Thương tiếc người thầy giáo tài năng, mẫu mực
Nhà giáo Ưu tú. GS.TSKH. Nguyễn Xuân Hãn, sinh năm 1948 trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở Liên Bạt , Ứng Hòa, Hà Tây (cũ).
Ngay từ thời niên thiếu, GS.TSKH. Nguyễn Xuân Hãn là một học sinh có năng khiếu đặc biệt về môn Vật lý-Toán và có ước mơ sau này trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này.
|
Nhà giáo Ưu tú. GS.TSKH. Nguyễn Xuân Hãn. Ảnh: VNU. |
Gia đình vất vả, đông anh chị em, nên từ nhỏ, ông đã phải vừa học vừa làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ lấy củi, vắt bún…
Năm 1967, ông được Nhà nước cử đi học Đại học ở Trường Đại học Tổng hợp Minsk-Liên xô (cũ).
“Gia đình tôi khá vất vả, đông anh chị em. Những năm tháng đó, được cử đi học nước ngoài vừa là niềm vui, hạnh phúc, nhưng cũng là một gánh nặng, áp lực khi mà biết bao nhiêu bạn bè của mình ở nhà đang ra chiến trường, chiến đấu giành độc lập cho đất nước. Chính vì vậy, tôi và những du học sinh lúc bấy giờ đều tập trung toàn bộ tâm trí cho học tập để phục vụ Tổ quốc, cố gắng xứng đáng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và những hy sinh của bạn bè ở nhà”, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn chia sẻ.
Với sự nỗ lực hết mình trong học tập, ông học 1 năm 2 lớp, chỉ sau hơn 2 năm, ông đã hoàn thành toàn bộ chương trình 5 năm của trường. Sau đó, ông chuyển lên Viện Liên hợp hạt nhân Dubna nghiên cứu, thực tập ĐH, được học ở ngôi trường danh tiếng nhất Liên Xô là Đại học MGU.
Năm 1971, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn tốt nghiệp đại học loại xuất sắc. Cùng với thành tích nghiên cứu khoa học, ông được Trường giữ lại làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh.
Năm 1977, ông trở về nước, công tác một thời gian ngắn Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, giúp việc cho Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Sau đó, ông về làm Giảng viên ở Khoa Vật lý, Trường ĐH Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Năm 1988, ông trở lại Viện Liên hợp hạt nhân Dubna, bảo vệ thành công luận văn TSKH về lĩnh vực chuyên sâu của vật lý lý thuyết: Lượng tử hóa Trường chuẩn - đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp khoa học. Thời điểm này, ông đã có 65 công bố khoa học, trong đó chủ yếu đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín. Những công trình của ông sau này về lĩnh vực hấp dẫn lượng tử - tiếp tục gây được tiếng vang, được đồng nghiệp nể phục.
Trong thời gian công tác , ông từng giữ nhiều trọng trách. Ông là Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý lý thuyết và tham gia nhóm nghiên cứu mạnh về vật lý lý thuyết của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 1996 dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông tham gia sáng lập Hội Khuyến học VN (năm 1996). Ông được giao nhiệm vụ tổ chức các hội thảo quốc gia về giáo dục, góp phần xây dựng và triển khai nghị quyết TƯ2. Hội thảo đã giải quyết những vấn đề nổi cộm trong giáo dục, giúp thông tin để Quốc hội thông qua Luật Giáo dục 1998.
Năm 1998, ông được Thủ tướng Võ Văn Kiệt bổ nhiệm là Ủy viên Hội đồng QG Giáo dục (năm 1998). Từ đây, ông tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục nước nhà, đặc biệt là những phản biện về giáo dục rất sắc sảo, sâu sắc. Ông có thêm một biệt danh mới – người phản biện ngành giáo dục đào tạo.
Đối với Hội Vật lý Việt Nam, ông có nhiều đóng góp cho Hội. Nhiều năm ông tham gia BCH TƯ Hội , nguyên Phó Chủ tịch Hội , nguyên Tổng biên tập Tạp chí Vật lý ngày nay.
Ở cương vị một người thầy, ông tận tâm với học trò, có công đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh vật lý xuất sắc của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội.
Ông cũng tham gia viết nhiều sách, giáo trình có giá trị như cuốn Lý thuyết trường lượng tử , Cơ học lượng tử…
“Toàn thể chúng ta đau buồn thương tiếc vĩnh biệt Nhà giáo Ưu tú, GS.TSKH. Nguyễn Xuân Hãn – một nhà Vật lý tài năng, một người thầy giáo mẫu mực góp phần đào tạo bao thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên”, GS.TS Nguyễn Quang Báu, Trưởng Bộ môn Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – cũng đồng thời là người bạn thân thiết của GS Nguyễn Xuân Hãn bày tỏ nỗi đau buồn.
Gần trọn đời đau đáu về giáo dục nước nhà
Cầu thang hẹp và tối, căn phòng với những giá sách, hồ sơ đầy ắp, tưởng như lộn xộn nhưng lại được đánh “số” cẩn thận (khi cần tài liệu gì là lập tức có ngay), chiếc máy tính cũ, chiếc đèn bàn hắt một vùng sáng nhỏ…
|
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn. Ảnh: Mai Loan. |
Mỗi khi nhớ về GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, tôi lại hình dung ra căn phòng đó. Một không gian có gì đó “cũ kỹ”, “cổ điển”, như tách biệt với thế giới ồn ã của Hà Nội bên ngoài. Ở đó, có vị Giáo sư vẫn miệt mài làm việc. Thi thoảng ông chau mày, có lúc lại cười thật tươi.
Ở đó, tôi đã được nghe ông kể câu chuyện về cuộc đời ông, từ những ngày đi học đầy vất vả khó khăn, những thăng trầm cuộc sống… Cũng có những khoảng lặng, hồi ức buồn, nhưng rất nhanh, ông lấy lại vẻ mạnh mẽ, lạc quan.
Và khi nói về giáo dục, dường như ông có một nguồn năng lượng vô biên. Ông không ngại dành thời gian nói về “lịch sử” vấn đề, về điều ông đau đáu, theo đuổi bao năm qua – giáo dục, trong đó có vấn đề sách giáo khoa.
|
Giá sách đầy ắp những cuốn sách, tài liệu. Ảnh: Mai Loan. |
Theo GS. Hãn, muốn có sách giáo khoa chuẩn, việc đầu tiên phải làm rõ “chuẩn kiến thức” trong học thuật. Việc này hết sức hệ trọng trong khoa học.
“Chuẩn kiến thức” là gì? Có một hình ảnh so sánh mộc mạc, có ý nghĩa tương tự như đoạn tre dùng làm thước đo mà người ta thường gác lên xà nhà, sau khi xây nhà xong. Ở đồng bằng Bắc Bộ, qua cái thước đo ấy, người thợ giỏi sẽ biết được kích cỡ, tỷ lệ kèo, cột… và hình dung ngôi nhà như thế nào?
Tại Liên bang Nga, theo Luật Giáo dục thì chuẩn kiến thức được thông qua tại Nghị viện (Duma) ít nhất mười năm một lần để có cơ sở xác định trình độ tối thiểu bắt buộc”, GS. Hãn nói.
GS. Hãn cho rằng, hiện nay, có 5 nước lớn là Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nga, họ đã có được những bộ sách giáo khoa với kiến thức chuẩn, với Khoa học Tự nhiên, ta chỉ cần “bê” về, và thiết kế lại cho phù hợp hơn với đặc điểm của nước ta, vừa nhanh, vừa tiết kiệm lại chuẩn. Đó cũng là cách mà những nhà biên soạn SGK ngày xưa đã làm như GS. Hoàng Tụy, GS. Nguyễn Văn Huyên…
“Kiến thức khoa học tự nhiên và kỹ thuật chung nhau toàn thế giới. Khoa học không có biên giới, chỉ có nhà khoa học có Tổ quốc”, GS. Nguyễn Xuân Hãn chia sẻ.
|
Chân dung GS.TSKH. Nguyễn Xuân Hãn. Ảnh: Giáo dục Việt Nam. |
Thi thoảng, nghĩ tới vấn đề phản biện, ông lại điện thoại cho tôi chia sẻ về những điều ông đang tâm tư. Trong tất cả các câu chuyện, lúc nào ông cũng mong muốn làm sao để nền giáo dục nước nhà tốt lên.
Cách đây khoảng hơn 2 tuần, ông gọi cho tôi, bảo tôi lấy giấy bút ra, ghi những điều ông chia sẻ.
Trong đó, ông vẫn nhấn mạnh tới việc cần kế thừa, và không thể “cắt khúc, cuốn chiếu” trong làm sách giáo khoa. Như vậy sẽ phá vỡ tính hệ thống, làm hại đến học sinh.
Nghe giọng ông, tôi có cảm giác ông không khỏe. Tôi hỏi ông có ổn không, ông nói không sao, hãy tập trung vào vấn đề ông đang trao đổi – những điều ông vẫn trăn trở rất nhiều. Tôi không ngờ, đó là lần cuối cùng được trò chuyện với ông, được nghe tiếng nói phản biện tâm huyết từ ông.
Có lần, tôi hỏi ông, ông có ngại phản biện, “va chạm” hay không? Ông nói, những điều ông nói là mong điều tốt đẹp hơn đối với giáo dục nước nhà, cho thế hệ trẻ thì sao lại ngại, nếu ngại ông đã không làm.
Tin ông ra đi thật đột ngột, đau buồn. Xin vĩnh biệt Nhà giáo Ưu tú, GS.TSKH. Nguyễn Xuân Hãn – một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, một người thầy đã dành gần trọn một đời cống hiến cho giáo dục!
Theo thông tin từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, GS.TSKH. Nguyễn Xuân Hãn mắc bệnh hiểm nghèo. Ông từ trần hồi 19 giờ 56 phút ngày 22 tháng 07 năm 2022 (tức ngày 24 tháng 06 năm Nhâm Dần ), hưởng thọ 75 tuổi. Trên trang cá nhân của nhiều đồng nghiệp, học trò ông đã để lại những dòng tiễn biệt đau buồn với người Thầy tận tâm, nhà khoa học đáng kính và đầy tâm huyết với giáo dục nước nhà.
Mai Loan