Kim Luân Pháp Vương
Trong lần lão cùng 3 cao thủ Mông Cổ vây đánh Quách Tĩnh, dù Kim gia đã từng nói rằng Pháp Vương công lực thâm hậu hơn chàng khờ nhưng khi Tiêu Tương Tử phóng độc sa thiềm từ cây bổng của mình, gã chỉ hít sơ sơ 1 chút mà đã tức ngực nôn nao. Trong khi đó, Quách Tĩnh lại cảm thấy như "chuyện bình thường".
Xét mạnh yếu theo điểm này, sợ rằng lão còn thua cả Tứ Tuyệt, bởi nếu xét về thực lực, Dương Quá hay Quách Tĩnh còn lâu mới hạ gục được Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái.
Gia Luật Tề
Con rể của Quách Tĩnh cũng có tên trong danh sách này. Bằng chứng là so về điểm xuất phát thì Gia Luật Tề hơn hẳn bố vợ của mình, thuở nhỏ đã là đệ tử của Chu Bá Thông, nhờ ngộ tính khá cao và chăm chỉ nên đã có thành tựu đáng kể. Ấy thế là khi được Quách Tĩnh truyền thụ Hàng Long Thập Bát Chưởng thì lĩnh hội chỉ được 14 chiêu, trong khi xét về tu vi nội công và ngộ tính lúc học, Quách Tĩnh chẳng có điểm nào hơn được hiền tế mà chỉ cần 1 tháng để lĩnh hội 15 chiêu.
Phải chăng từ khi kết hợp giữa Hàng Long và Cửu Âm đã làm cho môn võ công trở nên "rối", thế nên người thông minh như Gia Luật Tế mới không thể lĩnh hội?
Hà Túc Đạo
Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo là nhân vật xuất hiện ở đầu Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Chàng ta sinh thời kỳ tài, nổi tiếng với Cầm, Kỳ, Kiếm. Hà Túc Đạo thân thủ phi phàm, 1 mình lẻn vào La Hán Đường để lại bức thiệp mà quỷ không biết thần không hay, chỉ dùng 1 cục đá mà kẻ thành bàn cờ lớn trên nền đá xanh sâu cả tấc khiến Thiên Minh Phương Trượng và Vô Sắc Vô Tướng nhìn thấy cũng phải sợ xanh mặt. Kim Dung mô tả khi y xuất chiêu, tốc độ nhanh đến mức khó có loại kiếm pháp nào bì kịp.
Thế nhưng, cho dù được ban tặng bao nhiêu mỹ từ thì cũng không thể bù đắp đi được nỗi cay đắng khi bại trận của Hà Túc Đạo. Trên đất Thiếu Lâm, Tam Thánh dù dốc hết sức mình cũng chẳng thể hạ nổi Giác Viễn, để rồi bản thân phải nuối tiếc rời đi và bỏ mối tình đang chớm nở với tiểu nữ Quách Tương.
Cầu Thiên Nhẫn
Từ Ân hay còn gọi là Cầu Thiên Nhẫn, võ công cao cường chỉ dưới Ngũ Tuyệt. Công phu Thiết Chưởng của lão so với Nhất Dương Chỉ của Nhất Đăng Đại Sư cũng ngang ngửa, từng lừng danh võ lâm như nhau. Nếu toàn lực thi triển Nhất Dương Chỉ thì Nam Đế có thể thắng công phu Thiết Chưởng một, hai chiêu thức.
Ấy thế mà trong Thần Điêu Hiệp Lữ, Cầu Thiên Nhẫn dùng tuyệt kỹ nổi danh đánh tới 14 chưởng thì Đoàn Chí Hưng mới có tổn thương, chẳng biết do Thiết Chưởng của lão quá kém hay Thần Công Hộ Thể của Nam Đế quá cao.
Tiếp đến, Dương Quá nhảy vào can, hai bên đánh nhau, chẳng ngờ đến trăm chiêu, Cầu Thiên Nhẫn cảm thấy kình lực của đối phương không ngừng gia tăng, dần chống đỡ không nổi. Thế rồi Dương Quá tay cầm trọng kiếm ép cho lão thở không nổi, phải cúi đầu chịu thua. Hơn trăm chiêu mà hạ gục 1 kẻ được Kim Dung nói rằng mạnh ngang ngửa Tứ Tuyệt, vậy là Dương Quá quá giỏi hay Cầu Thiên Nhẫn bị dìm?
Mộ Dung Phục
Đây chắc chắn là nhân vật bị dìm võ công nặng nhất trong truyện Kim Dung. Chàng xuất thân ở Yến Tử Ổ đất Cô Tô, tên tuổi lừng lẫy khắp nơi, được giang hồ đặt cạnh cựu bang chủ với danh xưng Bắc Kiều Phong Nam Mộ Dung, đủ để thấy xuất phát điểm của chàng rực rỡ đến thế nào.
Nếu như Kim Dung tạo ra 1 ánh hào quang tuyệt đẹp khi Mộ Dung bước vào giang hồ thì cũng chính ngài đã dìm Phục xuống tận đáy bùn sâu khi kết thúc. Mộ Dung Phục năm lần bảy lượt tham gia vào các sự kiện võ lâm, từ thế cờ Trân Lung, Linh Thứu Cung, kén phò mã Tây Hạ... nhưng lần nào cũng xôi hỏng bỏng không. Đến cả việc vào Mạn Đà Sơn Trang uy hiếp Đoàn Chính Thuần nhường ngôi cũng chẳng thành.
Kim lão gia dìm anh đến độ, đối đầu với 1 gã tật nguyền như Đoàn Diên Khánh mà Mộ Dung Phục cùng 4 gia nhân hợp lực cũng chẳng thể chiếm thế thượng phong, đã vậy còn để lão đoạt mạng Phong Ba Ác dễ dàng.
Mộ Dung Phục đánh với Đoàn Dự ngu ngơ đang bị che mắt mà hơn trăm chiêu cũng chẳng thể chạm vào cọng lông chân của đối phương. Đoàn Dự chỉ trỏ mấy cái đã ép cho Mộ Dung Phục tránh tả né hữu trông thật thảm hại, phải co giò chạy 1 mạch đi. Thật là cay đắng.
Theo PV/Tổ Quốc