Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN) cho biết, GS.VS Châu Văn Minh được trao tặng Huân chương bởi những đóng góp của ông trong việc thúc đẩy việc phát triển hợp tác, đào tạo và chuyển giao một số công nghệ mũi nhọn của thế kỷ 21 giữa các đơn vị nghiên cứu quốc gia Pháp và các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch của GS.VS Châu Văn Minh, Viện Hàn lâm KHCNVN và các đối tác Pháp đã triển khai gần 200 dự án hợp tác, đào tạo hàng trăm Tiến sỹ, thạc sỹ, trong đó nhiều người hiện đã là Giáo sư, Phó Giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành, Lãnh đạo các đơn vị trong Viện Hàn lâm KHCNVN.
GS.VS Châu Văn Minh cũng tích cực đàm phán, xây dựng lộ trình hợp tác với các đối tác Pháp để triển khai có hiệu quả hai dự án quốc gia do Chính phủ Pháp hỗ trợ Việt Nam gần đây là dự án Vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam VNRED-Sat1 và dự án xây dựng và phát triển Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hay Đại học Việt - Pháp), góp phần đào tạo một thế hệ trẻ các nhà khoa học có năng lực nghiên cứu tiệm cận thế giới, viết tiếp những trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Viện Hàn lâm KHCNVN với các đối tác Pháp nói riêng và giữa hai đất nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp nói chung.
|
GS.VS Châu Văn Minh phát biểu tại lễ trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Ảnh: Viện Hàn lâm KHCNVN cung cấp.
|
Chia sẻ tại buổi lễ trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, GS.VS Châu Văn Minh cho biết đây không chỉ là vinh dự to lớn, phần thưởng cao quý đối với cá nhân ông mà là sự ghi nhận những đóng góp của các thế hệ Viện Hàn lâm KHCNVN trong việc thúc đẩy những hoạt động hợp tác lâu dài và bền vững với nhiều tổ chức nghiên cứu và giáo dục đại học tại Pháp, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác chiến lược Việt - Pháp.
Nhân dịp này GS gửi lời cảm ơn tới Nhà nước và nhân dân Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các đại sứ Pháp tại Việt Nam trong những nhiệm kỳ gần đây và Đại sứ Nicolas Warnery đã thay mặt Nhà nước Pháp trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh.
GS.VS Châu Văn Minh cũng cảm ơn các đối tác Pháp đã ủng hộ, hỗ trợ, phối hợp với cá nhân ông và Viện Hàn lâm KHCNVN trong thời gian qua, đặc biệt cảm ơn các thế hệ Lãnh đạo, các nhà khoa học, cán bộ tại Viện Hàn lâm KHCNVN qua các thời kỳ đã góp phần tạo nên mối quan hệ hợp tác hiệu quả và lâu dài này.
Mối quan hệ hợp tác chiến lược của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCNVN) cùng các đối tác chiến lược từ Cộng hòa Pháp đã kéo dài hơn 40 năm qua. Hai bên cùng nhau xây dựng chặng đường hợp tác và phát triển bền vững, từ khoa học cơ bản đến khoa học ứng dụng và công nghệ cao.
Quá trình hợp tác về khoa học được bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ 20, trong đó có khai thác chức năng của hệ thống các Viện nghiên cứu do Pháp xây dựng tại Việt Nam như Viện Hải dương học.
Năm 1983, Chính phủ Pháp cho phép Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) ký kết văn kiện hợp tác với Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHCVN). Đây là văn kiện mang tính lịch sử về quan hệ hợp tác khoa học giữa hai nước. Thành công này cũng tạo đà cho nhiều đối tác từ Cộng hòa Pháp xây dựng và phát triển hàng loạt chương trình hợp tác sâu rộng với Việt Nam. Ban đầu, việc trao đổi học thuật tập trung vào các ngành khoa học cơ bản, thông qua các lớp học chuyên đề Việt - Pháp, các se-mi-nar khoa học, với giảng viên là những chuyên gia hàng đầu đến từ Cộng hòa Pháp. Hình thành những nhóm nghiên cứu chung do các nhà khoa học Pháp dẫn dắt, để đào tạo và gây dựng tiềm năng cho đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam.
Cho đến nay, hình thức hợp tác giữa hai bên ngày càng đa dạng, từ đề án trao đổi các nhà khoa học, chương trình hợp tác quốc tế, đến việc xây dựng các phòng thí nghiệm liên kết quốc tế, và gây dựng các nhóm nghiên cứu quốc tế.
Những nội dung hợp tác chân tình, hiệu quả đã góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc ở nước ta, như tài nguyên, môi trường... Nhiều lĩnh vực hợp tác mới với trình độ công nghệ cao đã phát triển mạnh mẽ, đầy hứa hẹn, như nghiên cứu vật liệu na-no thân thiện với môi trường, vật liệu thông minh dùng trong y học; công nghệ chế tạo vắc-xin thế hệ mới, đặc biệt là phát triển công nghệ tách chiết các loại thuốc phòng và chữa bệnh từ nguồn dược liệu quý của Việt Nam.
Theo Nguyễn Hoài / Tiền Phong