Người xưa rất xem trọng thuật xem tướng, bởi theo quan niệm của họ, nhân tướng sẽ bộc lộ nhân tâm. Một trong những kinh nghiệm đoán nhân cách con người mà người xưa đúc kết “Chính tà nhìn ánh mắt, thật giả nhìn bờ môi”.
“Chính tà nhìn ánh mắt”
Đôi mắt chính làcửa sổ tâm hồn của mỗi người. Người xưa dạy, để quan sát 1 người, không có cách nào tốt hơn là nhìn vào ánh mắt của họ. Thông qua ánh mắt có thể nhìn thấu được bản chất thiện ác của mỗi người. Nhưng thế nào để phân biệt được chính và tà qua ánh mắt thì không phải ai cũng biết.
Theo cổ nhân, muốn phán đoán chính và tà của một người, hãy quan sát ánh mắt của người đó trong trạng thái động và tĩnh. Hầu hết những người có hành vi đoan chính, thật thà thì đôi mắt trong sáng, nhìn thẳng chứ không đảo ngang đảo dọc. Trong tâm của những người quang minh chính đại, ánh mắt tự nhiên sẽ linh hoạt, sáng ngời, nhìn vào sẽ có cảm giác vô cùng thư thái dễ chịu.
Những người có tính cách hẹp hòi, hay soi mói, ghen tị và hoài nghi với người khác, ánh mắt thường liếc ngang liếc dọc, không dám nhìn trực diện vào những người đối diện. Còn người tà ác luôn trong trạng thái không an tĩnh, bất định, tâm lúc nào cũng không yên.
Từ ánh mắt, chúng ta không chỉ phân biệt được trong – đục, sáng – tối, mà quan trọng hơn hết là có thể nhìn thấu bản chất, thiện ác trong tâm của một người. Trong cuộc sống, những người có tướng mạo không đoan chính sẽ luôn muốn hãm hại người khác, ở đâu cũng muốn trục lợi cá nhân, khi nội tạng kiệt quệ sẽ có vẻ mặt ti tiện. Người có tâm địa thiện lương và có tấm lòng từ bi sẽ có tướng mạo phúc hậu, thanh thoát và khí chất điềm đạm.
“Thật giả nhìn bờ môi”
Người xưa nói “Ngựa tốt tại chân, người tốt tại miệng”. Từ câu nói này, chúng ta có thể nhận thấy được tầm quan trọng của cái “miệng” đối với cuộc đời mỗi người.
Trong ngũ quan, miệng là phương tiện quan trọng nhất để chúng ta biểu đạt tư tưởng, suy nghĩ của bản thân. Chính vì thế, cảm xúc của một người sẽ biểu lộ trên gương mặt, lời nói xuất phát từ miệng sẽ gián tiếp thể hiện tư tưởng của người đó. “Họa từ miệng mà ra”, nhiều khi lời nói có sức sát thương rất mạnh, có thể khiến người ta tổn thương hơn cả tác động vật lý.
Thời xưa, Tăng Quốc Phiên từng nhìn thấu đạo lý. Chính vì thế, ông đã từng giới cấm bản thân, không cho phép bản thân được tùy tiện nói ra những lời hoang dại, xấu xí. Ông đã đối phó và nỗ lực rất nhiều để thể hiện điều này.
Nếu không giữ mồm giữ miệng thì cuối cùng, bạn cũng sẽ làm rối loạn tâm trí của chính mình. Nếu như sử dụng những lời lẽ ngụy biện để lấy lòng người khác, cuối cùng họ cũng chỉ mang lại tai họa cho chính mình và những người xung quanh.
Sống ở đời, có một số người kiểu như thế này, mồm miệng nhìn có vẻ chậm chạp và không linh hoạt. Họ không thể nói những lời xu nịnh, to tát hay khoa trương. Thế nhưng bù lại, họ làm được rất nhiều việc, hiệu quả thực hiện công việc cũng rất tốt. Những người như vậy vốn không nhiều, nhưng ở bên cạnh họ sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng dễ chịu, bình thản, mang đến cho bạn cảm giác tin tưởng, an toàn. Bên cạnh đó, khi con người ăn nói thận trọng, giữ ý tứ, những người này có thể tránh được những mối tai họa đáng tiếc về sau. Những người trầm tĩnh, ăn nói nhẹ nhàng, không ba hoa, không khoác lác mới là những người điềm tĩnh, thật thà và chân thành. Chính vì vậy, ông cha ta mới đúc kết “ Thật giả nhìn bờ môi”.
Theo Xe & Thể thao