Cưới xin là một sự kiện trọng đại trong mỗi cuộc đời của mỗi người. Các cụ thường có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vì vậy, để việc cưới hỏi diễn ra một cách thuận lợi nhất, chúng ta nên chú ý và thực hiện những điều kiêng kỵ trong đám cưới với mong muốn hạnh phúc sẽ được vuông tròn cho đôi bạn trẻ.
1/ Kiêng kỵ đám cưới khi nhà đang có tang
Đám cưới là việc vui, đại sự của gia đình nên khi nhà có người mới qua đời thường phải hoãn lại. Theo phong tục cưới truyền thống Việt Nam, con cái phải để tang cha mẹ 3 năm, cháu phải để tang ông bà một năm. Ngoài ra còn có thời hạn cụ thể dành cho các thành viên khác trong gia đình.
Hình thức cưới chạy tang cũng xuất hiện, khi trong gia đình đang có người bị bệnh, sắp qua đời hoặc qua đời nhưng chưa phát tang thì nhà trai sẽ đem lễ vật sang nhà gái hỏi cưới để tránh lỡ năm tốt, ngày tốt. Đám cưới lúc này sẽ chỉ tổ chức nhỏ, nội bộ trong hai gia đình với những người thân thiết nhất.
2/ Kiêng kỵ cưới vào năm kim lâu và giờ, ngày, tháng xấu
Trong cưới xin, người Việt rất kiêng kỵ chọn ngày và kén giờ. Chính vì vậy cần phải xem kỹ về giờ, ngày, tháng, năm sao cho tốt và hợp với tuổi của cả hai vợ chồng để sau này gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, ăn ra, làm nên. Đặc biệt kiêng kỵ cưới vào năm kim lâu tức là năm mà cô dâu có số tuổi với đuôi là 1, 3, 6, 8 để tránh những rủi ro trong quan hệ vợ chồng như hôn nhân tan vỡ, con cái hiếm muộn, khó nuôi sau này.
3/ Kiêng kỵ những người không nên đi đón dâu
Theo quan niệm của người xưa, những gia đình đã mất vợ hoặc chồng, những người lấy nhau đã lâu nhưng không có con, con hiếm muộn, gia đình không hạnh phúc, hay cãi vã, những người cuộc sống không thuận, đều không nên đi đón dâu. Bởi người ta sợ ảnh hưởng không tốt đến đôi trai gái.
4/ Kiêng kỵ cô dâu mang bầu đi vào cửa chính
Khi về nhà chồng, nếu cô dâu đang mang bầu sẽ không được danh chính ngôn thuận đi vào từ cửa chính mà phải đi vòng ra cửa sau để vào.
Nhung dieu kieng ky trong dam cuoi de co cuoc hon nhan ven tron
Trong trường hợp nhà chú rể không có cửa hậu, cô dâu sẽ phải bước qua một chiếc chậu bồ kết nướng với than hồng, hàm ý xua đi điều xui xẻo. Cô dâu có bầu mà đi về nhà chồng bằng cửa trước sẽ làm cho nhà trai sau này làm ăn không phát đạt.
5/ Kiêng làm vỡ, bể đồ đạc
Ngày cưới thường đông người, gia chủ thường không chu toàn được mọi việc nên việc đổ, vỡ đồ đạc là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên nên hạn chế tối đa, chuẩn bị kỹ càng để tránh việc đổ vỡ vì theo quan niệm người xưa, việc này là điềm không tốt cho đôi trẻ.
|
Ảnh minh họa. |
Trong ngày cưới, kỵ nhất là vỡ gương, vỡ ly cốc hay gãy đũa. Tương truyền nếu việc này xảy ra thì đôi vợ chồng sẽ xảy ra bất hòa, đổ vỡ, chia ly nên thường mời thầy hoặc làm lễ giải hạn.
6/ Kiêng chuẩn bị bàn thờ gia tiên sơ sài
Bàn thờ tổ tiên chính là thể hiện sự chu đáo của gia đình mỗi nhà, đa số các bậc phụ huynh đều lo liệu chu đáo, để tới giờ đón dâu, cô dâu chú rể sẽ cùng bố mẹ hai bên cùng thắp hương trên bàn thờ báo cáo với tổ tiên.
Ngày cưới tùy điều kiện mà bày biện ban thờ gia tiên, nhưng đều kiêng bày bàn thờ sơ sài. Mà thường bao sái (lau dọn) sạch sẽ ban thờ, bày biện những vật phẩm đẹp mắt, đầy đủ mâm cỗ cúng gia tiên, các vật phẩm tối thiểu như gà luộc, xôi, rượu, hoa quả, vàng mã... Hôn lễ chính phải cử hành tại bàn thờ tổ tiên có đủ hương đăng hoa quả.
- Ở miền Trung khi nhà trai đến phải có người làm mai đi đầu. Lễ vật bao gồm: Trái cây, bánh kẹo, trầu cau và cặp đèn trùng với kích thước chân đèn trên bàn thờ.
Mời độc giả xem clip "Giả khách mời vào trộm tiền trong đám cưới": (Nguồn VTC1)
Phòng tân hôn cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề
Phòng tân hôn là nơi quan trọng để hai vợ chồng bắt đầu một cuộc sống mới cần:
- Giường tân hôn cần mua giường mới (không nên dùng giường cũ).
- Người trải chiếu hoa cho giường tân hôn phải nhờ người tốt vận (một phụ nữ trung niên, có gia đình ấm êm hạnh phúc, có đủ con trai, con gái) trải chiếu hoa giúp, như thế thì mới mong sinh con khỏe mạnh, dễ nuôi.
Nhung dieu kieng ky trong dam cuoi de co cuoc hon nhan ven tron
- Phòng tân hôn kỵ đặt một số đồ vật như: Trong phòng không đặt đồ bị hỏng, rượu vang, thực vật có gai (xương rồng), búp bê trang trí, vật dụng cũ, vật kỷ niệm của người cũ, hình ảnh của người khác, các loại vũ khí, vật sắc nhọn… vì sợ ảnh hưởng đến hòa khí của hai vợ chồng.
- Người “vía nặng”, phụ nữ góa chồng, người tứ nhãn (chỉ phụ nữ mang thai), người có hôn nhân tan vỡ, người hiếm muộn con cái, người có tang… không được vào phòng tân hôn để tránh điều bất lợi, không may cho đôi vợ chồng mới.
- Kiêng kỵ cho người khác ngồi trên giường tân hôn.
Trên đây là những những điều kiêng kỵ trong đám cưới, dù chỉ là những kinh nghiệm lâu đời nhưng có thờ có thiêng có kiêng có lành. Chúc đôi trẻ luôn hạnh phúc.
Thông tin bài viết chỉ mang tính tham khảo!
Theo Dương Hoàng Lan/ Phununews