dưới ngòi bút châm biếm của Ðặng Thai Mai: "Thấy trời sắp mưa mà quần áo còn phơi trên dây, cụ phải sang nhà hàng xóm mượn cái sào dài để khều cái váy của cụ bà vì “tay giở sách thánh hiền ai lại đưa ra cầm một cái váy đàn bà” (…). Cụ bắt học sinh thấy một tờ giấy có dấu chữ thì bất kỳ ở đâu đều phải nhặt bỏ vào một cái sọt riêng mà cụ đặt ở một chỗ cao ráo trong nhà, rồi cứ đến tối ngày rằm là khiêng ra bờ suối mà đốt, đốt xong hốt hết đống tro tàn đổ xuống dòng nước, cho trôi theo “trường lưu thủy”.
Theo Khám Phá