Dịp tựu trường đối với nhiều người có thể là thời gian quay về với trường lớp thân quen, với bạn bè xưa cũ, nhưng đối với những người con chuẩn bị xa xứ để học tập, “tựu trường” lại đem đến những cảm xúc khác. Những cuốn sách dưới đây tường thuật trải nghiệm của những du học sinh, về những háo hức, những lạ lẫm khi đặt chân đến xứ người, bước vào hành trình tiếp nhận tri thức mới.
|
Sách Trường làng vẫn ra thế giới của Đỗ Liên Quang. Ảnh: Nhã Nam.
|
Trường làng vẫn ra thế giới
Cuốn sách thuật lại trải nghiệm của Quang trong hành trình từ trường làng ở huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk ra thế giới để theo đuổi ước mơ, tìm con đường cho riêng mình.
“Tôi muốn đi du học để khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài, một thế giới to hơn ngôi làng của tôi, to hơn con đường từ nhà tới trường và từ nhà lên rẫy của tôi. Tôi muốn nhìn xa hơn những đồi cà phê xanh ngát”, tác giả viết.
Tác giả Đỗ Liên Quang truyền tải những bài học đặc sắc về cuộc sống mà anh đã rút ra từ cuộc hành trình đáng kinh ngạc của mình. Hành trình ấy đã biến Quang từ một cậu bé rụt rè, luôn cảm thấy tự ti trước các bạn thành phố thành một con người bạo dạn hơn, hiểu rõ giá trị bản thân. Được ví như một câu chuyện cổ tích, cuốn sách mang đến trải nghiệm đọc giàu cảm xúc.
Trường làng vẫn ra thế giới dành cho các bạn trẻ, các bạn học sinh và cả các bậc phụ huynh muốn hiểu con, muốn biết cách hướng dẫn, hỗ trợ con mình trong chặng đường trưởng thành.
Đường ngược chiều
Cuốn tự truyện của Chảo Yến kể lại hành trình xúc động, truyền cảm hứng của một cô gái người Dao giành được học bổng ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững trị giá hơn 50.000 USD của Đại học Göttingen (Đức).
|
Chảo Thị Yến, tác giả tự truyện Đường ngược chiều. Ảnh: NVCC.
|
Học xong lớp 9, bố mẹ Yến, cũng như bao gia đình miền núi khác, bắt con gái nghỉ học đi làm rẫy và chuẩn bị gả chồng. 3 năm ở nhà, không ngày nào Yến không nhắc đến việc đi học. Sau cùng, vì thương con gái nên mẹ Yến đã gật đầu đồng ý.
Học xong cấp 3, Yến thi vào trường Đại học Lâm nghiệp, vừa học vừa làm. Sau bao nỗ lực phấn đấu, cô gái đã nhận được phần thưởng xứng đáng về mình.
Hành trình từ bản người Dao đến học bổng Erasmus của Chảo Yến đã trở thành một câu chuyện có tính truyền cảm hứng cho nhiều học sinh, sinh viên, tiếp thêm tinh thần cho những con người ham học hỏi nhưng có trở ngại hoàn cảnh phải vượt qua.
“Chỉ cần chúng ta dũng cảm thêm một chút, kiên cường thêm chút nữa, cố gắng đi hết con dốc ấy, dù là bò hay lết, thì khi chạm chân đến đỉnh cao, nhất định sẽ rã rời trong hạnh phúc”, Yến từng chia sẻ với báo Dân tộc.
Tôi và Paris - câu chuyện một dòng sông
Tôi và Paris - Câu chuyện một dòng sông là trải nghiệm chân thực, sống động của chính tác giả Hoàng Long về những năm tháng du học tại Paris năm 23 tuổi. Trong cuốn sách này, Hoàng Long chia sẻ những bí quyết tìm nhà thuê, học ngoại ngữ hay cách vượt qua kỳ phỏng vấn thực tập sinh… Đây là một hành trang quý báu cho những ai chuẩn bị dấn thân vào con đường du học.
"Dường như phải đi hết chừng ấy chặng đường, gặp gỡ chừng ấy con người, tôi mới bắt đầu gặp được mình. Tôi đi bao nhiêu ngày đường mới đủ học để hiểu chính mình phần nào. Rồi tôi thấy mình là một dòng sông, có lúc êm đềm, đôi khi sóng dữ, có lúc thảnh thơi có khi vội vã, giản dị thế mà huyền bí đến thế. Mỗi cuộc đời là một dòng sông, mải miết theo những lối chảy đã được định trước hay là tự mình chọn lấy? Quan trọng là tiến lên hay dừng lại, quan trọng là mạnh mẽ hay dịu dàng, là đến được nơi nào đó hay không cần ở đâu cả?", trích Tôi và Paris - Câu chuyện một dòng sông.
Tôi bỏ quên tôi ở nước Anh
Minh Thi là du học sinh ở Anh, cô thuật lại trải nghiệm du học lạ lẫm bằng lối viết dung dị, gần gũi, đan cài với chất du ký và nghiên cứu văn hóa. Ngoài ra, độc giả còn có thể đọc cuốn sách như một cẩm nang du lịch nhỏ.
|
Độc giả còn có thể đọc cuốn sách như một cẩm nang du lịch nhỏ. Ảnh: Nhã Nam.
|
Minh Thi không chỉ kể câu chuyện của chính mình ở nước Anh, mà còn dày công tìm hiểu văn hóa Anh, giúp người đọc hiểu được thói quen, sở thích của người Anh, biết họ nghĩ gì, muốn gì, và cần giao tiếp với họ thế nào.
Tác giả kể những mẩu chuyện duyên dáng về một xứ sở vừa quen vừa lạ kèm theo những nhận xét tinh tế, hài hước.
“Điều tuyệt vời - hay cũng chính là vấn đề của việc sống trong một thành phố lớn - đó là không ai quan tâm đến việc bạn là ai, bạn từ đâu đến, và bạn làm gì. Điều đó có thể là rất buồn với những người sống quảng giao và khao khát yêu thương, nhưng lại là niềm vui với những người ham sống trong thế giới của riêng mình. London có thể là thành phố cô đơn nhất thế giới, nhưng cũng là thành phố tự do nhất, thành phố dành cho những kẻ theo chủ nghĩa cá nhân như tôi vậy”, trích nội dung sách.
Nhật Bản - đến và yêu
Tác giả Dương Linh là giảng viên tiếng Nhật tại Đại học quốc tế Nagasaki, cô viết cuốn sách như một cẩm nang du học, có thể giúp thắp lửa ước mơ du học cho độc giả. Cuốn sách tập trung giải đáp những câu hỏi như: học tiếng Nhật như thế nào để hiệu quả, tìm việc làm ở Nhật ra sao và làm thế nào có thể tự tin trong môi trường làm việc tại Nhật Bản.
“Chỉ khi thấy thực sự yêu một ai đó, bạn mới muốn làm nhiều điều cho người đó. Ngoại ngữ cũng vậy, hãy coi nó như người yêu của bạn, khi đó bạn sẽ biết cách để chinh phục nó”.
Những vấn đề tác giả đề cập đến mang lại một cái nhìn trực quan về cách chinh phục ngoại ngữ, cách kiếm việc và sinh sống tại miền đất mặt trời mọc.
Không ai đánh thuế giấc mơ, điều quan trọng là phải có quyết tâm hành động. “Thay vì ngồi vắt óc suy nghĩ, hãy nghĩ rằng: Cứ chọn lấy một đáp án để kịp giờ và tin vào trực giác của bản thân khi chọn đáp án bạn cho là đúng hơn. Đừng cố tìm một bản đồ để tra đường khi chính bạn cũng không biết mình đang lạc ở đâu. Hãy đặt cho mình một mục tiêu rõ ràng, đặt cho mình một cái đích để đến đã rồi bước đi trong tâm thế của một người sẵn sàng chấp nhận thử thách”, trích giới thiệu sách.
Theo Minh Hùng/Zing News