Platon Antoniou là nhiếp ảnh gia Tạp chí Time nổi tiếng. Ông là người Anh gốc Hy Lạp. Ông nổi tiếng với nhiều bức ảnh chân dung các nhân vật có "máu mặt" như các nguyên thủ quốc gia, ca sĩ, diễn viên... Trong quá trình tác nghiệp, ông đã gặp một số phụ nữ là nạn nhân hiếp dâm và có những chia sẻ về vấn đề gây nhức nhối dư luận gần đây.
Góc khuất nạn hiếp dâm ở Congo
|
Một trẻ sơ sinh đang được điều trị ở bệnh viên Panzi sau khi bị cưỡng hiếp. |
Năm 2016, nhiếp ảnh gia Antoniou đã có chuyến công tác đến Cộng hòa Congo để ghi nhận cuộc đời của những người là nạn nhân của các vụ hiếp dâm.
Hiếp dâm là một điều thường thấy trong các cuộc xung đột vũ trang. Tuy nhiên, nó đã dần phát triển thành một chiến thuật quân sự được sử dụng liên tục trong nhiều cuộc nội chiến tại Congo.
Theo thống kê, ít nhất hơn 200.000 phụ nữ và trẻ em vô tội bị hiếp dâm trong thời gian 7 năm - khi cuộc Nội chiến Congo lần thứ hai nổ ra. Cuộc chiến này cũng trở thành minh chứng rõ ràng nhất về việc hiếp dâm từng được sử dụng như một công cụ của chiến tranh.
Bệnh viện Panzi nằm ở thành phố Bukavu, tỉnh Sud-Kivu, Congo đã giúp hàng chục nghìn phụ nữ là nạn nhân của các vụ hiếp dâm thoát khỏi nỗi ám ảnh về sự kiện tồi tệ đó.
Nhiếp ảnh gia Antoniou là bạn của bác sĩ phẫu thuật phụ khoa Denis Mukwege công tác tại Bệnh viện Panzi đã đến nơi này để làm một bộ phim tài liệu.
"Tôi nghĩ mình sẽ bị tổn thương khi nghe những câu chuyện đau lòng về nạn nhân hiếp dâm. Thế nhưng, tôi lại tìm thấy sự dũng cảm cùng tinh thần lạc quan hiếm có từ họ", nhiếp ảnh gia Antoniou nói sau khi gặp gỡ và trò chuyện với những nạn nhân vụ hiếp dâm ở bệnh viện Panzi.
Năm 1999, bác sĩ Mukwege thành lập Bệnh viện Panzi dưới hình thức một trung tâm sản – phụ khoa chuyên xử lý những ca sinh khó. Tuy nhiên, bệnh nhân đầu tiên của ông là một phụ nữ bị hiếp dâm bằng bạo lực cực đoan.
"Ban đầu, tôi hy vọng đó chỉ là một trường hợp ngoại lệ. Thế nhưng, tôi nhanh chóng nhận ra đó chính là khởi nguồn của chiến thuật hiếp dâm trong cuộc Nội chiến Congo", bác sĩ Mukwege nói.
Kể từ đó tới nay, bệnh viện trên đã điều trị cho hơn 85.000 nạn nhân hiếp dâm bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và thậm chí là cả trẻ sơ sinh.
"Với tư cách một nhiếp ảnh gia, tôi mong muốn có thể tìm thấy những Martin Luther King, Gandhi, Mandela... của thời đại này, những nhà lãnh đạo mới có thể ghi tên mình trong lịch sử nhân loại...
Và khi chụp ảnh bác sĩ Mukwege, tôi cảm thấy như mình đang chụp ảnh cho Gandhi vào những năm 1930. Điều quan trọng là tôi không chỉ kể lại một câu chuyện đơn thuần mà còn phải nâng cao vị thế của ông ấy hơn nữa cũng như giúp ông trong các trận chiến", nhiếp ảnh gia Antoniou chia sẻ.
Phụ nữ bị hiếp dâm dũng cảm vượt qua "bóng đen" quá khứ
|
Nạn nhân hiếp dâm ở nhiều lứa tuổi khác nhau và có những câu chuyện riêng. |
Nhiếp ảnh gia Antoniou đã dành 10 ngày của tháng 3/2016 với bác sĩ Mukwege và các đồng sự cùng bệnh nhân của ông để ghi lại những câu chuyện mang theo niềm hy vọng và tràn đầy cảm hứng từ họ mặc dù họ đã trải qua sự đau đớn, tổn thương lớn.
"Trước khi đặt chân tới Bệnh viện Panzi, tôi đã nghĩ mình sẽ gặp những người bị tổn thương và thực sự tôi đã nhìn thấy khá nhiều người như vậy. Tuy nhiên, tôi cũng gặp được những con người mạnh mẽ, vượt qua sự tổn thương lớn trên. Những người phụ nữ mà tôi gặp là những người truyền cảm hứng nhất mà tôi từng gặp từ trước đến nay. Tôi tập trung vào sự dũng cảm của họ cũng như quyết tâm vượt qua nghịch cảnh", nhiếp ảnh gia Antoniou nói.
Trong số những phụ nữ từng là nạn nhân của vấn nạn hiếp dâm, nhiếp ảnh gia Antoniou ấn tượng với câu chuyện của một phụ nữ có tên Sandra, 21 tuổi, hiện làm việc tại Trung tâm tái hòa nhập cộng đồng Maison Dorcas. Cô gái trẻ nàu bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS sau khi bị một người hàng xóm hiếp dâm khi 16 tuổi.
Sandra đã hát ca khúc "My Body is Not a Weapon" (Cơ thể tôi không phải là vũ khí) – một ca khúc nằm trong chương trình trị liệu bằng âm nhạc của trung tâm.
"Mỗi khi tôi hát, những ký ức đen tối lại tan biến", Sandra nói.
Cô Sandra cho hay cô cũng là một nhà hoạt động tích cực vì quyền phụ nữ, đồng thời tự sáng tác những bài thơ và ca khúc của riêng mình. Nhiều tác phẩm của cô đã được phát trên sóng phát thanh tại địa phương.
Tạo sự thay đổi trong xã hội
Sau khi nghe câu chuyện về Sandra, nhiếp ảnh gia Antoniou chia sẻ: "Khi tôi chụp ảnh Sandra và tình cờ nghe thấy những câu thơ do cô sáng tác, tôi đã nhận ra cô ấy chính là một nhà lãnh đạo thực sự. Đó là điều mà các nhà lãnh đạo trên thế giới cần phải hiểu. Để lãnh đạo, việc đầu tiên bạn cần nghĩ tới là phục vụ cho lợi ích của người dân chứ không phải là làm điều ngược lại".
Đối với nhiếp ảnh gia Platon, ông không chỉ coi những người phụ nữ là nạn nhân đáng trong các vụ hiếp dâm đơn thuần mà còn tôn vinh họ như một nhà lãnh đạo thực sự.
"Tôi đã chụp ảnh nhiều nhà lãnh đạo thế giới hơn bất cứ người nào. Vì vậy, khi nghe những câu chuyện của những người phụ nữ là nạn nhân trong các vụ hiếp dâm, tôi thấy họ là những nhà lãnh đạo thực thụ. Thật ấu trĩ nếu chỉ coi họ là nạn nhân đơn thuần. Sự thật chắc chắn là họ là nạn nhân vụ hiếp dâm song họ đã dũng cảm để tôi chụp ảnh cũng như dùng chính những câu chuyện của mình để tạo nên sự thay đổi thực tế trong xã hội", nhiếp ảnh gia Platon tâm sự.
Tâm Anh (theo TIME)