Đó là những hoài niệm của tác giả về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước mà chính tác giả là người trong cuộc, là người lính từ Bắc vào Nam, là ký ức về những vùng đất xa xôi mà trở nên gần gũi khi nhà thơ tạm dừng chân hay gắn bó một khoảng thời gian, về những kỷ niệm của một thời xa vắng...
Tập thơ “Người đi nhặt lá rừng” đúng như cái tên của nó, tác giả đã góp nhặt những bài thơ sáng tác trong một khoảng thời gian gần 50 năm với bao biến thiên đổi dời. Có bài thơ được ông viết những năm 70 của thế kỷ trước, có bài vừa mới viết trong thời gian gần đây. Tập thơ được chia làm hai phần, phần đầu gồm 54 bài thơ với khoảng 114 trang được tác giả tự thiết kế bìa và vẽ những bức ký họa cho mỗi bài thơ. Đặc biệt, phần 2 là những bài viết, những nhận định của những người bạn văn nghệ sĩ như Thanh Quế, Thanh Thảo, Nguyễn Nhã Tiên, Bùi Công Dụng… về tác phẩm thơ, văn và nhạc họa của ông.
Mở đầu tập thơ là trường ca “Người đi nhặt lá rừng” khá ấn tượng, bằng ngôn ngữ thơ, Nguyễn Văn Tám đã chắp nối những hồi ức, những kỷ niệm của những chàng trai lần đầu theo tiếng gọi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”:
Bỗng tiếng còi tàu hét lên từ phía cuối sân ga
Cắt ngang lời nói, cắt ngang nỗi nhớ
Cột khói vọt lên trời như cánh tay màu đen vẫy vẫy
Tất cả vừa công khai, vừa bí mật
Về phương Nam, chúng tôi về phương Nam…
Chuyến tàu về phương Nam dài hơn thế kỷ
Qua Bến Thủy, làng Ho, ngược lên Cổng Trời…
(Trường ca Người đi nhặt lá rừng)
Tập thơ có nhiều bài thơ viết về chiến trường, về những thanh niên xung phong với lý tưởng và khao khát hòa bình của họ, về nỗi nhớ quê hương nhưng luôn dịu dịu, nhoi nhói, man mác như những lời thủ thỉ, đã mang lại cho độc giả sự nhớ thương đau đáu. Dẫu có thể người đọc không được trải qua năm tháng ấy, nhưng lời thơ cứ như những nét phác họa của bức tranh, hiện rõ từng nét, từng nét cho đến khi hoàn thành. Bức tranh ấy lại không mang nét bi lụy, cứ hoàn thành mỗi bức tranh thì dường như tác giả dùng một nét bút màu tươi sáng mở ra những suy tưởng mới cho người đọc.
Mùa đông chui trong quả nhót hồng hồng
Mùa thu thả những vầng trăng trên ngọn cây bưởi
Mùa hạ đi ngang vườn ổi
Thơm đến tận bây giờ.
(Ký ức một dòng sông)
Theo dòng hồi tưởng của tác giả đã đưa người đọc đến những vùng đất yên bình như Hà Nội với bao thương nhớ, về miền Trung thăm dòng Vu Gia, sông Hàn Đà Nẵng… Dường như, mỗi cảnh, mỗi người nơi đó, đều hiện lên trong thơ ông một cách tự nhiên, thật thà.
Ta lang thang cuối bãi sông Hồng
Hạt phù sa theo kẽ chân vào giấc ngủ.
(Nhớ Hà Nội)
Sông Hàn ơi sông Hàn
Trời thả lụa giăng ngang
qua thành phố
Biển thở nhẹ vầng trăng
hôn ngọn sóng
Ngày mỗi ngày vừa lạ vừa quen.
(Tôi yêu Đà Nẵng)
Đến cái quan niệm về thơ cũng được Nguyễn Văn Tám đưa vào thơ một cách tự nhiên như việc ăn hay thở, dường như cảm xúc đến đâu ông viết ra đến đó như mạch nguồn tuôn chảy cùng sự phát triển thăng, trầm của lịch sử, của đất nước và của mảnh đất nơi ông sinh ra, mảnh đất nơi nuôi dưỡng tâm hồn ông.
Thơ đến với tôi như cuộc chơi
Đói thì ăn
Khát thì uống, mỏi thì dừng…
Không có thơ, tôi thành kẻ
cô đơn, khô khan, cộc cằn và tẻ nhạt
Thơ thả hồn tôi bay lên và cũng chính thơ vắt tôi kiệt sức.
(Thơ)
Đấy, cái định nghĩa thơ giản đơn vậy thôi, mà vắt kiệt cả đời người. Khi đọc thơ ông, ta như được gặp những người lính sống giữa rừng, hay những cô gái thanh niên xung phong sau chiến tranh trở về với cuộc sống thui thủi vì đã qua thì con gái (Làng Lòi, Cô gái Trường Sơn, Chiến tranh không có gương mặt trẻ con); là những người lính nhiễm chất độc, mang những vết thương chiến tranh đang đau đớn chống chọi, là cảm xúc buồn vui trước những đổi thay của quê nhà, anh em, bè bạn (Bạn tôi, Tìm bạn, Bạn gọi, Lính đảo…).
Cái tính nghệ sĩ yêu đời, yêu người tha thiết ám vào từng dòng thơ. Bởi thế thơ ông không có kiểu giáo huấn, không bề trên, không nói những điều đao to búa lớn. Tất cả chỉ là những câu chuyện nhỏ. Như rủ rỉ rù rì. Như thì thầm.
Mình ở dưới xuôi lên
Trăng bến Giằng ướt quá
Ngỡ như rằm tháng Hạ
Ngỡ như trời sang Giêng.
(Trăng Bến Giằng)
Với sự hiểu biết về âm nhạc và hội họa nên thơ của Nguyễn Văn Tám vừa giàu nhạc tính, lúc nhẹ nhàng, lúc trầm lắng và giàu hương sắc. Thơ ông bộc trực nhưng không ồn ào, có nỗi đau nhưng không bi lụy, mỗi câu thơ đều dồn nén nhiều cảm xúc. Phong cách thơ tự do, không đặt cho mình một cái đích nào cả. Có khi khắc khoải với kỷ niệm cũ của vùng đất nơi ông từng đi qua, có khi lại là kỷ niệm chiến tranh, cũng có khi là cảm xúc khi thăm lại nơi đồng đội ngã xuống. Dường như thơ ông bật lên từ những cảm xúc được chắt lọc qua ký ức, qua đau khổ chia ly, qua niềm hạnh phúc gặp gỡ. Bởi thế mà thơ ông mang nhiều cảm xúc đến cho người đọc.
Ngày xưa ngồi bên cửa sổ
Đếm từng ngôi sao rơi
Tôi đã nghe mỗi ngôi sao rơi
ứng với một kiếp người.
(Trường ca Người đi nhặt lá rừng)
Cách ông viết vừa mới mà lại vừa cũ. Mới vì cách dùng từ, bởi cách sắp xếp câu chữ. Còn cũ vì ở mỗi trang văn, mình đều thấy mọi người xung quanh ở đấy, cũ vì từng dòng, từng dòng, đều là cuộc sống quanh ta. Phong cách nghệ thuật thơ len lỏi vào từng con chữ, vẽ lên một màu thật trong, thật tươi sáng. Tập thơ có nhiều bài thơ xúc động như: Chiều Vu Gia, Làng Lòi, Thơ, Trường ca lửa xanh, Tôi yêu Đà Nẵng, Hà Nội - nơi ta về, Thưa mẹ…
Nói về tiêu đề tập thơ, tác giả bày tỏ: “Tôi chủ yếu viết dựa theo cảm xúc từ những hồi ức về những câu chuyện có thật, những kỷ niệm, những điều bản thân được nếm trải. Vâng, chiến tranh là điều không ai mong muốn. Dẫu tập thơ có nhiều dòng ký ức, những câu chuyện khác nhau, nhưng tiêu đề thì tôi lại muốn nhấn mạnh về những hy sinh của những thế hệ gìn giữ hòa bình, có những người đi nhặt lá rừng như vậy thì mới có cuộc sống hôm nay... Nhớ lại những đau thương hôm qua để thấy hết giá trị của những ngày tháng hòa bình hôm nay”.
Là nghệ sĩ, dẫu không qua trường lớp nào về nghệ thuật, nhưng với năng khiếu và tình yêu dành cho nghệ thuật, những tác phẩm về thơ ca, nhạc họa của nhà thơ Nguyễn Văn Tám đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng, nhiều tác phẩm của ông đã để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Hẳn rằng, tác phẩm “Người đi nhặt lá rừng” cũng sẽ để lại những khoảng lặng khó quên trong lòng người đọc.
Theo Đinh Trang/Báo Đà Nẵng