Cú “va đập” để đời
Tôi hẹn gặp nhà văn Vũ Hoàng Hoa vào một chiều thu đã tắt nắng, sơ mi trắng giản dị và nụ cười thoảng nhẹ trên môi. Câu chuyện mở đầu bằng hoài niệm về những người thân yêu gắn bó máu thịt suốt cuộc đời chị.
|
Nhà văn Vũ Hoàng Hoa. |
“Tôi là con gái thứ hai của NSƯT Nguyễn Kim Thư - nữ nghệ sĩ thuộc khóa đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ngày bé, tôi thường theo bà đến nhà hát chơi, nhờ được đắm mình trong môi trường luyện tập của mẹ (từ học lời, đến tập diễn) nên chất kịch như ngấm sâu vào trong tôi.
Bố tôi là nhà khoa học từng đi học Liên Xô hơn chục năm, ông là con trai cả của nhà văn Vũ Ngọc Phan, mẹ là nữ sĩ Hằng Phương. Ông bà nội của tôi là những văn nghệ sĩ tài danh mà mãi sau này khi lớn lên tôi mới hiểu thêm về tài năng và sự đóng góp của họ với nền nghệ thuật nước nhà. Khi về Việt Nam, bố tôi làm nghiên cứu hóa học trong quân đội.
Ngày trước, ông giống như một “đồng minh” của tôi vậy vì không phải lúc nào mẹ cũng cho tôi đi cùng đến nhà hát. Cuối tuần ở nhà với bố, ông viết những công thức hóa học phức tạp rồi dựng bàn, dựng tủ, thậm chí đổ nước ra sàn để cho tôi được diễn kịch. Sau khi ông mất trong vụ tai nạn máy bay khi làm nhiệm vụ năm tôi 9 tuổi, niềm đam mê với kịch trong tôi phần nào đã lắng xuống”.
Kể đến đây, chị nghẹn ngào thấm dòng nước mắt tuôn rơi, đôi mắt hồ thu rờm rợp nỗi buồn giấu kín nay được dịp buông xả. Sự ra đi đột ngột của người chồng là cú sốc quá lớn với mẹ chị khi phải rời bỏ sân khấu, bươn chải đủ nghề nuôi hai cô con gái trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Nó cũng bóp nghẹt những ước mơ nghệ thuật mới nhen nhóm trong trái tim đa cảm, mong manh của Vũ Hoàng Hoa.
“Mãi đến năm 13 tuổi, khi sinh hoạt văn nghệ trong trường, tôi mới quay lại viết kịch cho các bạn diễn. Lúc chuẩn bị thi đại học, mẹ không đồng tình cho tôi theo học nghệ thuật. Bà khuyên học ngoại ngữ để kiếm công việc ổn định. Đến năm 1986, đất nước bắt đầu đổi mới, thế hệ chúng tôi phải đối diện với hiện thực xã hội xoay dòng nên hiếm ai dành trọn tâm trí cho văn chương”, chị nhớ lại.
May mắn khi đó, Vũ Hoàng Hoa gặp và kết duyên với một kiến trúc sư người Pháp, anh luôn động viên chị theo đuổi những ước mơ dang dở thời con gái. Sang quê chồng, chị học miệt mài từ tiếng Pháp đến triết học Trung Hoa và có cơ hội gặp gỡ nhà văn Pháp Patrick Austréaux, người đã khơi dậy tinh thần ham học, viết lách trong chị và trở thành bạn tri kỷ của Hoàng Hoa.
Khi học biên kịch ở khoa Sân khấu và Biểu diễn, Đại học UNSW, Sydney, chị lại có cơ duyên được bà Clare Grant giảng dạy. Bà là một trong những người sáng lập ra nhóm kịch đương đại mang tên Sydney Front, hoạt động sôi nổi vào những năm 80 và đi vào lịch sử kịch nghệ của Úc như nhóm kịch tiên phong với sự cách tân mạnh mẽ.
“Trước đó, tôi được học về lý luận phê bình nghệ thuật, tuy nhiên đó chỉ là những nhận xét, đánh giá về sản phẩm của người khác, không thể hiện được bản ngã trong tôi. Đến khi được ‘va’ vào thế giới kịch, tôi mới thực sự cảm thấy hạnh phúc, nguồn cảm hứng từ đâu cứ thế chảy đến, giúp tôi tiếp thu dễ dàng hơn, giống như cá gặp được nước tha hồ vẫy vùng. Thủa mới chắp bút, do thiếu sót kỹ năng viết kịch nên tôi quyết định theo học các bộ môn về sân khấu, học cả đạo diễn ở trường NIDA (Viện Nghệ thuật Sân khấu Quốc gia Úc).
Trả lời câu hỏi: “Cùng thuộc lĩnh vực nghệ thuật, nhưng từ ngòi bút đến với sân khấu kịch vẫn là một chặng đường dài. Khi bước sang địa hạt mới, chị có khó khăn và thuận lợi nào?”, nữ nhà văn cho biết: “Tư duy viết truyện và tư duy sân khấu vốn rất khác nhau, đây chính là thử thách lớn nhất dành cho tôi. Khác với viết tiểu thuyết thường phải giải thích, kể chuyện cho độc giả tự hình dung, kịch sẽ đi kèm với các hành động, sự mâu thuẫn, xung đột, tương tác trực tiếp.
Khi viết truyện, chỉ cần có ý tưởng, chịu khó gọt giũa ngôn từ và dẫn dụ độc giả theo hướng phát triển của nhân vật… Nhưng biểu diễn kịch cần cô đọng hơn thế, do có sự giao cảm trực tiếp với công chúng, không cắt ghép, không kỹ xảo. Chúng tôi phải chọn lọc những hình ảnh, hành động hoặc câu thoại có thể chạm đến cảm xúc của khán giả, giúp họ như đang được ‘sống’ trong thế giới của nhân vật. Vì vậy, tôi phải tập trung trau dồi kiến thức để cố gắng đem lại sự kịch tính cho tác phẩm”.
|
Nữ nhà văn rưng rưng kể câu chuyện cuộc đời. |
Sân chơi của những điều ẩn mật
Nữ nhà văn chia sẻ: “Tôi bắt đầu viết Bóng rối từ năm 2019 và hoàn thành năm 2021. Có vẻ như đây là một vở kịch rất riêng tư, nhưng lại hé mở nhiều điều: có những ẩn mật mà chúng ta giấu kín trong lòng, những khao khát thầm kín mỗi người không dám thể hiện và chạm tới. Viết với tôi giống như liều thuốc chữa lành và kịch giống ‘sân chơi của những điều ẩn mật’ cho phép góc tăm tối của tâm hồn dần trở thành trong suốt.
Dù hoàn thiện nội dung nhưng tôi cũng chưa thể hình dung cách dựng sao cho sống động, nên chỉ dừng lại ở kịch bản văn học. Sau này, nhờ sức sáng tạo của NSƯT Tạ Tuấn Minh, con chữ dần được thành hình. Ê-kíp của tôi may mắn quy tụ những tài năng trẻ, chỉ cần đọc kịch bản các bạn biết phải làm gì. Giống như khi ta nấu một bữa ăn, vẫn những nguyên liệu như thế nhưng để thành một món hợp khẩu vị nhiều người đòi hỏi tính sáng tạo, công sức của một tập thể”.
Vũ Hoàng Hoa kể về chặng hành trình thăng trầm đưa Bóng rối về sân khấu quê hương: “Ban đầu, tôi gửi kịch bản cho một số người, trong đó có cả bạn bè thân thiết nhưng họ chỉ lắc đầu bảo rằng ở Việt Nam chẳng ai xem những vở kịch dạng này và khuyên tôi mang về Úc vì sợ không có khán giả.
Thế rồi, duyên lành tôi gặp đạo diễn Tạ Tuấn Minh, người thấu hiểu vở kịch, luôn vững vàng bảo vệ Bóng rối ngay cả khi tôi bị chao đảo và mất lòng tin. Tôi cũng tri ân tới đạo diễn, nhà thiết kế sân khấu Hà Nguyên Long đã chung tay góp sức với ê-kíp cho ra đời phiên bản Bóng rối đầu tiên.
Nhờ có họ tôi quyết định không sửa kịch bản để chiều theo thị hiếu đám đông, thử dũng cảm một lần hướng tới trái tim người xem. Nếu chính mình không dám tự đặt viên gạch đầu tiên vì lo sợ chất liệu khác biệt làm sao mọi thứ được bắt đầu?
Đặc biệt nhờ tình yêu vô bờ bến của mẹ Thư và sự ủng hộ của gia đình chồng nên tôi mới có được ngày hôm nay. Tôi mong với đội ngũ sáng tạo đầy tâm huyết và sự hỗ trợ của Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc sẽ đưa Bóng rối cập bến bờ nghệ thuật”.
“Niềm mong ước bấy lâu của tôi là vở kịch mình viết ra được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng và công diễn sắp thành sự thật. Nhà hát mà mẹ tôi yêu đến mức khi về hưu vẫn luôn trở về, nay là mái ấm che chở đứa con tinh thần của tôi”, nữ nhà văn trải lòng.
|
Nhà văn Vũ Hoàng Hoa và mẹ chị - NSƯT Nguyễn Kim Thư. |
Nhà văn Vũ Hoàng Hoa
Nhà văn Vũ Hoàng Hoa sinh năm 1970, hiện sống tại Úc. Năm 2006 chị viết tiểu thuyết Thảo - Những hạt cát đời giống như một cuốn tự truyện về tuổi trẻ đầy sóng gió và bi kịch gia đình. Cuốn thứ hai tựa đề Thạch anh vàng kể lại cuộc đời của mẹ chị - NSƯT Nguyễn Kim Thư khắc họa chân dung những người đàn bà làm nghệ thuật đích thực trong thời kỳ đất nước đổi mới.
Thử sức sáng tạo mới mẻ ở mảng sân khấu, Vũ Hoàng Hoa mang về Việt Nam vở kịch Bóng rối được thể hiện qua tạo hình bởi cơ thể diễn viên, những con rối đầy ám ảnh và trò chơi kỳ ảo của âm thanh. Thông điệp chính của vở kịch được truyền tải qua những hình ảnh và biểu tượng, là một thiền định sâu sắc về nỗi đau gia đình với một sân khấu xen kẽ ảo mộng rất linh động và nên thơ. Vở diễn do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng, dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 10.
Tháng 5/2023, Bóng rối đã lọt vào danh sách 5 vở được đề cử Giải thưởng Patrick White của Nhà hát Sydney, một trong những giải thưởng quan trọng nhất của sân khấu Úc và danh sách 25 vở kịch hấp dẫn nhất trong số 144 vở tham gia Giải thưởng Kịch bản mới của Nhà hát Griffin.
Theo Linh Đan-Anh Nguyễn/Vietnamnet