Quần thể kiến trúc khổng lồ
Khoảng 20 năm trước, một nhóm công nhân làm thủy lợi đã phát hiện dưới lòng hồ Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) rất nhiều cột gỗ, cột đá, xà đá,… Giữa hồ, vẫn còn ngôi đình Tam Chúc mà người dân ở đây cho rằng là để thờ Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt, Đinh Tiên Hoàng Đế và thần Bạch Mã. Bước đầu, các nhà khảo cổ kết luận, đình Tam Chúc đã có trên 1.000 năm tuổi.
Tiếp nối lịch sử 1.000 năm của mảnh đất Tam Chúc linh thiêng, thần bí, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Hà Nam và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đầu tư phục dựng ngôi chùa Tam Chúc.
Quần thể chùa Tam Chúc hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Để hoàn thành dự án này, nhà đầu tư dự kiến phải mất thêm 30 năm nữa (đến năm 2048). Khi đó, Tam Chúc sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới với diện tích quần thể lên tới hơn 5.000 ha.
Không chỉ vậy, ngôi chùa này còn được tạc 1.200 bức tượng bằng dung nham núi lửa và là nơi sở hữu những báu vật hiếm có trên thế giới.
|
Nhóm công nhân vẫn đang miệt mài làm việc xuyên Tết Nguyên đán để kịp đưa một số hạng mục vào sử dụng, phục vụ Đại lễ Vesak. (Ảnh: Zing) |
Ngoài ra, ấn tượng đầu tiên về ngôi chùa lớn nhất thế giới này chính là 4 bức tường cực lớn ở điện Tam Thế được trang trí bởi 12.000 bức tranh đá chạm khắc tinh xảo.
Điện Tam Thế ở chùa Tam Chúc thờ 3 tượng Phật Tổ bằng đồng dát đồng đen, mỗi bức nặng hơn 200 tấn, phía sau là 3 lá bồ đề dát vàng. Sân điện có chiếc vạc Phổ Minh khổng lồ với những bức tranh miêu tả di tích, thắng cảnh. Vạc là nơi tích tụ linh khí, chiêu tài, lộc, cầu hiền đức, bốn phương tụ hội vì nghiệp lớn.
4 bức tường lớn của điện Pháp Chủ cũng được trang trí bởi 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời Đức Phật: Phật Sinh, Thành Đạo, Thuyết Pháp và Phật Niết Bàn. Điện Pháp Chủ thờ tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn.
4 bức tường lớn tại điện Quan Âm cũng có 8.500 bức tranh đá kể những câu chuyện về các sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát. Tượng đồng Quan Âm Bồ Tát nguyên khối ở điện Quan Âm có trọng lượng lên đến 100 tấn.
|
Chùa Tam Chúc dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2048. |
Một điểm sáng hiếm có là 30.500 bức tranh đá trên đều mang màu cháy của gạch nung già, trầm mặc, cổ kính, lấy từ núi lửa ngàn năm Merapi (Indonesia), được chế tác thủ công bởi các nghệ nhân quần đảo Java (Indonesia). Tất cả bức tranh đều được chú dẫn bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Phạn và đã được mã hóa.
Điều đặc biệt ấn tượng nữa là chùa Tam Chúc đang thiết lập vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 14 m, nặng 200 tấn làm từ đá xanh Thanh Hóa. Đây sẽ là vườn kinh lớn nhất thế giới với hàng ngàn bài kinh kệ đặc sắc.
Sở hữu nhiều báu vật quý hiếm
Một báu vật đặc biệt nữa là cây bồ đề được chiết từ "Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường" 2.250 tuổi và được coi là báu vật của đất nước Sri Lanka ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura - Sri Lanka.
|
Cây bồ đề thiêng được trồng tại chùa Tam Chúc. (Ảnh: Báo Thanh tra) |
Theo đó, khi Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka sang thăm Việt Nam, đại diện chùa Bái Đính (Gia Viễn, Ninh Bình) có nhã ý xin 10 cây bồ đề về trồng tại chùa Bái Đính. Tuy nhiên, nguyên tắc của Sri Lanka là chỉ tặng 1 cây không cho cây thứ 2.
Chính vì thế Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka đã liên hệ và Chủ tịch Quốc hội nước này đồng ý tặng 1 cây cho Việt Nam. Hiện trên thế giới, Nepal là nước đầu tiên được tặng, Việt Nam là nước thứ 2.
Lúc đầu, cây bồ đề thiêng dự định được trồng ở chùa Bái Đính. Về sau, do cây bồ đề trên danh nghĩa Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong khi theo dự kiến năm 2019, sẽ diễn ra Đại lễ Vesak (Đại hội Phật giáo Thế giới) tại chùa Tam Chúc. Chính vì thế, cây bồ đề thiêng được trồng tại chùa Tam Chúc.
Không chỉ sở hữu cây bồ đề thiêng, chùa Tam Chúc còn là chủ sở hữu thiên thạch mặt trăng có trọng lượng 5,5 kg, rơi từ không gian vũ trụ xuống sa mạc Sahara từ hàng ngàn năm trước, được tìm thấy vào năm 2017.
Các chuyên gia về không gian vũ trụ đoán, khối thiên thạch này đã bị bật ra khỏi bề mặt mặt trăng từ một quá khứ xa xôi, có thể một khối thiên thạch khác đã va vào nó và khiến nó bật ra khỏi bề mặt mặt trăng, bắt đầu cuộc "du hành" tới trái đất.
Năm 2018, tại Trung tâm đấu giá RR Auction (Mỹ), Doanh nghiệp Xuân Trường đã đấu giá thành công khối đá với giá trên 600.000 USD (hơn 14 tỷ đồng) và đưa về chùa Tam Chúc. Khối thiên thạch được đặt trong Bảo Tháp. Trong Bảo tháp còn đặt một pho tượng đá ngọc nặng 4,9 tấn.
Theo thông tin từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc sẽ là nơi diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019, từ ngày 12-14/5/2019.
|
Thiên thạch mặt trăng đã được đưa về tới chùa Tam Chúc. (Ảnh: TMQ) |
Đại lễ dự kiến sẽ tiếp đón khoảng hơn 10.000 người tham dự, bao gồm 1.500 chức sắc và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học cũng như các Phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ 90 - 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, khoảng 10.000 đồng bào Phật tử và nhân dân Việt Nam.
Đại lễ Vesak hay còn gọi là Phật Đản, là ngày kỷ niệm Đức Phật sinh ra năm 624 TCN, diễn ra vào ngày 15/ 4 âm lịch hàng năm. Được biết, đây là lần thứ 3 Việt Nam đăng cai và tổ chức Đại lễ Vesak.
Theo Nhật Linh/VTC News