Bắt đầu từ thời nhà Thanh, nơi đây được gọi là Tử Cấm Thành và đã trải qua 2 triều đại nhà Thanh và nhà Minh, có lịch sử tồn tại hơn 600 năm kể từ khi hoàn thành vào năm 1400. Hàng năm có rất nhiều khách du lịch của Trung Quốc và nước ngoài đến đây tham quan. Những ai đã từng đến Tử Cấm Thành đều biết nơi đây có rất nhiều địa điểm không mở cửa với những người bên ngoài. Những thứ người ta có thể nhìn thấy đều đã được cải tạo. Còn những nơi không mở cửa mới chính là Tử Cấm Thành thực sự. Ở đó vẫn lưu giữ phong cách và diện mạo ban đầu của Tử Cấm Thành, chưa từng trải qua sửa chữa, lại cũng lưu giữ nhiều bí mật của hoàng cung.
Lãnh cung
Nói đến lãnh cung hẳn mọi người đều đã từng nghe qua. Trong thời Trung Quốc cổ đại, lãnh cung là nơi giam giữ những phi tần bị thất sủng. Họ sống ở đây tự sinh tự diệt, không ai đồng cảm, không ai chăm sóc, là nơi thê thảm nhất trong hậu cung. Những phi tần đã bị tống giam vào lãnh cung gần như không có cơ hội được ra ngoài, có người chết, có người phát điên, thiếu ăn thiếu mặc, còn bị người khác đối xử lạnh nhạt và lăng nhục. Họ chỉ thể tự mình lo liệu, không ai quan tâm đến cảm nhận của họ, nói cách nghiêm trọng là không xem họ là con người, chết sớm ngày nào, giải thoát sớm ngày đó.
Lãnh cung trong cố cung cũng chỉ treo một tấm biển trên đó có viết hai chữ “Lãnh Cung”, nơi đây đóng cửa không để người khác ra vào, hơn nữa hai chữ đó cũng khiến người ta cảm thấy đây là nơi không may mắn, nhiều người cũng không muốn bước vào. Một vị phi tần cuối thời Minh từng sống trong lãnh cung Càn Tây Tứ vốn là chủ nhân của Trường Xuân Cung, vì đắc tội với thái giám nắm quyền cao nhất Ngụy Trung Hiền, nên bị đuổi đến Càn Tây Tứ và sống ở đây trong 4 năm. Bắc Tam Viện cũng là một lãnh cung nổi tiếng, từng nhốt Trân Phi của Hoàng đế Quang Tự thời nhà Thanh. Trước khi Trân Phi bị Từ Hy thái hậu hạ lệnh buộc phải nhảy giếng tự tử thì bị nhốt ở Bắc Tam Viện. Bởi vì nơi đây nhốt những người không được xem trọng nên cung điện và tường thành đều bị hư hỏng và không được sửa chữa, sớm đã rách nát tả tơi. Do đó, lãnh cung mới trở thành nơi đóng cửa, cách biệt với thế giới bên ngoài.
Có một sự thật thú vị khác là lãnh cung không chỉ là nơi giam lỏng các phi tần, nữ cung nhân mà ngay cả nam nhân cũng có thể bị nhốt vào đây. Lãnh cung của nam nhân được đặt tên khá mỹ miều là Cung Tiêu Diêu, chữ “tiêu diêu” nghĩa là hạnh phúc. Hoàng đế Chu Nguyên Chương có thể coi là người đầu tiên đặt nền móng cho Cung Tiêu Diêu này. Ôngcó tuổi thơ cơ cực do đó rất ghét người lười nhác. Ông quy định cho quần thần và dân chúng chỉ được nghỉ ba ngày một năm là năm mới, đông chí và ngày sinh nhật của ông. Tất cả những người cờ bạc hoặc rỗi rãi dắt chó, cầm lồng chim đi dạo thì đều phải giam vào Lầu Tiêu Diêu, biến nơi hạnh phúc trở thành nơi những kẻ lười nhác phải chịu hình phạt. Điều này có tác dụng răn đe vô cùng lớn. Về sau Cung Tiêu Diêu không còn là nơi giam giữ thường dân nữa mà trở thành nơi thụ hình của phạm nhân và các thái giám.
Dưỡng Tâm Điện
Dưỡng Tâm Điện được xây dựng bắt đầu vào năm Gia Tĩnh, triều đại nhà Minh. Từ phía bắc đến nam Dưỡng Tâm Điện dài khoảng 63m, từ đông sang tây rộng khoảng 80m, diện tích chiếm khoảng 5000m2. Dưỡng Tâm Điện không nằm ở trục chính giữa mà nằm ở phía tây của Tử Cấm Thành.
Trong Tử Cấm Thành có khoảng 9.000 gian phòng nhưng rất nhiều Hoàng đế vẫn thích sống ở Dưỡng Tâm Điện hơn cả. Triều nhà Thanh có tám vị Hoàng đế nối tiếp nhau sống ở Dưỡng Tâm Điện. Hầu hết các hoạt động cá nhân, nghỉ ngơi… của Hoàng đế đều diễn ra ở nơi đây. Sở dĩ nơi ở của Hoàng đế được gọi là Dưỡng Tâm Điện mà không phải Dưỡng Thân Điện hay Dưỡng Sinh Điện là bởi vì cổ nhân cho rằng điều quan trọng nhất của dưỡng sinh, dưỡng thân là dưỡng tâm. “Dưỡng tâm” là ngọn nguồn của dưỡng sinh, là điều tối trọng yếu của bất kỳ ai, Hoàng đế cũng không ngoại lệ.
Dưỡng Tâm Điện là nơi Hoàng đế thường lui tới, cũng là nơi Hoàng đế giải quyết việc lớn, phê duyệt tấu chương và nghỉ ngơi. Xem trên các bộ phim truyền hình, chúng ta có thể thấy Dưỡng Tâm Điện vàng son tráng lệ và rất có khí thế. Nhưng trên thực tế, trải qua sự gột rửa của thời gian, Dưỡng Tâm Điện cũng đã bị hư hại không ít. Mái nhà cũng không còn bền chắc nữa, tồn tại rất nhiều mối nguy hiểm. Trước đây nó được mở cửa cho khách du lịch tham quan nhưng hiện tại thì đã đóng cửa, không cho người khác bước vào.
Trường Xuân Cung
Cung điện này được xây dựng từ thời nhà Minh. Năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420), dưới triều Minh Thành Tổ Chu Lệ, cung điện này đã hoàn thành, tên là Trường Xuân Cung. Thời Khang Hy thứ 22 (1683) cung được trùng tu, sau đó nhiều lần có tu chỉnh. Vào thời nhà Minh, Trường Xuân Cung thường là do tần phi cư trú. Sang thời nhà Thanh, cung thất này cũng dành cho hậu phi cư trú, nổi tiếng nhất là Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu của Thanh Cao Tông Càn Long Đế. Sau khi Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu qua đời, Càn Long Đế đem Trường Xuân cung thành nơi tưởng niệm của bà. Mãi đến thời Đồng Trị và Quang Tự, Từ An Hoàng thái hậu lẫn Từ Hi Hoàng thái hậu trong một thời gian dài đều ở đây
Trước đây, Trường Xuân Cung cũng mở cửa với thế giới bên ngoài, nhưng hiện tại đã đóng cửa để sửa chữa hoặc đóng cửa một số khu vực, không tiện cho người khác ra vào. Những ai đã xem các bộ phim truyền hình về thời nhà Thanh chắc hẳn cũng muốn đến Trường Xuân Cung để tận mắt chính kiến cung điện huyền thoại này. Nhưng hiện tại, người ta chỉ có thể đứng bên ngoài xem, không thể bước vào. Vẫn còn một số địa điểm khác, không rõ nguyên nhân bị đóng cửa dài hạn, ví dụ như Vũ Hoa Các, Quyện Cần Trai, Diên Khánh Điện… đều không mở cửa với bên ngoài.
Tử Cấm Thành được xây dựng từ năm 1406, trải qua 24 đời Hoàng đế. Đây là nơi tập trung quyền lực, triệu tập quần thần, nơi tiến hành các đại lễ, cũng là nơi sinh sống của Hoàng đế và các phi tần. Tường thành bao quanh quần thể dài hơn 3.000m, cao gần 10m. Một con sông đầy cá sấu và sâu 6m bao quanh tường thành, được cho là để bảo vệ an ninh, không người nào có thể xâm nhập hoặc trốn thoát khỏi cung cấm nếu không được phép. Xung quanh công trình này còn có rất nhiều bí mật, rất nhiều câu chuyện kỳ lạ mà người hiện đại nhất thời không thể lý giải.
Theo Văn hiến plus