Mối quan hệ "sóng gió" giữa Nga và Ukraine được các chuyên gia nhận định bắt đầu diễn ra kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Cụ thể vào tháng 8/1991, Kiev tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô. Vào ngày 1/12/1991, người dân Ukraine tham gia một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này và nhận được kết quả hơn 90% cử tri chọn độc lập.
Tổng thống Nga Boris Yeltsin khi ấy chấp nhận kết quả bỏ phiếu khi công nhận lãnh thổ của Ukraine bao gồm cả Crimea. Đồng thời, Nga, Ukraine và Belarus thành lập Khối thịnh vượng chung Các quốc gia độc lập (CIS).
Trong 5 năm sau đó, Ukraine tìm mọi cách thoát khỏi sự ảnh hưởng của Nga - điều đã tồn tại từ 3 thế kỷ trước. Đổi lại, Kiev tìm kiếm mối quan hệ với liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu. Điều này khiến Nga kịch liệt phản đối.
Năm 1997, Nga và Ukraine cơ bản giải quyết được tương lai của Hạm đội Biển Đen có căn cứ chính đóng tại thành phố cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea. Theo nội dung thỏa thuận, Nga được thuê căn cứ ở Sevastopol trong 20 năm với điều kiện đồn trú không quá 25.000 binh sĩ và không đưa vũ khí hạt nhân đến đây. Vào tháng 4/2010, thời hạn thuê được gia hạn thêm 25 năm kể từ sau năm 2017. Đổi lại, Nga trả cho Ukraine một khoản tiền thuê để sử dụng cảng Sebastopol.
Đến năm 2003, Ukraine ký thỏa thuận với Nga, Belarus và Kazakhstan về Không gian Kinh tế chung. Trước động thái này, EU cảnh báo Kiev rằng thỏa thuận đó có thể cản trở Ukraine hợp tác với khối và tư cách thành viên trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine năm 2004, mối quan hệ giữa Nga với Ukraine tiếp tục xấu đi khi chính quyền Moscow ủng hộ ứng viên thân với điện Kremlin là ông Viktor Yanukovich. Tuy nhiên, về sau nổ ra cuộc "Cách mạng cam" khiến ông Viktor không được công nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử trên. Thay vào đó, chính trị gia thân phương Tây là Viktor Yushenko trở thành Tổng thống Ukraine.
Trong một hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest diễn ra vào năm 2008, lãnh đạo NATO đồng ý Ukraine sẽ có tương lai trong liên minh. Điều này khiến Nga tức giận.
Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine trở nên gay gắt khi xảy ra một số tranh chấp, đặc biệt là về khí đốt năm 2006 và 2009. Sự việc này khiến nguồn cung năng lượng cho châu Âu bị gián đoạn.
|
Thiết giáp Nga tập trận gần biên giới Ukraine tháng 12/2021. |
Vào tháng 3/2014, Tổng thống Vladimir Putin ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga. Sự kiện này gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn giữa Nga với phương Tây.
Tình hình giữa Nga và Ukraine trở nên tồi tệ hơn khi Tổng thống Putin điều động hơn 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine từ cuối năm 2021 đến nay. Sau đó, ngày 21/2/2022, ông Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk - 2 vùng ly khai tại miền đông Ukraine. Đồng thời, Nga ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này.
Tổng thống Putin khẳng định Nga “đã làm tất cả để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, trong đó có việc “đấu tranh để thực hiện các thỏa thuận Minsk” nhưng đều vô ích.
Thông báo trên của Tổng thống Putin khiến Mỹ, Đức, Anh, Gruzia, Romania, Áo, Moldova lên tiếng phản đối quyết định của Nga. Trong đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng việc Nga công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbas đã làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao và xâm phạm chủ quyền của Ukraine.
Ukraine trở thành "điểm nóng" thế giới khi vào ngày 24/2 vừa qua, Tổng thống Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, phía đông Ukraine và kêu gọi quân đội Ukraine trong khu vực hạ vũ khí. Ông chủ điện Kremlin cáo buộc Ukraine dàn dựng "cuộc diệt chủng" ở miền đông đất nước cũng như chính sách hung hăng của NATO đối với Nga. Liên quan đến sự việc này, một số chuyên gia lo ngại có thể kéo theo một cuộc chiến lớn đe dọa đến an ninh của cả lục địa già.
Mời độc giả xem video: Thế giới phản ứng trước căng thẳng giữa Nga - Ucraina. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (TH)