Người phụ nữ mà Quan Vũ yêu thương không rời là ai?

Google News

Vị danh tướng thành lập nhà Thục Hán nổi tiếng nhưng rất ít tài liệu nhắc đến người nâng khăn sửa túi và sinh ba người con của Quan Vũ.

Quan Vũ, còn được gọi là Quan Công, tên tự là Vân Trường, là một vị dũng tướng thời cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Ông là người góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. Người Trung Hoa tôn ông là Võ Thánh, sánh cùng Văn Thánh Khổng Tử và được thờ cúng ở nhiều nơi với tượng mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long yển nguyệt hoặc cưỡi ngựa xích thố.
Trong tiểu thuyết "Tam Quốc Diễn Nghĩa" của La Quán Trung, tác giả miêu tả như một biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành. La Quán Trung xếp ông là người đứng đầu trong số ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán, bao gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu.
Tuy nhiên, do tính chất dã sử, Tam Quốc diễn nghĩa đề cập rất ít về xuất thân, gia quyến của Quan Vũ. Đến nay, vợ của Quan Vũ là ai vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải. Các câu chuyện dân gian và kinh kịch, tuồng, phim ảnh của Trung Hoa, thường gắn liền mối quan hệ giữa Quan Vũ và nàng Điêu Thuyền xinh đẹp.
Nguoi phu nu ma Quan Vu yeu thuong khong roi la ai?
Quan Vũ và con ngựa xích thố nổi tiếng. 
Trong vở tuồng nổi tiếng có từ thời Nguyên "Quan đại vương nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền" miêu tả, sau khi Lã Bố bị giết chết, Trương Phi đã cướp được Điêu Thuyền, mang về tặng cho nhị ca. Quan Vũ mặc dù say đắm vẻ đẹp của nàng nhưng nghĩ lại tự cổ chí kim, bao nhiêu anh hùng đã phải bỏ mạng, sự nghiệp tiêu tán vì "hồng nhan họa thủy" này, bèn nén sự tiếc nuối tuốt gươm chém Điêu Thuyền.
Điêu Thuyền từng được “gả” cho Quan Công?
Những người thích đọc Tam quốc diễn nghĩa đều tò mò về số phận Điêu Thuyền sau khi Lã Bố bị giết chết. Kể từ lúc ấy, La Quán Trung không nhắc một lời nào về nhân vật mỹ nhân mà ông bắt phải chịu phận vô danh ấy nữa. Có người đoán rằng, khi Lã Bố thất bại, Điêu Thuyền có thể chết trong đám đông, hoặc chạy thoát. Nhưng nhiều người lại nói, đẹp như Điêu Thuyền thì khó mà thoát nổi, thể nào nàng cũng bị chiếm làm tỳ thiếp của một ai đó và nhiều phần sẽ thuộc về những kẻ quyền lực nhất, bởi các tướng soái thời Tam quốc trong khi chinh phạt thường không bao giờ quên lưu tâm tìm hiểu và kịp thời cướp lấy những mỹ nhân của đối phương.
Và trong trường hợp này, Điêu Thuyền sẽ lọt vào tay Tào Tháo, một con người có tham vọng chính trị lớn nhưng cũng háo sắc nổi danh. Có thuyết cho rằng, Tào Tháo thấy sự nguy hiểm của Điêu Thuyền nên đã cho thắt cổ nàng đến chết. Theo một giả thiết khác, Tào Tháo đã ban Điêu Thuyền cho Quan Vân Trường khi Quan bất đắc dĩ phải hàng Tào. Mục đích của Tào là mua chuộc Quan Công, đồng thời cũng muốn thử xem con người nổi danh vì nghĩa, khinh thường của cải và đàn bà đẹp này ứng xử ra sao trước đại mỹ nhân.
Còn Quan Vân Trường, khi biết một trong những gái đẹp được Tào Tháo gửi đến làm quà cho mình có Điêu Thuyền, vợ của Lã Bố, thì tỏ ra khinh thường Thuyền đã vì mạng sống mà thất tiết với chồng, cam tâm làm đồ chơi mua vui cho kẻ khác. Quan Công đã tỏ thái độ với Điêu Thuyền và người đẹp hiểu ý đã tự tìm cái chết. Lại có người nói, người đẹp được Quan Công thu nhận làm nàng hầu, về sau khi ông ta bị giết thì không biết mất tích đi đâu.
Ngoài nghi vấn với nàng Điêu Thuyền xinh đẹp, trong “”Tam Quốc Chí – Quan Vũ Truyện”, có đoạn viết rằng: Lữ Bố có thuộc hạ tên Tần Nghi Lộc, có vợ là Đỗ Thị, xinh đẹp tuyệt trần. Sau Tần Nghi Lộc về hàng Viên Thuật, bỏ vợ ở lại. Quan Vũ thấy nàng xinh đẹp, rất ưng ý muốn cưới về làm vợ, nhưng không thành, vì Tào Tháo cướp được Đỗ Thị và nạp vào hậu cung.
Tác phẩm “Quan Công từ Tào” thì tả: Quan Vũ có vợ tên Tào Nguyệt Nga, vốn là thị nữ trong phủ Tào và được Tào Tháo nhận làm nghĩa nữ, sau gả cho Quan Vũ. Quan Vũ và người vợ này đồng sàng dị mộng, sau Quan Vũ bỏ đi, Nguyệt Nga đuổi theo xin đi cùng. Quan Vũ không đồng ý, Nguyệt Nga quá đau khổ tự rút kiếm kết liễu cuộc đời
Trong "Hoa Quan tố truyện" lại viết rằng vợ của Quan Vũ tên Hồ Kim Định. Tại quận Trác, Quan Vũ gặp gỡ và kết bái huynh đệ với Lưu Bị, Trương Phi. Lưu Bị lo rằng Trương, Quan đều đã có gia thất, sợ hai người vướng chuyện vợ con mà không cùng sống chết với mình. Trương Phi và Quan Vũ quyết định sẽ đổi vai cho nhau giết chết vợ con để dốc lòng phò trợ Lưu Bị hoàn thành nghiệp lớn. Khi tới nhà Quan Vũ, nhìn thấy Hồ Kim Định bụng mang dạ chửa, Trương Phi không nỡ xuống tay, bèn tha chết cho nàng. Sau Hồ Kim Định chạy thoát, sinh được một con trai, đặt tên là Quan Hưng. Khi Quan Hưng 7 tuổi, vào buổi tối nhá nhem, đi lạc nhà và được Tố Viên ngoại thương tình nhận nuôi. Lên 9 tuổi Quan Hưng được Bàn Thạch Động Hoa Nhạc lão tiên sinh nhận làm đệ tử, sau trở thành anh hùng trẻ tuổi, văn võ song toàn. 18 tuổi, được Tố viên ngoại cho biết thân thế, Quan Hưng đổi tên thành "Hoa Quan Tố", về quê nhận mẹ, rồi cùng Hồ Kim Định đến Tây Xuyên nhận Quan Vũ làm cha. Điều này cũng phù hợp với miêu tả thân thế của ba con của Quan Vũ là Quan Hưng, Quan Sách, Quan Phụng đều có mẫu thân là Hồ Thị.
Sau này Tôn Quyền giết Quan Vũ, sai người mang đầu ông đến Lạc Dương nộp cho Tào Tháo. Tào Tháo không mang đầu Quan Vũ đi bêu mà sai làm lễ tang trọng thể theo nghi thức an táng chư hầu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng: Tào Tháo đã phụ nhiều người, nhưng chưa từng phụ Quan Vũ. Mặt khác việc làm đó còn mang ý nghĩa chính trị không nhỏ: Tôn Quyền nộp đầu Quan Vũ cho Tào Tháo để muốn thiên hạ biết rằng mình giết Vũ theo lệnh Tào Tháo, khiến Lưu Bị chĩa mũi nhọn vào họ Tào; nhưng Tào Tháo trọng táng Quan Vũ lại cho ra thông điệp khác: Tôn Quyền tự ý giết ông. Tào Tháo đã giải toả được sự hiềm nghi của mọi người và lái được mũi nhọn của Lưu Bị trở lại phía Tôn Quyền.
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể rằng: Ngày Tôn Quyền mở tiệc khao Lã Mông, hồn ông đã quay về giết chết Lã Mông. Vì hoảng sợ và để ly gián Ngụy và Thục nên đem đầu ông đến nộp cho Tào Tháo. Tào Tháo mở hộp đựng đầu Quan Vũ ra nhìn, thấy râu tóc dựng đứng lên, trừng mắt ra nhìn; vì vậy Tào Tháo hoảng sợ tới mức tái phát bệnh đau đầu và không lâu sau cũng chết.
Câu chuyện này dựa trên một phần thực tế về cái chết của Lã Mông. Không lâu sau khi đánh chiếm được Kinh châu cho Tôn Quyền và giết Quan Vũ, Lã Mông trở về cũng ốm nặng, không ăn uống được gì và qua đời.
Quan Vũ qua đời không rõ bao nhiêu tuổi. Tam Quốc diễn nghĩa ghi ông thọ 58 tuổi, tức là sinh năm 162, nhưng các nhà sử học không xác nhận thông tin này là chính xác. Sau này Lưu Bị vì mối thù Quan Vũ đã mang quân đi đánh Tôn Quyền (năm 221).
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):
Theo Khỏe & Đẹp