Trong cuộc sống này, chúng ta không thể tránh khỏi việc phải mượn đồ của người khác. Những đồ đạc này có thể là vật dụng trong gia đình đến những đồ dùng trong công việc và học tập.
Đặc biệt, với vùng nông thôn xưa, cuộc sống người dân còn túng thiếu và khó khăn. Việc họ thiếu gạo, thiếu muối hay thiếu mắm, sang hàng xóm vay mượn là chuyện thường tình. Chính sự nhờ vả, giúp đỡ qua lại đôi bên khiến tình làng nghĩa xóm càng thêm khăng khít, bền chặt.
Đúc kết ngàn đời vẫn chuẩn xác: "Vay gạo không vay củi, mượn áo không mượn giày".
Nhiều nơi phong tục tập quán vẫn còn đậm nét, không ít vùng quê vẫn lưu giữ một số phong tục, câu nói dân gian từ xưa. Trong đó, về câu chuyện vay mượn, cổ nhân có câu rằng: "Vay gạo không vay củi, mượn áo không mượn giày". Nghe xong câu nói này ắt hẳn nhiều người có thắc mắc, tại sao có thể vay gạo mượn áo, nhưng lại không thể vay củi mượn giày.
Hóa ra câu nói này có ý nghĩa vô cùng sâu xa, ẩn chứa trí tuệ uyên thâm của người xưa.
Vay gạo không vay củi
Thực tế ý nghĩa câu nói này có thể được hiểu theo một cách đơn giản. Nếu ở nông thôn mà có người đến nhà vay gạo, thì bạn có thể cho vay, nhưng nếu họ vay củi thì không nên cho vay mượn làm gì.
Người xưa quan niệm, khi mở cửa nhà thường có 7 thứ, củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà. Trong đó, củi đứng đầu tiên và đại diện cho những vật dụng cơ bản nhất trong nhà, cũng như trong cuộc sống. Nếu không có củi, thì sẽ không có cách nào tạo ra lửa để nấu thức ăn, cũng như sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, trong cuộc sống của người dân quê thời xưa, củi rất quan trọng và là vật dụng không thể thiếu trong nhà.
Chưa kể so với củi thì gạo khác rất nhiều. Gạo có thể cân đo đong đếm, nhưng củi thì khác. những khúc củi thường lớn, không tiện để đo lường. Bạn cho người khác vay bao nhiêu bát gạo, họ cũng trả bạn từng đấy bát. Nhưng khi bạn cho người khác vay nhiều củi, khi họ trả lại, không tương xứng với lúc đầu, có thể sẽ mang tới cho bạn cảm giác thiệt thòi. Do đó, ở thôn quê ngày xưa, để tránh xảy ra xích mích, hiểu lầm giữa hàng xóm với nhau, họ thường tránh việc cho nhau vay mượn củi.
Đặc biệt từ củi trong tiếng Hán đồng âm với Tài. Người xưa cũng cho rằng, mượn củi chính là lấy đi tài khí của gia đình người khác, nên phải kiêng kỵ.
Tuy nhiên, nếu xét sâu xa hơn, câu nói này còn có ý nghĩa rằng, chỉ nên giúp đỡ người nghèo, không nên giúp đỡ người lười. Dù rất quan trọng với đời sống người dân, nhưng củi không phải là thứ hiếm. Chỉ cần chăm chỉ, chịu khó, đi nhặt, thì họ sẽ chẳng thiếu củi để dùng trong nhà. Ở đây, người đi vay củi là những người lười biếng, không muốn lao động, chỉ trực chờ đi vay mượn người khác để có được miếng ăn.
Với những người lười biếng, đến việc nhặt củi cũng không muốn làm, thì không xứng đáng nhận được sự giúp đỡ. Sự lười biếng, ỉ lại khiến họ nghèo vẫn hoàn nghèo, không có động lực để phát triển bản thân.
Giúp người là tốt, nhưng hãy trao lòng tốt đúng cách và đúng đối tượng. Hành thiện cũng cần phải lý trí và sắc bén, nếu chỉ luôn đóng vai trò bỏ ra, cho đi, thứ bạn giúp sẽ chỉ là lòng tham, là kẻ thù, là sự vô ơn.
Vay gạo không vay củi.
Có câu: "Đấu gạo dưỡng ân, gánh gạo dưỡng thù". Ý muốn nói, một người khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí sắp chết đói, bạn cho anh ta một đấu gạo, đồng nghĩa với việc cứu sống anh ta, anh ta sẽ cảm kích, ghi nhớ công ơn của bạn, xem bạn là ân nhân. Nhưng nếu bạn cứ giúp anh ta mãi, nó sẽ khiến anh ta trở nên lười biếng, phụ thuộc, khiến anh ta coi sự giúp đỡ của bạn là đương nhiên. Một ngày nào đó, khi bạn không giúp anh ta nữa, anh ta ngược lại sẽ xem bạn là kẻ thù.
Giúp người khôn khó không giúp người lười, cứu người cấp bách không cứu người nghèo. Khi người khác rơi vào cảnh khó khăn cấp bách, giúp họ một tay, giúp họ vượt qua cửa khó, đó là đang hành thiện tích đức. Còn nếu giúp người lười, sẽ chỉ khiến đối phương càng thêm phụ thuộc vào bạn. Họ trở thành cái động không đáy, cuối cùng đục khoét hết luôn cả bản thân bạn.
Một ông chủ doanh nghiệp nọ, sau khi phát đạt, đã bỏ ra một số tiền lớn, xây 258 ngôi nhà cho người khó khăn và lớn tuổi ở quê nhà. Vốn dĩ là một hành động hành thiện, giúp người khó khăn. Ngỡ rằng người dân nơi đây sẽ rất cảm kích mình, không ngờ họ có cháu đòi trẻ:
"Con trai tôi sắp kết hôn rồi, một căn không đủ, nhà chúng tôi cần thêm vài căn nữa", "Nhà tôi dù đã chuyển vào thành phố, nhưng tôi lớn lên ở đây, nên cũng có tư cách được phân một căn", "Anh đập đi nhà cũ của chúng tôi, ngoài việc phân nhà mới, còn phải bồi thường thêm cho chúng tôi".
Lòng tham của họ là vô đáy. Điều này khiến doanh nhân kia rất phiền lòng, hai năm liền không về quê ăn Tết nữa. Cứ về là người dân lại đưa ra đủ mọi vấn đề và yêu cầu. Nên thôi, không về là tốt nhất.
Trong bộ phim "Bố già" có một câu thoại như thế này: "Lòng tốt không có giới hạn, sẽ chỉ khiến đối phương được nước lấn tới. Nhân từ mà không có nguyên tắc, sẽ chỉ khiến đối phương có voi đòi tiên".
Khi lòng tốt không có giới hạn và nguyên tắc, thiện sẽ chỉ sinh ra ác ý, khiến đối phương điềm nhiên nhận lấy lòng tốt của bạn, rồi đạp đổ thiện chí của bạn một cách vô tình. Đợi tới khi bạn không thể giúp họ được nữa, họ cũng sẽ đáp trả lại bạn bằng sự hận thù.
Những người nhàn rỗi trong cuộc sống là những người không thiếu thời gian và sức lực nhất. Bạn dành nhiều thời gian và sức lực để giúp đỡ họ, nhưng họ chỉ xem đó là tám chuyện, là bán thời gian. Cuối cùng, lòng tốt của bạn lại biến thành gáo nước bẩn, đổ ngược lên chính người bạn.
Đạo diễn A có một người bạn tên Cường. Cường mất việc trong một cuộc khủng hoảng tài chính và không có việc gì làm. Vị đạo diễn thấy cuộc sống của bạn khó khăn, nên đã tốt bụng sắp xếp cho người bạn đó công việc hậu cần trong bộ phim do anh đạo diễn. Sau đó, người bạn tên Cường cảm thấy công việc hậu cần vất vả nên đã đi gặp đạo diễn và đề nghị anh cho làm diễn viên.
Nghĩ rằng anh không có kinh nghiệm diễn xuất, vị đạo diễn khuyên anh: "Cậu không có kinh nghiệm diễn xuất, nếu cảm thấy công việc hậu cần không phù hợp tớ có thể sắp xếp lại cho cậu". Không ngờ người bạn tên Cường lại mắng vị đạo diễn trước mặt toàn bộ đoàn làm phim: "Cậu cũng biết lương hậu cần thấp mà phải không? Làm vậy có khác nào bảo tớ đang ăn xin?". Sau đó, anh ta bỏ đi.
Không những vậy, anh ta còn tung tin đồn về vị đạo diễn này khắp nơi, cho rằng vị đạo diễn này là kẻ hợm hĩnh, chỉ coi trọng tiền bạc mà không coi trọng bạn bè.
Giúp đỡ những người nhàn rỗi là cuộc đấu tranh với mặt tối của bản chất con người. Sự ngốc ngếch của những kẻ lười biếng nằm ở chỗ, thời gian của bản thân không có giá trị và cũng cho rằng thời gian của người khác cũng vô giá trị và rồi không bao giờ học cách biết ơn.
Tội ác của kẻ lời biếng nằm ở chỗ, một khi đã giúp đỡ họ nhưng một ngày nào đó bạn không thể đáp ứng được nhu cầu của họ, họ sẽ không còn cảm thấy biết ơn và thậm chí còn tìm cách trả thù bạn. Giúp đỡ một người lười biếng bạn sẽ luôn là người thua cuộc.
Mượn áo không mượn giày
Người già ở nông thôn thường quan niệm, trẻ em và đặc biệt là trẻ em xuất thân từ những gia đình nghèo khó khi mặc lại quần áo của người khác sẽ mang đến vận may. Do đó, việc mượn quần áo của người khác vừa có thể lấy may vừa không ảnh hưởng đến tài lộc cũng như sự may mắn của chính mình.
Cổ nhân còn có câu: "Thà thử quan tài hơn thử giày". Câu nói này cho thấy người xưa rất chú trọng đến giày dép.
Người xưa luôn rất chú trọng đến giày dép.
Thời cổ đại, bàn chân là bộ phận riêng tư và nhạy cảm. Trong đó, giày dép là đồ bó sát cả bàn chân, nên không thể tùy ý cho mượn. Nếu giày dép bị người khác đi thì trong mắt người ta đó là chiếc giày đã bị hỏng. Giày hỏng mang ý nghĩa xấu, không tốt với chủ nhân của nó.
Giày dép là một trong những vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống, bởi con người cần mang giày hàng ngày bất kể nắng gió. Những đôi giày thường không sạch sẽ, nếu không chú ý đến việc vệ sinh cá nhân thì rất dễ dẫn đến mầm bệnh trong giày. Do đó, hầu hết mọi người sẽ không tùy tiện đưa giày của mình cho người khác thử. Dĩ nhiên, bản thân cũng không muốn thử giày người khác.
Ngoài ra, người xưa quan niệm rằng, đôi giày của mỗi người cũng tượng trưng cho cái gốc của người đó. Nếu bạn vô tình cho người khác mượn giày, bạn đang cho người khác cầm rễ dưới chân mình, điều này cũng không tốt cho bạn. Sau tất cả, mỗi người đều có con đường riêng để đi và không ai có thể đi thay ai.
Trong tiếng Hán, từ giày còn đồng nghĩa với từ con cái. Mượn giày cũng đồng nghĩa với cho mượn con cái. Cách nói này ý chỉ việc không may mắn.
Ngày xưa, đa số mọi người đều đi dép rơm. Chỉ cần chăm chỉ một chút là có thể tự làm đôi dép cho riêng mình. Vì thế, họ không cho người khác mượn giày, cũng không cho người khác vay củi.
Trong thời đại phát triển như ngày nay, người ta không còn vay mượn nhau gạo, củi hay quần áo, giày dép như trước nữa. Tuy nhiên câu nói: "Vay gạo không vay củi, mượn áo không mượn giày" của người xưa vẫn giữ nguyên được giá trị. Đây là lời nhắc nhở mọi người trước khi giúp đỡ người khác. Cần phải xem xét đối phương có xứng đáng nhận được lòng tốt này hay không.
Thực tế một lần cho vay và một lần trả lại là một vấn đề rất đơn giản. Tuy nhiên, trong mối quan hệ vay và trả không chỉ phản ánh sự tu dưỡng đạo đức mà còn thể hiện sự đối đáp tình nghĩa giữa con người với nhau.
Theo TH&PL