|
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Ảnh: TL |
Sau hai tuần điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Quân y 175, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã qua đời vào chiều 10/9 (nhằm mùng 4 tháng 8 năm Tân Sửu), thọ 66 tuổi.
Trên trang cá nhân, nhà văn Lê Thành Nghị thông tin: "Rất đau buồn báo tin với các bạn, bác sỹ bệnh viện 175 vừa thông báo với nhà văn Đào Văn Sử rằng nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã qua đời lúc 13g50 hôm nay 10/9/2021.
Vô cùng thương tiếc nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Bao nhiêu năm vào sinh ra tử tại chiến trường CPC không hề hấn gì, vậy mà Trung đã không chống đỡ được kẻ thù vô hình COVID!".
Nhà văn, đại tá Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956, quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Bút danh: Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Tình Nguyện, Nguyễn Anh Đường.
Ông công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1989 cho đến khi nghỉ hưu tại TP.HCM
Tác phẩm đầu tay là truyện ngắn Những tia chớp phía chân trời” viết về những người lính ở biên giới Tây Nam.
Giải thưởng:
Giải nhất báo Sài Gòn Giải Phóng cho truyện ngắn Những tia chớp phía chân trời.
Giải thưởng Văn học sông Mekong với hai tiểu thuyết Người đàn bà khóc mướn và tiểu thuyết Đất không đổi màu.
Ngoài ra, ông còn đoạt nhiều giải thưởng khác của các báo, đài cho các tập truyện ngắn, bút ký của mình như: Người đàn bà hồn nhiên, Đêm trừ tịch, Trong tiết Thanh minh, Người đến từ nước Mỹ.
Có một số truyện của ông được dựng thành phim như: Đêm trừ tịch, Dời nhà lên phố (đoạt giải truyện ngắn hay của báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam).
Nhà văn Lê Thành Chơn
|
Nhà văn Lê Thành Chơn. Ảnh: TL |
Nhà văn Lê Thành Chơn qua đời do tuổi cao sức yếu chiều 10/9 (nhằm mùng 4 tháng 8 năm Tân Sửu), thọ 84 tuổi.
Trên trang cá nhân, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM thông tin: "Tin buồn nối tiếp tin buồn. Nhà văn Trầm Hương vừa cho tôi biết, nhà văn Lê Thành Chơn, sinh năm 1938 xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, là một cựu Thiếu tá quân đội và là một doanh nhân, đã trút hơi thở cuối vào lúc 1 giờ chiều nay, ngày 10 tháng 9 năm 2021. Nhà văn mất vì tuổi cao và bệnh.
Lê Thành Chơn được biết nhiều nhất với tư cách là một sĩ quan dẫn đường của Không quân Nhân dân Việt Nam và với tư cách nhà văn, ông viết nhiều, viết khỏe với nhiều quyển tiểu thuyết nhiều tập về đề tài không quân Việt Nam.
Xin vĩnh biệt Lê Thành Chơn, một nhà văn với sở trường viết về người lính không quân và là một người lúc còn làm giám đốc một đơn vị kinh tế của thành phố, với lòng nhân và tính cách hào hiệp đã tạo điều kiện và giúp không ít bè bạn về kinh tế, trong đó có những đồng nghiệp nhà văn…".
Nhà văn Lê Thành Chơnsinh ngày 23 tháng 3 năm 1938 tại xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nguyên quán ở Bình Định. Ông là cựu Thiếu tá Quân đội, một doanh nhân và một nhà văn Việt Nam.
Ông được biết nhiều nhất với tư cách là một sĩ quan dẫn đường của Không quân Nhân dân Việt Nam và với các tác phẩm văn học về đề tài không quân Việt Nam.
Nhà văn Lê Thành Chơn bút danh Lê Thanh Tông, Thành Ngọc, Lê Nam. Ông đã xuất bản hơn 8 tập ký, 6 tập tiểu thuyết, 3 kịch bản phim truyện. Các tác phẩm của ông chủ yếu về đề tài không quân và ông là một trong 3 nhà văn (Hữu Mai và Hà Bình Nhưỡng đều là Đại tá đã qua đời) là sĩ quan không quân hay viết về đề tài không quân.
Ông bắt đầu viết văn từ năm 1990 với tiểu thuyết Đọ cánh. Sau đó là hàng loạt tác phẩm: Anh hùng trên chín tầng mây (1994); Như muôn vàn người lính (1996); Người anh hùng chưa được tuyên dương (1998); Canh năm (2000)...
Giải thưởng:
Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tập ký Anh hùng trên chín từng mây (1996).
Giải thưởng cuộc thi viết tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức 1998-2000 với tiểu thuyết Bản án tản thất quân dụng.
Giải thưởng cuộc thi viết tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 1998-2000 với tiểu thuyết Canh năm.
Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi viết phóng sự ký sự báo Sài Gòn Giải Phóng (2005).