Càn Long là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng của nhà Thanh. Càn Long không chỉ là một vị hoàng đế tài giỏi có tài cai trị đất nước hưng thịnh, vững mạnh, mà còn có hậu cung lớn với nhiều phi tần xinh đẹp.
Hậu cung của Càn Long có vô số các phi tần với xuất thân từ nhiều dòng tộc cao quý khác nhau. Trong số các phi tần thì người được Càn Long sủng ái bậc nhất đó chính là Lệnh phi. Bà được sủng ái đến mức vừa sinh xong đã được sủng hạnh. Nhưng 100 năm sau khi Lệnh phi qua đời, hậu thế khai quật mộ thì nguyên nhân cái chết của bà mới được phát hiện.
Càn Long luôn đặc biệt sủng ái Lệnh phi
Đã có rất nhiều những bộ phim đã xây dựng bối cảnh lịch sử nhà Thanh và phác họa lại về hậu cung của hoàng đế Càn Long như "Hoàn Châu Cách Cách", "Hậu Cung Như Ý truyện" hay "Diên Hi Công Lược"... Những bộ phim đã khắc họa cho chúng ta thấy những góc nhìn về cuộc sống của hậu cung hoàng đế thời phong kiến. Trong đó, các tuyến nhân vật cũng đã được xây dựng dựa trên nguyên tác lịch sử.
Lệnh phi tuy có xuất thân là một cung nữ bình thường nhưng bà lại nổi bật trong hậu cung rộng lớn và thu hút được sự chú ý của hoàng đế. Lệnh phi là một người phụ nữ thông minh, nhạy bén và luôn biết chiều theo ý thích của hoàng đế. Bà không bao giờ khiến Càn Long thấy chán và luôn giúp vị hoàng đế này cảm thấy vui vẻ khi bên cạnh.
Lệnh phi xuất thân là người Hán, vì thân phận thấp nên không thể làm hoàng hậu. Nhưng hoàng đế cũng không quan tâm đến thân phận của bà. Cũng có thể là vì mẹ ruột của Càn Long cũng là người Hán, cho nên Càn Long luôn quan tâm chăm sóc đặc biệt cho Lệnh phi.
Mặc dù ban đầu bà chỉ xuất thân từ một cung nữ nhỏ bé nhưng lại có thể đạt được chức vị Hoàng Quý phi. Từ đó có thể thấy được sự thu hút của Lệnh phi đối với Càn Long đặc biệt ra sao. Nhất là khi trong hậu cung rộng lớn có hàng ngàn phi tần tài sắc vẹn toàn thì việc giữ được sự sủng ái của hoàng đế không phải là chuyện đơn giản.
Đồng nghĩa với việc nhận được sự sủng ái của Càn Long thì Lệnh phi là một trong những phi tần sinh con nhiều nhất hậu cung. Bà biết được rằng, sinh được nhiều con sẽ khiến cho hoàng đế càng quan tâm, vị trí của bà trong hậu cung sẽ vững chắc hơn. Vì vậy, Lệnh phi bất chấp khi vừa sinh xong không lâu cũng đồng ý hầu hạ hoàng đế. Đây cũng là điều khiến cho rất nhiều những phi tần khác trong hậu cung luôn cảm thấy ghen tị với Lệnh phi, bởi vì hoàng đế luôn dành sự ưu ái cho bà.
Nguyên nhân cái chết của Lệnh phi sau 100 năm
Thế nhưng được sủng ái đặc biệt cũng là một trong những nguyên nhân gây ra cái chết của Lệnh phi. 100 năm sau khi qua đời, người ta khai quật mộ của Lệnh phi và phát hiện ra nguyên nhân cái chết của bà cũng xuất phát bởi việc được Càn Long sủng ái đặc biệt. Lệnh phi vì sinh con nên đã không quan tâm tới sức khỏe của bản thân.
Các chuyên gia nghiên cứu thi thể của bà đã phát hiện có rất nhiều độc tố. Những độc tố này được chỉ ra là "Chu sa", tên gọi dành cho loại khoáng vật cinnabarit của thủy ngân sẵn có trong tự nhiên, có màu đỏ. Chu sa trong Y học Trung Quốc, có tác dụng trị bệnh mất ngủ.
Có thể thấy được rằng trước khi qua đời, Lệnh phi đã thường xuyên mất ngủ, vì thế bà đã sử dụng chu sa để giảm các triệu chứng mất ngủ. Tuy nhiên, mọi loại thuốc thì đều có tác dụng phụ của nó. Dùng chu sa lâu ngày đã tích tụ và tạo thành chất độc trong cơ thể.
Có thể nói rằng, cuộc sống của các phi tần trong hậu cung thời xưa không hề đơn giản. Nếu tiến cung mà không được hoàng đế sủng ái thì cuộc sống sẽ muôn phần khổ cực, thê lương. Nhưng được hoàng đế sủng ái đặc biệt cũng đâu phải là điều hoàn toàn sung sướng.
Theo Nguyễn Lành/Tổ Quốc