Làm người không thể quá kiêu ngạo nhưng nhất định phải có cốt cách ngang tàng, có chính kiến, có lý tưởng. Người xưa thường đặt “trung nghĩa” ở vị trí quan trọng hàng đầu, thế nên có vô số các ví dụ về hành động xả thân vì nghĩa. Mạnh Tử từng nói: “Sống là mong muốn của ta, nghĩa cũng là mong muốn của ta. Cả hai không thể đồng thời có được, thế nên tốt hơn hết là hy sinh thân mình vì nghĩa".
Sinh mệnh chỉ có một lần, nếu là người bình thường thì đều sẽ không dễ dàng kết liễu sinh mệnh của mình. Khi phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, có người sẽ lựa chọn sống buông thả, tạm bợ qua ngày, có người lại vì giữ gìn tín nghĩa trong tim mà không ngại ngần hy sinh chính mình. Thời Tần Hán của Trung Quốc từng có một vị tướng quân, Lưu Bang vốn dĩ đã đồng ý phong ông làm Vương, nhưng ông lại dùng đao tự vẫn, Lưu Bang lập tức ôm đầu khóc thảm thiết, 500 tướng sĩ dưới trướng của vị tướng quân đó cũng tự sát toàn bộ.
Nhân vật truyền kỳ này chính là Điền Hoành, là nhân vật nổi tiếng trong những năm cuối của triều Tần. Điền Hoành sinh ra vào thời kỳ Chiến Quốc trong quý tộc của nước Tề, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước, Điền Hoành mất đi vinh quang năm xưa, cuộc sống vẫn được coi là ổn. Nghe nói Trần Thắng Ngô Quảng dựng cờ khởi nghĩa, Điền Hoành cùng các huynh đệ của mình nghĩ rằng cơ hội của mình đã đến, lập tức chiêu binh mãi binh, quyết định làm một vụ lớn, chiếm lĩnh đất Tề tự xưng Vương.
Anh trai của Điền Hoành là Điền Đam sau khi qua đời trên chiến trường, Điền Vinh trở thành lão đại mới của đất Tề, đã là huynh đệ ruột thịt thì Điền Vinh chắc chắn cũng không để em trai phải chịu thiệt, ông để Điền Hoành làm Đại Tướng Quân, hai huynh đệ cùng nhau tung hoành trên đất Tề. Vốn dĩ quân khởi nghĩa khá khép kín, mục đích cũng rất đồng nhất, chính là lật đổ triều Tần. Sau khi triều Tần bị diệt vong, Hạng Vũ tự phong là Tây Sở Bá Vương, có thể nói là uy phong lẫm liệt, phong cho rất nhiều chư hầu, nhưng lại chưa phong cho huynh đệ nhà họ Điền.
Không thể tiếp tục nhẫn nhịn, Điền Vinh cho rằng Hạng Vũ quá ngông cuồng, không coi mình ra gì, huống hồ ông còn là quý tộc chính hiệu, thế nên đã nhanh chóng trở mặt với Hạng Vũ. Hạng Vũ nay đang khí thế bừng bừng, biết Điền Vinh và Điền Hoành ngang nhiên đối đầu với mình đã lập tức phẫn nộ, đích thân dẫn một lượng cấm quân lớn xông thẳng tới nước Tề, chuẩn bị tiêu diệt huynh đệ nhà họ Điền, để người trong thiên hạ biết rằng Hạng Vũ ông không phải là kẻ dễ bắt nạt.
Chính lúc Hạng Vũ và Điền Hoành đang dây dưa không dứt thì đại bản doanh Bành Thành bị Lưu Bang chiếm lấy, Hạng Vũ đành quay về cứu viện, nước Tề tạm thời thoát khỏi nguy hiểm. Sau khi anh trai Điền Vinh qua đời, Điền Hoành lập cháu trai làm Tề Vương, còn bản thân đảm nhiệm chức Thừa Tướng nhưng thực ra mọi việc đại sự của nước Tề đều do Điền Hoành quyết định. Tuy nhiên, vì Hàn Tín đem quân tới tấn công thành, bất đắc dĩ phải đem quân ra đảo đi trốn.
Sau khi Lưu Bang ngồi lên hoàng vị, thông qua nhiều lần thăm dò nghe ngóng đã biết được tung tích của Điền Hoành, đã cử sứ giả tới chiêu mộ ông về kinh, đồng thời nói rằng: “Nếu như chịu tới gặp, khả năng lớn nhất sẽ được phong làm Vương, khả năng nhỏ nhất thì được phong làm Hầu, nếu không thì hậu quả tự chịu”. Cân nhắc tới an nguy của binh sĩ, Điền Hoành đồng ý tới gặp. Khi sắp tới kinh thành, Điền Hoành nói với 2 thuộc hạ của mình rằng: “Đại nghĩa tải thiên, thủ tín phúc địa, cuộc đời quý báu nhất chính là thực hiện chí hướng của mình”. Nói xong câu này, ông lập tức dùng đao tự vẫn.
Thuộc hạ tuân theo sắp xếp của Điền Hoành, đem thủ cấp của ông tặng cho Lưu Bang, Lưu Bang bao năm chưa từng rơi lệ nay lại phải ôm thủ cấp của Điền Hoành khóc thảm thiết, sau đó mang ông đi an táng tử tế, còn 2 thuộc hạ kia của Điền Hoành cũng tự vẫn. Sau khi biết vẫn còn 500 tướng sĩ của ông trên đảo, Lưu Bang lập tức cử người mời họ về, dùng quan cao lộc dày để chiêu mộ họ. Nhưng điều khiến Lưu Bang kinh ngạc là các thuộc hạ của Điền Hoành sau khi biết tướng quân của mình đã chết cũng đưa ra một quyết định bất ngờ, toàn bộ đều tự sát theo ông, tấm lòng trung nghĩa khiến người ta kính phục.
Theo Vũ Phong/Công lý & xã hội