Nếu Đường cong hạnh phúc là lời tâm tình, mách nhỏ bạn đọc về những bí mật của hạnh phúc tùy theo độ tuổi; cuốn Chúng ta sống có vui không? mang đến lời khuyên tận hưởng trọn vẹn tuổi trẻ để đón nhận hạnh phúc. Trong khi đó, Cảm ơn vì đã cạnh bên gợi nhắc về những niềm vui mà ai cũng có thể tìm thấy. Còn 7 thói quen tạo gia đình hạnh phúc nêu lên bài học quý giá để tạo dựng và duy trì một gia đình hạnh phúc trong xã hội hiện nay.
|
Tập tản văn của Nguyễn Phong Việt. Ảnh: Thu Huệ.
|
Hạnh phúc từ những điều giản dị
Bằng lời văn gần gũi nhưng sâu lắng, tập tản văn Chúng ta sống có vui không? của nhà thơ Nguyễn Phong Việt đem đến những bất ngờ dành cho độc giả đã quen gặp anh qua thơ.
Với trải nghiệm mà anh đã đi qua và ghi chép lại trong sách, mỗi chúng ta đều có thể thấy đâu đó phảng phất nỗi niềm của chính bản thân mình về khái niệm hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày.
Nguyễn Phong Việt cho rằng hiện có nhiều người trẻ đang bận vật lộn giữa cuộc sống mưu sinh, thực hiện ước mơ còn dang dở. Nhưng đôi lúc họ thường băn khoăn, hoang mang vô định giữa những mục tiêu.
Thay vì những mộng tưởng, tác giả bày tỏ không nên cố kiếm tìm sự phù phiếm, so sánh hơn thua với người đời mà quên mất bình an, hạnh phúc là khái niệm xuất phát từ trong tâm hồn. Nó sẽ tự nảy mầm từ những điều nhỏ bé trong hành trình trưởng thành và đi tới thành công. Điều quan trong là biết sống trọn vẹn cho tuổi trẻ của mình.
Tiếp nối Cảm ơn vì đã được thương, mới đây, tác giả Minh Phúc tiếp tục trình làng tập tản văn Cảm ơn vì đã cạnh bên.
Bằng lối viết thong dong, nhẹ nhàng, mỗi bài viết là một kỷ niệm, khơi gợi lối sống chậm, trân trọng hạnh phúc nhỏ bé đang hiện hữu xung quanh chúng ta.
Sách gồm ba phần: Nhà, Nhớ, Thương. Theo Minh Phúc, viết là cách để cô “chấm một dấu Nhớ, phết một dấu Thương, cột chắc Nhà trong lòng mình”.
Gom nhặt những giản dị đời sống, mỗi tản văn đều khơi gợi đâu đó niềm vui đáng sống trong đời. Đó đơn giản là niềm hạnh phúc khi được trồng hoa, làm mẹ và viết lách.
Qua đó, tác giả nhắn nhủ mỗi người hãy biết nắm giữ những khoảnh khắc nhỏ bé bên gia đình, trong công việc và cuộc sống để tìm thấy niềm hạnh phúc nhỏ bé.
|
Tản văn của Minh Phúc. Ảnh: Thu Huệ.
|
Bí mật của hạnh phúc
Dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học, nhà báo, nhà nghiên cứu Jonathan Rauch đã viết nên cuốn Đường cong hạnh phúc.
Cuốn sách trả lời cho các câu hỏi: Tại sao đến tuổi tứ tuần, ta lại cảm thấy những giây phút hạnh phúc ngày càng ít đi? Tại sao bạn cảm thấy không hài lòng khi mọi thứ xung quanh vẫn đang diễn ra tốt đẹp? Sự phiền muộn, mưu cầu hạnh phúc liệu có chấm dứt?
Theo tác giả, hạnh phúc của một con người thay đổi theo một quỹ đạo hình chữ U, hay còn gọi là “đồ thị đường cong hạnh phúc”. Sẽ có những thời điểm con người chạm tới đỉnh cao và đáy của mức độ hạnh phúc.
Mỗi chương trong sách như một bài luận nhỏ tương đối độc lập, nhưng cùng hướng về trục tọa độ mang tên hạnh phúc.
Sách được viết sau khi tác giả hoàn thành chuỗi phỏng vấn đến nhiều người thuộc mọi độ tuổi và tầng lớp trong xã hội. Những chia sẻ về hành trình cuộc sống của họ giúp ông đúc kết rằng khi chưa tìm thấy hạnh phúc, thay vì dành ưu tiên cho những cạnh tranh hay xô bồ trong cuộc sống, nên hướng bản thân đến lòng trắc ẩn và trân trọng mọi điều xung quanh.
Với nhiều tư tưởng sâu sắc, dữ liệu khoa học và phương pháp thực tế, độc giả sẽ vượt qua hố sâu phiền muộn và tìm được bí mật của hạnh phúc.
|
Sách của nhà nghiên cứu Jonathan Rauch. Ảnh: Thu Huệ.
|
Thói quen để xây dựng gia đình hạnh phúc
Khi chọn 20/3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc, UNESCO cũng truyền tải thông điệp: “Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc”. Đó cũng là nội dung chính mà cuốn 7 thói quen tạo gia đình hạnh phúc muốn gửi gắm tới bạn đọc.
Từ kinh nghiệm và hoàn cảnh thực tiễn của chính cuộc sống gia đình mình và các gia đình khác, tác giả Stephen Covey chia sẻ những lời khuyên thiết thực để giải quyết các tình huống thường gặp trong gia đình.
Theo ông, một gia đình hạnh phúc là nền tảng phát triển của một xã hội tiến bộ. Tuy nhiên, một gia đình bền vững cần đến sự hài hòa, đóng góp, sẻ chia của mỗi thành viên trong gia đình. Điều đó được thể hiện qua sự giải quyết các cuộc tranh cãi, hàn gắn mối quan hệ rạn nứt hay thay đổi bầu không khí tiêu cực trong gia đình.
Stephen Covey giúp độc giả đi tìm câu trả lời cho các vấn đề thường gặp trong gia đình như: Làm thế nào để “cái tôi” của mỗi người chuyển thành cái “chúng ta”? Làm sao để thuyết phục các thành viên trong gia đình khi họ chẳng bao giờ chịu lắng nghe bạn? Làm thế nào hàn gắn lại những mối quan hệ đổ vỡ và tái tạo cảm xúc nguội lạnh?...
Ông chỉ ra cách thức áp dụng những nguyên tắc vào trong cuộc sống hàng ngày thông qua các hoạt động, gặp gỡ, vui chơi để tạo nên bầu không khí gia đình hạnh phúc. Theo đó, 7 nguyên tắc cơ bản là sống chủ động; bắt đầu với một mục tiêu; ưu tiên những việc quan trọng; tư duy cùng thắng; hiểu người trước, hiểu mình sau; hợp lực và rèn giũa bản thân
Độc giả sẽ cảm nhận rõ hiệu quả của 7 thói quen này khi đọc những câu chuyện thú vị của các gia đình rất khác nhau chia sẻ về cách áp dụng chúng và kết quả họ đã nhận được. Trên tất cả, sách mang đến những bài học quý giá để tạo dựng một gia đình hạnh phúc trong xã hội hiện nay.
Theo Thu Huệ/Zing News