Tết vui, Tết sum vầy, Tết là phải có bánh chưng, bát Tét. Nhưng Tết cũng không thể thiếu chuyện mừng tuổi cho nhau, chúc nhau may mắn, sức khỏe, giàu có, sung túc. Từ trẻ con, người già, thậm chí là những người trung tuổi đều được nhận phong bao lì xì thể hiện sự may mắn.
Người Việt bao đời nay vẫn giữ nguyên phong tục truyền thống ấy và nhất nhất không thể nào quên mỗi dịp đi chơi, gặp gỡ người khác khi xuân về.
Sự tích kể rằng, phong tục lì xì ngày Tết Nguyên đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng.
Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé. Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy.
|
Cứ giao thừa hoặc mùng 1 là cả nhà sum vầy. Con cháu mừng tuổi ông bà trước rồi tới lượt ông bà lì xì lại con cháu để may mắn cả năm. (ảnh minh họa) |
Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe. Thấy việc lấy tiền bọc trong bao đỏ xua đuổi được yêu quái, giúp cho trẻ em mạnh khỏe an lành nên cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ cho trẻ em, còn gọi là tiền lì xì và nó dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì ngày Tết.
Cũng từ đây, phong tục lì xì này du nhập vào Việt Nam và trở thành một phong tục truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến. Chỉ cần là Tết, trẻ con, người già sẽ luôn là những người nhận được tiền lì xì đầu tiên. Phong bao lì xì thường là màu đỏ, là màu của may mắn, kèm theo tiền lì xì ở bên trong và những lời chúc. Tất cả đều thề hiện sự may mắn, mang lộc tới nhà và sức khỏe dồi dào. Với trẻ con thì ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn. Với người già thì khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi. May mắn đầu năm để cả năm được vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc. Người ta có thể lì xì cho nhau từ ngay lúc giao thừa cho tới tận ngày mùng 9-10, thậm chí kéo dài hơn nữa.
Người Việt mình theo phong tục, cứ giao thừa hoặc mùng 1 là cả nhà sum vầy. Con cháu mừng tuổi ông bà trước rồi tới lượt ông bà lì xì lại con cháu để may mắn cả năm. Những người tới chơi cũng được nhận lì xì từ chủ nhà hoặc ngược lại. Số tiền bên trong ít nhiều không quan trọng, quan trọng là lấy hên, là mang ý nghĩa may mắn.
Cho tới nay, chuyện lì xì ngày Tết vẫn là một phong tục không thể thiếu được trong mỗi gia đình. Nhìn cảnh ông bà, bố mẹ, con cháu lì xì cho nhau, vui vẻ, ấm cúng mới đúng mới thuần phong mỹ tục của gia đình và Tết Việt.
Theo Khám Phá