Ở trong giếng trời giữa Ngân hàng Anh tại London có trồng một cây dâu – loại cây phương đông hiếm có ở nước Anh. Tại sao lại vậy?
Hóa ra, loại tiền giấy ra đời đầu tiên trên thế giới là “giao tử” do người Trung Quốc phát minh ra và nguyên liệu làm ra nó chính là lá cây dâu tằm. Người phát minh ra "giao tử" chính là Trương Vịnh, được mệnh danh là một Thần Nhân.
Trương Vịnh từ nhỏ đã thích bắn cung, luôn muốn trở thành kiếm khách hào khí ngút trời, hành hiệp trượng nghĩa, có thể xông pha thiên hạ giải cứu bách tính gặp hoạn nạn. Người thiếu niên ý chí phơi phới này du ngoạn khắp nơi thực sự đã dạy dỗ không ít những tên cường đạo ác bá.
Mãi đến năm 19 tuổi, đến tuổi thi cử. Do từ nhỏ Trương Vịnh đã ý thức được tri thức mới là sức mạnh, cần phải cố gắng học hành nhưng nhà Trương Vịnh rất nghèo, phải mượn sách của người khác để chép lại học. Ông học hành chăm chỉ cần cù, không có bàn học thì ngồi dựa lưng vào thân cây cổ thụ trong vườn để đọc sách, không đọc hết một bài thì quyết không vào phòng nghỉ ngơi.
Trương Vịnh làm việc gì yêu việc đó, yêu việc gì thành công việc đó. Du hiệp có bá khí, học hành cũng rất xuất chúng. Ông học hành khắc khổ trong hoàn cảnh khó khăn, thi đỗ Tiến sĩ, khoác lên mình quan phục bước vào chốn quan trường. Sau khi làm quan, Trương Vịnh vẫn rất chính trực thanh liêm, ông ghét nhất là những tên tham quan ô sứ.
Khi làm huyện lệnh ở huyện Sùng Dương, một ngày nọ ông nhìn thấy một viên khố sứ (chức quan trông coi ngân khố) bước ra từ ngân khố, phía dưới khăn đội đầu có lộ ra một đồng tiền. Sau khi điều tra phát hiện đây là tiền trong ngân khố, hơn nữa tên khố sứ này đã thường xuyên lấy tiền từ ngân khố ra dùng. Thế là Trương Vịnh đã ra lệnh phạt đòn tên khố sứ này.
Tên khố sứ không phục còn khiêu khích: “Chẳng qua chỉ là một đồng tiền mà thôi, ngươi lại dùng gậy để phạt ta ư? Ngươi đánh ta được chứ làm sao giết được ta?”. Trương Vịnh nói một cách trịnh trọng rằng: “Một ngày một đồng, ngàn ngày là 1000 đồng, thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn”. Sau đó đích thân xử trảm tên khố sứ đó, tiếp đó chủ động tới đài Ngự Sử để tự kiểm điểm về những sai lầm của mình.
Ngoài việc trừng phạt tên khố sứ, Trương Vịnh còn dám đối đầu với cả quan trên. Khi làm Tri châu ở Ích Châu, ông phát hiện thuộc hạ của thái giám Vương Kế Ân đang được sủng ái khi ấy hãm hại người dân, không hề nể tình mà bắt ngay tên đó ném xuống giếng dìm chết, trừ hại vì dân.
Nhưng Trương Vịnh hoàn toàn không phải là kẻ lỗ mãng, cọc cằn, hành sự bồng bột, ông cũng có năng lực tài giỏi hơn người. Trương Vịnh phá án như thần, thậm chí còn hơn cả Địch Nhân Kiệt và Bao Chửng. Trong bộ các vụ án “Chiết ngục quy giám” nổi tiếng có ghi chép 395 vụ án đặc sắc từ thời Tiên Tần, Lưỡng Hán tới cuối thời Bắc Tống, trong đó có ghi chép số vụ án Trương Vịnh phá được lên đến hơn 20 vụ, nhiều nhất trong số các vị “thần thám” thời cổ đại Trung Quốc.
Trương Đại Nhân cũng là một nhà kinh doanh “mát tay”. Khi còn ở huyện Sùng Dương, Trương Vịnh cổ vũ người dân trồng dâu nuôi tằm, ban đầu có hơi khổ hơi mệt, người dân cũng có oán thán, Trương Đại Nhân bèn dùng một số chính sách cưỡng chế thực hiện. Vài năm sau, cùng với những lợi ích kinh tế ngày càng gia tăng rõ rệt, người dân cũng ngày càng giàu có hơn, khen ngợi Trương Vịnh hết lời.
Sau này khi mới tới Ích Châu nhậm chức, nơi này vừa mới trải qua phản loạn, hoang tàn vô cùng. Trương Đại Nhân đã tổ chức “chiêu thương”, ông yêu cầu các thương nhân làm ăn buôn bán ở Ích Châu phải dùng loại tiền giấy mà nơi này phát minh, đây chính là “tổ tiên” của tiền giấy – giao tử. Sự lưu thông của tiền giấy đã tích cực thúc đẩy phát triển thương nghiệp, không lâu sau thì Ích Châu trở thành trung tâm thương nghiệp của Tây Nam.
Trương Vịnh trị lý đất Thục thành công, tạo phúc cho bách tính. Trương Vịnh với cốt khí cứng cỏi, cuối cùng đã sánh tên cùng với Triệu Phổ, Khấu Chuẩn, trở thành một trong những danh thần thời Bắc Tống.
Theo Vũ Phong/Ngôi sao/Công lý & xã hội