|
Ảnh minh họa. Nguồn: Dribble.
|
Trong một thế giới có tốc độ vận động ngày càng nhanh, con người có thể quên mất việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân mình. Căng thẳng dồn nén, những nỗi buồn, ẩn ức không thể giải tỏa tích tụ trong tâm trí. Trước tình trạng đó, một số người tìm đến việc đọc sách như một phương thức chữa lành cho bản thân. Sách giúp họ vượt qua khó khăn và tìm được một cánh cửa mới để tiếp tục hy vọng.
Vào năm 2021, khi người anh trai duy nhất qua đời, Phan Khắc Thành (một nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cảm thấy day dứt trong lòng vì không thể trở về nhà gặp mặt lần cuối đưa tiễn anh.
Ký ức về anh trai của Thành không nhiều vì khoảng cách độ tuổi hai người khá lớn. Nhưng Thành vẫn luôn dành một tình cảm lớn đối với anh. Thành từng lao vào công việc để quên đi hết tất cả cảm xúc. Sự qua đời của người anh đã đặt ra dấu hỏi cho Thành về hiện tại, cái chết và tình yêu thương với những người xung quanh.
Chỉ vài ngày sau khi người anh của mình ra đi, Thành đọc cuốn Không diệt không sinh đừng sợ hãi của Thích Nhất Hạnh. "Từ cuốn sách lẫn trải nghiệm bản thân mình hiểu ra được việc chết không có nghĩa là kết thúc tất cả, anh vẫn còn trong câu chuyện của mọi người. Ngẫm một chút về đời người, cuộc sống là vô thường, chúng ta chả biết tương lai sẽ đến như thế nào, nên hãy học cách sống chánh niệm, tỉnh thức để trao yêu thương đến với những người quan trọng với mình", Thành chia sẻ.
Kể từ đó, sách trở thành một phần trong quá trình tu sửa bản thân và định hình lối sống của Thành. Chúng giúp Thành hiểu ra giá trị của việc được sống và được cống hiến.
|
Cuốn sách Điểm đến của cuộc đời. Ảnh: NVCC.
|
Còn đối với Minh Trang (sinh năm 1993, trú tại Hà Nội), cuốn Điểm đến của cuộc đời (Đặng Hoàng Giang) giúp Trang có được sự dũng cảm. Trước đây, như phần lớn mọi người, Trang cảm thấy sợ hãi khi nghĩ về cái chết hoặc mất đi một phần cơ thể. Nhưng cuốn sách của Đặng Hoàng Giang khiến Trang nhìn cái chết dưới một ánh sáng khác. Trang đọc về một người đi hiến tạng mà tác giả đã viết. Hai năm sau, Trang đã đăng ký hiến tặng mô, tạng. Trang nghĩ rằng đó là một cách để mình kéo dài sự sống cho bản thân.
"Sao lại đi sợ hãi cái chết? Chỉ cần nhìn cái chết như một điểm đến cuộc đời, để biết trân trọng hơn những giây phút mình đang được sống, được hít thở khí trời và nói những lời yêu thương", Trang tâm sự về thông điệp của cuốn sách.
Sách giúp tôi trưởng thành
Không chỉ đem đến thông điệp về sự sống, Nguyễn Quỳnh (23 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) còn cảm thấy việc đọc sách giúp cho bản thân tự tin hơn, giải tỏa những căng thẳng trước khó khăn mình phải đối mặt. Vào thời điểm học lớp 7, Quỳnh thường bị bạn bè trêu chọc vì ngoại hình của mình. Quỳnh cảm thấy tự ti và sợ hãi mỗi khi phải bắt đầu một ngày mới tại trường. Quỳnh từng có lúc nghĩ về việc trốn học nhưng suy nghĩ về sự trông đợi của gia đình khiến em phải tiếp tục.
Những cuốn sách đồng hành với Quỳnh trong khoảng thời gian đó là series Harry Potter. Quỳnh kể lại rằng: "Thay vì dành thời gian suy nghĩ về những lời đâm chọc, miệt thị, mình lựa chọn việc đọc sách. Đó chắc chắn là một việc có ích hơn và nó giúp mình vượt qua được những vấn đề của bản thân. Thế giới trong Harry Potter muôn màu và sống động đến mức mình cảm giác đã quên đi các áp lực cuộc sống hiện tại".
Sau đó một thời gian, Quỳnh vẫn tiếp tục tìm đến các câu chuyện thể loại school-life (đời sống trường học). Đặc biệt là những cuốn truyện tranh em thuê với giá 1.000 đồng/ngày gần nhà.
Quỳnh cảm thấy bản thân được "giải thoát khỏi những năng lượng tiêu cực mỗi khi đắm mình vào trong những cuốn sách". Nhờ chúng, Quỳnh còn thực hành viết những mẩu truyện ngắn, fanfic đăng lên các nền tảng mạng xã hội. Cho đến khi trưởng thành, mỗi khi nghĩ lại, Quỳnh thấy biết ơn vì sách đã giúp mình vượt qua khoảng thời gian khó khăn của tuổi mới lớn.
Mỗi người đều có một trải nghiệm riêng với các cuốn sách. Bằng cách này hay cách khác, sách góp phần chữa lành và định hướng giúp con người hoàn thiện chính mình, nâng đỡ các giá trị tốt đẹp, thiện lương trong tâm hồn.
Đức Huy/Zing News