Sử gia Paul Hoser tiết lộ Hitler đã sống tại số nhà 41 Thierschstrasse, quận Lehel, thành phố Munich từ năm 1920 tới năm 1929, trong đó có một năm gián đoạn vì ông ta bị giam cầm trong nhà tù Landsberg sau khi tổ chức cuộc đảo chính thất bại tại Bavaria.
|
Trùm phát xít Hitler (Ảnh: Volkundvaterland)
|
|
Viết trên tạp chí VfZ, ông Hoser cho biết ngôi nhà này do thương nhân Hugo Erlanger mua vào năm 1921.
Theo nghiên cứu, Hitler đã đối xử với chủ nhà người Do Thái của mình "rất lịch sự" bất chấp chủ nghĩa chống Do Thái mạnh mẽ.
Hoser, người viết một cuốn sách mới mang tựa đề "Thierschstrasse 41: the Lodger Hitler, His Jewish Landlord and a Restitution Problem", cũng đã tiết lộ về việc chủ nhà Erlanger nghĩ gì về Hitler.
"Tôi thường gặp ông ta ở cầu thang hoặc lối ra vào - hầu hết thời gian ông ấy đều viết thứ gì đó vào một cuốn sổ - và ông ấy khá thân thiện, nói một vài từ vô thưởng vô phạt với tôi", sử gia Hoser dẫn lời Erlanger.
"Ông ấy không bao giờ mang tới cho tôi cảm giác ông ấy coi tôi khác biệt so với những người khác".
Erlanger là một cựu chiến binh và kinh doanh một quầy thuốc ở tầng một của ngôi nhà. Chính tại nơi này, Hitler đã cùng với những kẻ cuồng tín khác lên kế hoạch lật đổ nền cộng hòa Weimar vào năm 1923.
Hoser cho biết căn phòng mà Hitler thuê nhanh chóng trở thành một "ổ Đức Quốc xã". Một vị khách thường xuyên tới là Philipp Bouhler, được Hitler bổ nhiệm làm giám đốc chương trình tiêu diệt những người ốm đau và tàn tật vào năm 1939.
Một nhân vật khác là Wilhelm Frick, người sau đó đã trở thành Bộ trưởng Nội vụ và bị treo cổ tại Nuremberg vào năm 1946 vì các tội ác chống lại loài người.
Tuy nhiên, Erlanger đã làm ngơ trước những vị khách của Hitler.
"Vì tôi là một người Do Thái, tôi cố gắng không chú ý tới các hoạt động của khách thuê trọ và những người Đức Quốc xã. Nhưng ông ấy rất lịch sự với tôi", Erlanger kể lại.
Năm 1934, Erlanger đã mất đi ngôi nhà của mình theo luật tước bất động sản của người Do Thái dưới chế độ phát xít. Và Hilter bắt đầu che đậy sự thật là ông ta đã từng sống chung dưới một mái nhà với một người Do Thái.
Erlanger bị tạm giam tại trại tập trung Dachau vào năm 1938, sau đó đã buộc phải lao động cải tạo tại Bavaria. Vì kết hôn với một người không phải người Do Thái, ông đã bỏ trốn và sống sót trong vụ tàn sát Holocaust. Erlanger đã được trả lại nhà vào năm 1949 sau khi chiến tranh kết thúc.
Theo Sầm Hoa/Vietnamnet