Người hiến kế cho Ngô Quyền cắm cọc xuống sông Bạch Đằng

Google News

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là một trong những trận thủy chiến lớn mà quân và dân ta giành thắng lợi trước quân xâm lược.

Nguoi hien ke cho Ngo Quyen cam coc xuong song Bach Dang
Ảnh minh họa. 
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhân dân ta từng làm nên những chiến công lừng lẫy cả trên đất liền và biển đảo. Một trong số đó là chiến thắng Bạch Đằng.
Năm 938, theo sự cầu cứu của Kiều Công Tiễn, Lưu Nghiễm (vua Nam Hán) phong con trai Lưu Hoằng Tháo làm Tĩnh hải tiết độ sứ chỉ huy thủy quân, còn bản thân tự mình làm tướng, kéo quân sang xâm lược nước ta.
Tuy nhiên, khi đại quân của chúng còn chưa tới nơi thì Kiều Công Tiến đã bị chết. Mất đi nội ứng từ bên trong, quân Nam Hán chẳng khác gì rắn mất đầu.
Ngô Quyền đánh tan quân giặc trên sông Bạch Đằng Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, gắn liền tên tuổi của Ngô Quyền và các danh tướng tài ba của ông.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi biết tin Nam Hán kéo quân sang, Ngô Quyền đã nói với tướng sĩ rằng: “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe tin Kiều Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được”.
Điểm mạnh lớn nhất của quân Nam Hán lúc bấy giờ chính là chiến thuyền. Tương truyền, người được cho là nghĩ ra kế cắm cọc xuống đáy sông giúp Ngô Vương là Kiều Công Hãn. Đó là vị tướng tài, xuất thân từ gia đình có thế lực nhiều đời làm hào trưởng tại vùng Phong Châu (Phú Thọ).
Ông là con của Kiều Công Chuẩn, anh trai sứ quân Kiều Thuận và là cháu nội của Kiều Công Tiễn. Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ để chiếm quyền, Kiều Công Hãn không theo ông nội mà mang quân vào châu Ái theo Ngô Quyền.
Sau này, năm 1637, sứ thần Giang Văn Minh sang nhà Minh. Vua Minh ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục", nghĩa là “Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc”, hàm ý nhắc việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" - Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong.
Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng", nghĩa là “Bạch Đằng thuở trước máu còn loang”. Vế đối này vừa chuẩn, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.
Vốn là tướng tài, Kiều Công Hãn đã có cái nhìn và nhận định chuẩn xác khi khuyên Ngô Quyền rằng: “Nam Hán là nước nhỏ ở vùng duyên hải, nhân nhà Đường tan rã mà nổi lên chiếm một vùng đất ở phía Đông Nam, dựng thành nước, quân đội mạnh về thủy chiến. Nếu sang nước ta, tất chúng sẽ lấy đường biển mà tiến, qua sông Bạch Đằng để vào Đại La. Ta nên bày trận đánh chúng ngay khi mới vào cửa sông Bạch Đằng”.
Ngô Quyền khen kế đó hay, liền sai Dương Tam Kha chỉ huy quân lính chặt ba nghìn cây gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm.
Sau khi chiến địa được dựng xong, nhiệm vụ đặt ra là dụ địch vào bãi cọc theo ý đồ đã định sẵn. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để có thể giành chiến thắng. Danh tướng Nguyễn Tất Tố được giao nhiệm vụ khó khăn này.
Nguyễn Tất Tố sinh ra ở vùng sông nước ở làng Gia Viên (Hải Phòng), rất giỏi bơi lội. Ngoài ra, ông cũng là người am hiểu tường tận sông nước Bạch Đằng.
Sử sách ghi chép lời ông rằng: “Vùng sông nước này tôi rất quen thuộc, biết được lúc nước lên xuống. Nay muốn giặc mắc bẫy, chỉ có cách dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, chọn đúng giờ khắc thích hợp thì giả thua bỏ chạy”.
Ông được Ngô Quyền giao cho một đội quân nhỏ, có nhiệm vụ ra khiêu chiến. Đúng như dự đoán, khi binh thuyền Nguyễn Tất Tố bỏ chạy, Hoằng Tháo lập tức thúc quân đuổi theo.
Khi quân địch đi qua bãi cọc Bạch Đằng, chúng bất ngờ bị quân ta từ các hướng xông ra tấn công dồn dập, thua chạy ra biển. Nhưng khi chúng rút ra tới cửa sông, lúc này, thủy triều đã rút mạnh, bãi cọc Bạch Đằng nhô lên, khiến thuyền địch mắc lại và vỡ tan tành. Quân Nam Hán phần bị giết, phần chết đuối, phần phải đầu hàng hoặc bị bắt sống. Lưu Hoàng Tháo bỏ mạng tại trận.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Nghe tin Hoằng Tháo tử trận, Nghiễm kinh hoàng, đành thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui, từ đó bỏ hẳn mộng xâm lược nước ta”.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, có thể coi đây là trận toàn thắng của dân tộc ta trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, giành lại độc lập dân tộc.

Đánh giá về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa.

Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được”.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing