Với một chút tò mò xen lẫn khao khát được quay trở lại với nguồn cội lịch sử đã tồn tại hàng ngàn năm, tôi tìm đến Cổ Loa vào một ngày nắng đẹp. Thực may mắn, khi đang lang thang trên vùng đất cổ thành tôi tình cờ được nghe hồi kết về nàng Mỵ Châu trong câu chuyện tình chung thủy cùng cuộc phân tranh đất làng kỳ lạ.
Dù chỉ cách trung tâm Thủ đô không xa, vòn vẹn khoảng 20km nhưng tôi vẫn loay hoay mãi với những cung đường vòng vèo trên bản đồ. Như thấy được nỗi ngẩn ngơ vì hành trình đang đi lạc của tôi, cô bạn đồng nghiệp thân thuộc địa bàn đành rỉ rả dong xe theo dẫn đường. Kỳ thực, đến Cổ Loa cũng không khó như tôi vẫn tưởng, chỉ cần men cầu Chương Dương, theo quốc lộ 1A cũ đến cây số 10 là cầu Đuống. Đi tiếp qua cầu là thị trấn Yên Viên, rẽ trái vào quốc lộ 3, đi 5km đến ngã ba rẽ phải, đi tiếp 2km nữa là vào khu di tích Cổ Loa.
Đặt chân lên mảnh đất cố đô trong tôi vẫn có cảm giác thật sự khác lạ, dễ thấy nhất là không gian thoáng đãng, không khí trong lành. Cổ Loa trước mắt như hiện thân cho hình ảnh của một làng quê Bắc bộ xưa cũ với những bến nước sân đình, cây đa cổ thụ. Hơi thở của cuộc sống hiện đại với những nét văn hóa “lai căng” dường như chưa xâm lấn vào cuộc sống nơi đây.
Nghe các cao niên trong vùng kể, trước kia vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên Cổ Loa là kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc. Mãi đến thế kỷ 10 sau Công nguyên, dưới thời Ngô Quyền nơi đây một lần nữa trở thành kinh đô của nhà nước Vạn Xuân. Nói cách khác, nơi đây được biết đến như thủ đô thứ hai của Việt Nam sau Phong Châu (tỉnh Phú Thọ hiện nay), là thủ đô thời các vua Hùng.
|
Am Mỵ Châu trong quần thể di tích Thành Cổ Loa. |
Ngày nay, khu di tích Cổ Loa nằm trải rộng trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội). Sẽ thực thiếu nếu như ghé Cổ Loa mà không qua Am thờ công chúa Mỵ Châu. Am nằm u tịch nằm dưới gốc đa cổ thụ với 3 gian thờ. Dẫn chúng tôi thăm Am thờ, ông Quan Đám Nguyễn Đặng Huấn (SN 1953) bảo, chức danh này của ông nằm trong lệ làng đã vài trăm năm.
Nôm na theo lời ông Huấn, gọi là Quan Đám – không phải bởi yếu tố chức quyền như người đời vẫn thường hiểu. Ở Cổ Loa, chức danh này nhằm ám chỉ người được phép hương nhang, bày biện chăm sóc Am thờ. Trang phục của ông Quan Đám thường là quần áo vàng, đội mũ vàng nhằm phân biệt với các ông Từ trông giữ Đình.
Được biết, trong quần thể di tích này, gian cuối Am là phòng bà Mỵ Châu ngự, có cửa khóa, chấn song con tiện bằng gỗ chỉ chừa khoảng đủ để nhìn thấy thấp thoáng hình người to lớn khoác xiêm y màu đỏ ngồi trong tư thế uy nghiêm, tỳ tay lên hai đầu gối. Trên đầu treo mũ công chúa lơ lửng, có đính ngọc trai buông xuống. Trước mặt nơi “bà” ngự là một pho tượng nữ vương công chúa với tư thế tương tự uy nghiêm trên ban thờ.
Nhắc đến truyền thuyết về bà, về câu chuyện tượng đá có khả năng tự lớn… đến nay không ít dị bản vẫn còn lưu truyền trong người dân Cổ Loa. Một cao niên bảo, bức tượng đá mang hình thù bà Mỵ Châu biết tự lớn. Nói cách khác, trước đây, tượng nhỏ hơn bây giờ rất nhiều. Trải qua thời gian, tượng đá đó cứ lớn dần lên. Về chuyện này, người dân Cổ Loa cho rằng đó là điềm may mắn, là điềm lành bởi công chúa đã được về hầu bên vua cha đúng với ý nguyện nên ngày thêm lớn.
Nhấp chén trà, ông Nguyễn Đặng Huấn bảo, khách thập phương cũng như dân bản địa thường ghé đến nơi đây vì bà thường linh ứng sau những lời khấn nguyện. Nhiều khách thập phương còn quả quyết, bởi Mỵ Châu đã có một cuộc tình ngang trái nên rất thiêng cho những lời cầu khấn chuyện tình duyên. Rất nhiều đôi trai gái gặp trắc trở đã đến cầu xin bà và được toại nguyện. Có những chàng trai, cô gái không kiếm được người yêu cũng tìm đến xin bà phù hộ. Không những thế, mỗi khi người dân bị ốm đau bệnh tật, họ cũng xin bà chữa bệnh.
Nhắc đến một dị bản về huyền tích Am Mỵ Châu, ông Huấn kể, nhiều năm sau khi bà Mỵ Châu mất, trên vùng bến trù phú có tên “vườn thuyền, ao mắm” bên dòng sông Hoàng Giang tấp nập tàu thuyền bỗng xuất hiện một phiến đá lạ. Trẻ con chăn trâu thấy một tảng đá trôi dạt ngược dòng sông, tựa chiếc thuyền có người chèo lái bèn trèo lên tảng đá nô đùa. Khi về nhà, chúng bỗng nhiên trở bệnh khiến người dân vô cùng hoảng sợ. Các bô lão cho rằng chúng đã phạm phải đá thiêng nên ra bờ sông làm lễ cầu khấn và trẻ con khỏe mạnh trở lại.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, nhiều người thấy đá lạ, đẹp, muốn khiêng về thì không thể nào lay chuyển được. Thấy sự lạ cứ nối tiếp nhau như vậy, các bô lão làng Cổ Loa liền cử một đám thanh niên lực lưỡng, tắm gội sạch sẽ, khiêng võng đào ra, làm lễ xin được rước tượng đá về thờ. Khi khiêng về đến đền “Ngự triều Di quy” bỗng nhiên tượng tuột xuống, không thể khiêng đi được nữa. Dân làng thấy vậy liền lập am thờ, ngày đêm hương khói và cho rằng tượng đá là hóa thân của công chúa Mỵ Châu trôi ngược sông về đất Cổ Loa để hầu cha như lời nguyện trước khi nàng chết.
Nguồn gốc câu nói “Đất Cổ Loa, cây đa Dục Tú”
Lan man chuyện làng, chuyện xã, tôi hỏi ông Huấn về chuyện “ngăn sông cấm chợ” kiểu thanh niên Dục Tú sẽ không bao giờ lấy thanh niên Cổ Loa như không ít báo đài ít năm nay đề cập. Nhắc chuyện này, ông Quan Đám Nguyễn Đặng Huấn quả quyết, chuyện “ngăn sông cấm chợ” ấy là không có thực và cũng chẳng hề có cảnh nam nữ 2 làng không được phép đến với nhau. “Bản thân tôi cũng lấy vợ là người Dục Tú, nên tôi có thể chắc chắn chuyện này chỉ là truyền miệng và không có thực. Truyền thuyết bảo không lấy nhau là hoàn toàn không có” – ông Huấn Khẳng định.
Dù vậy, theo ông Huấn, ở Cổ Loa đến nay vẫn truyền câu nói “Đất Cổ Loa, cây đa Dục Tú” hết sức độc đáo. Theo đó, phát tích câu nói trên nhằm ám chỉ một thời tranh đấu giữa 2 vùng đất giáp ranh. Mọi sự manh nha vào năm 938, sau khi đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền một lần đi qua bến Hoàng Giang, ngắm địa thế Cổ Loa thành, thì chợt nghe tiếng hát thánh thót, mượt mà vọng lại từ bên sông. Thấy lạ, vua tìm đến tận nơi, thì thấy một cô gái cắt cỏ. Hỏi ra mới hay, cô gái ấy quê ở làng Dục Tú.
Thấy cô gái đẹp người, lại hát hay vua bèn hỏi ý và cưới nàng làm vợ. Vì có nhiều công lao nên cô gái Dục Tú ấy được vua ban thưởng và tự chọn phần thưởng bằng cách thả quả bưởi trôi theo sông Hoàng Giang. Bưởi trôi đến đâu, nhà vua sẽ cắt đất cho bà đến đó. Quả bưởi thả từ cửa đền Cổ Loa trôi đến cầu Cung (nay bị phá dỡ) thì gặp dòng xoáy quay lại. Vua bèn chuẩn y cấp đất.
Từ đó, bà đưa người dân làng Dục Tú xuống làm ăn định cư, dân chúng dần ổn định.“Thời điểm đó, trải qua nhiều năm chung sống, dân hai làng Dục Tú và Cổ Loa thường xảy ra xích mích, do dân Cổ Loa cho rằng Dục Tú đã lấn đất của mình. Dĩ nhiên, cho đến nay, việc tranh chấp ấy chẳng còn và người dân 2 xã chỉ nhắc đến như một quãng thời gian ghi nhiều dấu ấn về nhau trong dòng chảy lịch sử” – ông Nguyễn Đặng Huấn chia sẻ.
Khu di tích Cổ Loa có diện tích gần 46ha, gồm ba vòng thành (thành Nội, thành Trung, thành Ngoại) khép kín. Chu vi vòng ngoài thành là 8km, vòng giữa là 6,5km, vòng trong là 1,6km. Lũy cao trung bình từ 4-5m, mặt lũy rộng 6-12m. Khu di tích Cổ Loa được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg (ngày 27/9/2012) của Thủ tướng Chính phủ.
Theo các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học, thành Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, do vua An Dương Vương đắp vào thế kỷ thứ III-II (TCN). Thành Cổ Loa thể hiện sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Dưới góc độ văn hóa, thành Cổ Loa là bằng chứng về trình độ kỹ thuật của người Việt cổ.