“Tiểu kim khố” là một loại quỹ đen phổ biến tồn tại dưới thời nhà Thanh. Từ quan lại địa phương cho tới hoàng thân quốc thích đều rút lõi quốc khố, “hút máu” bách tính để tích trữ kiểu quỹ đen này.
Dưới thời nhà Thanh, các tiểu kim khố được dự trữ công khai. Quan lại triều đình ngoài mặt cam chịu hưởng số lương bổng ít ỏi để chứng tỏ mình là thanh liêm, nhưng bên trong lại luôn bày ra trăm phương ngàn kế để dự trữ quỹ đen cho mình.
"Tiểu kim khố" là một loại quỹ đen tồn tại phổ biến dưới thời nhà Thanh.
Các quỹ đen này thậm chí lên tới những con số không tưởng. Ngay tới chức quan thấp nhất lúc bấy giờ là tri huyện cũng phải có ít nhất vài nghìn lượng bạc được cất giữ trong “tiểu kim khố”.
Sự tồn tại của các tiểu kim khố đã làm nảy sinh hàng loạt các tệ nạn như tham ô, hối lộ, buôn hàng quốc cấp… Điều này dẫn tới hậu quả tất yếu là bách tính lầm than, nước nhà lụi bại.
Ngân sách của Thanh triều phục vụ thu chi chủ yếu cho hai hệ thống tài chính là triều đình và hoàng thất. Trên thực tế, tài sản của hoàng thất chính là một loại quỹ đen khổng lồ.
Chính sử Thanh triều ghi chép: vào năm Đồng Trị, Bộ Hộ cấp cho phủ Nội Vụ 30 vạn lượng bạc để cống tiến vào “tiểu kim khố” của hoàng thất.
Tới năm 1893 dưới thời vua Quang Tự, con số cống tiến này đã tăng lên gấp ba (110 vạn lượng). Trong đó, “ bộ Hộ dâng cho Phụng Hiếu Khâm hậu (Từ Hy) 18 vạn lượng, Đức Tông Hoàng đế (Quang Tự) 20 vạn lượng”.
“Thanh bại loại sao” có ghi chép: tiểu kim khố của hoàng gia “tồn hơn 1600 vạn lượng bạc”. Nhưng trên thực tế, chỉ tính riêng quỹ đen của Từ Hy Thái hậu cũng đã vượt xa con số này.
Quỹ đen được Từ Hy dùng để cấp dưỡng cho lối sống xa hoa, phung phí của mình.
Theo một số nguồn sử liệu, thì tới cuối thời nhà Thanh, “tiểu kim khố” của Tây Thái hậu “chỉ có 3 vạn lượng”. Tuy nhiên con số “chỉ ba vạn lượng” này lại được tính bằng vàng nguyên khối.
“Dị từ lục” từng khẳng định: “Thái hậu tích trữ tới ba chục triệu lượng bạc”. Tác giả cuốn sách cũng từng đề cập tới nơi cất giấu quỹ đen của Từ Hy: “một nửa ở Nam Uyển, một nửa trong đại nội.”
Hứa Chỉ Khiêm trong “Thập diệp dã văn” thậm chí đã phải dùng tới “con số thiên văn” để miêu tả về khối tài sản đồ sộ của vị Thái hậu này: “Từ Hy tự tích trữ, trước sau đều không có sổ sách ghi lại cụ thể, nhưng ước chừng có thể lên tới con số 200 triệu lượng bạc.”
Quỹ đen của Từ Hy phải dùng tới "con số thiên văn" để hình dung.
Tuy nhiên khi liên minh tám nước đánh vào Bắc Kinh, Từ Hy vì bảo toàn mạng sống đã “bỏ của chạy lấy người”, căn bản không để ý tới quỹ đen bạc tỷ của mình.
Khi ấy, quan đại thần trấn giữ nội vụ đã đàm phán cùng quân Nhật Bản để trông coi nghiêm ngặt số bạc của Thái hậu.
Sau ngày “Hiệp ước Tân Sửu” được ký kết, Từ Hy cùng Quang Tự quay về Bắc Kinh, người này đã được phong làm “Lại bộ Thượng thư kiêm Đô thống” nhờ có công bảo vệ quỹ đen cho Thái hậu.
Vậy nhưng số tài sản bạc tỷ của Tây Thái hậu về sau vẫn “không cánh mà bay”. Có hai giả thiết giải thích cho sự biến mất của số bạc trắng khổng lồ ấy.
Giả thiết thứ nhất cho rằng: liên quân Nhật Bản vì biết được vị trí của kho báu này, sau đó đã lên kế hoạch hòng chiếm đoạt từ tay Thanh triều.
Giả thiết thứ hai lại khẳng định, số tiền này bị trộm bởi thuộc hạ của Lý Liên Anh – thái giám tâm phúc bên cạnh Từ Hy.
Cho tới mãi về sau, hậu thế vẫn luôn đi tìm câu trả lời về gốc tích của kho báu khổng lồ.
Sau này, Thái hậu Long Dụ (mẫu thân của Hoàng đế Phổ Nghi) cũng học theo Từ Hy tích trữ “tiểu kim khố”. Dù không thể so sánh với số bạc nghìn tỷ của Tây Thái hậu, nhưng “quỹ đen” của Long Dụ cũng lên tới con số 9600 vạn lượng.
Rút kinh nghiệm từ sự “bốc hơi” của kho báu trong tay Từ Hy, vị Thái hậu kế nhiệm này đã lên kế hoạch đầu tư rất thông minh cho quỹ đen của mình bằng cách gửi ngân hàng ngoại quốc để lấy lãi.
Theo Trần Quỳnh/Trí thức trẻ - Báo Tổ quốc