5 vị đại khoa cùng tỉnh Quảng Nam cùng đỗ trong khoa thi Mậu Tuất (1898).
Những tài hoa xứ Quảng
Năm tân đại khoa đồng hương và đồng khoa, gồm 3 Tiến sĩ: Phạm Tuấn, Phạm Liệu, Phan Quang; 2 Phó bảng: Dương Hiển Tiến, Ngô Lý (Chuân).
Phạm Tuấn, tự là Hỷ Thần, hiệu là Văn Luân, sinh năm 1852, mất năm 1917, quê xã Xuân Đài, tổng Phú Khương Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn). Ông vốn tên Phạm Tấn, sau đổi thành Phạm Trọng Tuấn, rồi Phạm Tuấn.
Năm Mậu Dần (1878), ông đỗ Tú tài và năm kế tiếp đỗ Cử nhân. Theo tư liệu "Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn", từ năm 1885 Phạm Tuấn đã ra Huế thi Hội rồi thi Đình đều trúng cách, song chưa kịp truyền lô (lễ tuyên chỉ của hoàng đế chính thức công nhận học vị) thì xảy ra sự biến thất thủ kinh đô và vua Hàm Nghi xuất bôn. Chiếu luật lệ, kết quả thi khoa ấy bị hủy.
Phạm Tuấn lĩnh chức Bang tá phủ Điện Bàn, rồi được bổ làm Huấn đạo Quế Sơn quyền Tri huyện Hà Đông (Tam Kỳ), đến năm 1898 thì làm Giáo thụ phủ Thăng Bình. Tài liệu này cũng cho biết năm Mậu Tuất (1898), Phạm Tuấn dự thi Hội lần thứ 2 và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, vì thế còn được người địa phương gọi là "ông nghè nhị khoa Tiến sĩ". Bấy giờ Phạm Tuấn đã 46 tuổi, hơn Phạm Liệu và Phan Quang những 21 tuổi.
Năm Kỷ Hợi (1899), Phạm Tuấn được bổ làm Thừa biện bộ Lễ. Năm Nhâm Thân (1902), làm Thị giảng học sĩ. Năm Mậu Thân (1908), làm Đốc học Hà Tĩnh, hàm Quang lộc tự thiếu khanh. Năm Quý Sửu (1913), ông về hưu được thăng hàm Hồng lô tự khanh. Năm Tân Tỵ (1917), ông qua đời tại quê nhà.
Người thứ 2 là Tiến sĩ Phạm Liệu, tự là Tăng Phố, sinh năm 1873 quê làng Trừng Giang, tổng Hòa Đa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn). Năm 1894, ông đỗ Cử nhân, năm Mậu Tuất (1898) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân và lưu lại Huế học tiếng Pháp tại Tứ Dịch quán.
Năm Tân Sửu (1901), được bổ làm Tri huyện Đông Sơn rồi Tri phủ Nga Sơn (Thanh Hóa). Năm 1905, làm Chủ sự bộ Hình rồi Chủ sự Quốc sử quán. Năm 1908, làm Tri huyện Phù Cát (Bình Định). Năm 1912, làm Viên ngoại phụ chánh Cơ mật viện, hàm Quang lộc tự thiếu khanh.
Khoa thi năm Quý Sửu (1913), ông nhận lệnh làm quan duyệt quyển cùng với Nguyễn Thiện Hành – Biện lý bộ Học. Hai năm sau, được thăng hàm Hồng lô tự khanh, làm Phó chủ khảo trường thi Hương tại Nghệ An. Trải qua nhiều chức trọng quyền cao nơi triều chính, như Tham tri bộ Công và Tham tri bộ Lại, đến năm Kỷ Tỵ (1929) còn được bổ làm Thượng thư bộ Binh.
Năm 1833, vua Bảo Đại cải tổ nội các, bãi nhiệm cùng lúc 5 Thượng thư, trong đó có Phạm Liệu. Ông về hưu tại quê nhà và mất ngày 21/11/1937. Một trong những người con của Tiến sĩ Phạm Liệu là nhà thơ tài hoa bạc mệnh Phạm Hầu (1920 – 1944) từng được Hoài Thanh - Hoài Chân giới thiệu trong tập "Thi nhân Việt Nam" rằng: "Ở giữa đời, Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi".
Vén mây năm phụng đã bay rồi
Người thứ ba là Tiến sĩ Phan Quang, tự là Quế Nam, sinh năm Quý Dậu (1873), quê xã Phước Sơn, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn). Ông là bạn đồng niên, đồng môn, đồng khoa với Tiến sĩ Phạm Liệu: Cùng học trường Đốc tại Quảng Nam, cùng đỗ Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên, cùng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Mậu Tuất (1898) rồi cùng lưu lại Huế luyện Pháp văn tại Tứ Dịch quán.
Năm 1901, ông được bổ làm Tri huyện Lệ Thủy rồi Tri huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Chính tại mảnh đất cằn cỗi này, Tiến sĩ Phan Quang đã thể hiện khí phách "hay cãi" của người xứ Quảng. Dù là một vị quan trẻ, ông vẫn mạnh dạn phản đối tăng thuế vì thấu hiểu dân tình khốn khổ, phải lao động lam lũ biến sỏi đá thành sắn gạo, không đủ tiền nộp thuế.
Sau nhiều năm làm quan luân chuyển qua các địa phương duyên hải miền Trung, đến năm 1926 được điều về kinh đô làm Thị lang rồi Tham tri bộ Hình. Năm 1930 ông được phong hàm Lễ bộ Thượng thư trước khi về hưu. Sau khi về hưu, ông vận động triều đình lập trường tiểu học cho nhân dân trong huyện.
Trường Tiểu học Quế Sơn ra đời năm 1937, là một trong những trường học hiếm hoi ở miền Trung lúc bấy giờ. Tiến sĩ Phan Quang đã có câu đối đắp ở cổng trường: Nền Tây tự, cuộc Tây viên, bức vẽ thợ trời thêm cảnh tượng/ Non Phước Sơn, nền Phước Đức, tiếng vang sấm dậy đất Nam bang.
Năm 1939, ông mất tại quê nhà, thọ 67 tuổi. Người bạn cũ Lương Thúc Kỳ đã khóc ông với câu đối: Biên tịch cựu giao, hà thượng song ngư vô nhất tự/ Bể hồi vãn sự, vân biên ngũ phụng dĩ tề phi (Xa cách bạn xưa, tin cá mấy lời đều vắng cả/ Nhớ về chuyện cũ, vén mây năm phụng đã bay rồi).
Tác phẩm của Phan Quang do hai cuộc chiến tranh tàn phá nên không gìn giữ được. Ông chỉ còn để lại một ít bài thơ còn truyền miệng trong dân gian. Ông được đánh giá là vị quan thanh liêm, chính trực biết lo cho dân. Cho đến nay dân địa phương vẫn ưu ái gọi ông là cụ Thượng Phước Sơn.
Vị đại khoa thứ tư là Phó bảng Dương Hiển Tiến, sinh năm Bính Dần (1866), người làng Cẩm Lũ, tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn). Năm 1891, ông đỗ Cử nhân. Năm Mậu Tuất (1898), đỗ Phó bảng. Năm 1907, Dương Hiển Tiến lâm bệnh thương hàn và mất ở quê nhà.
Người cuối cùng là Phó bảng Ngô Lý (còn có tên khác là Ngô Chuân, Ngô Trân), sinh năm 1873 tại làng Mông Lãnh, tổng Phú Xuân, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình. Do gia cảnh bần hàn, cha mất sớm nên ông phải cùng mẹ qua ngụ cư làng Cẩm Sa.
Năm 1894, ông đỗ Cử nhân. Năm Mậu Tuất (1898), đỗ Phó bảng. Kế đó, được bổ làm Tri huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Thế nhưng, chẳng may lâm trọng bệnh, Ngô Lý yểu tử lúc đương chức vào năm Kỷ Hợi (1899).
Trong một nguồn tư liệu về khoa bảng có nhắc Ngô Lý nguyên là học trò của Hoàng giáp Phạm Như Xương và Ngô Lý mất khi làm Tri huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), được nha môn tẩm liệm tử tế, đoạn tức tốc đưa về làng Cẩm Sa mai táng.
Trong "ngũ phụng", Phó bảng Ngô Lý xem ra là người lặng lẽ hơn cả. Có khá ít tư liệu nhắc đến ông. Sau này, hậu duệ của Ngô Lý kể rằng, sau khi "Ngũ phụng tề phi" vinh quy, có tộc lớn trong làng cho rằng tộc Ngô là "tộc lẻ" ở nơi khác đến mà đỗ đạt cao nên nảy sinh đố kỵ.
Sau khi lâm bệnh qua đời, thi hài Ngô Lý đưa về làng nhưng mộ buộc phải dời đến một nơi khác trong làng Cẩm Sa. Mãi đến năm 2000, chính quyền địa phương cùng gia đình viết đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí trùng tu mộ Phó bảng Ngô Lý – một nấm mộ nhỏ chưa đến 10m2.
Sự kiện để đời lịch sử khoa bảng
Tương truyền, khi Tổng đốc Quảng Nam là Ðào Tấn nhận được tin Quảng Nam có 5 vị đỗ đại khoa thì vui mừng mở tiệc đón rước.
Sách "Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn" viết rằng: "Tổng đốc và Đốc học Quảng Nam hồi đó là Đào Tấn và Trần Đình Phong đã mở tiệc tại Khán hoa đình cạnh dòng sông Vĩnh Điện để chiêu đãi", và thay vì tổ chức một buổi đón tiếp ở dinh Tổng đốc, Đào Tấn đã định tiếp đón và chiêu đãi các tân khoa tại Thanh lương tân và nơi đây đã trở thành Khán hoa đình: Tháng 5 năm ấy (1898) nghe tin học trò Quảng Nam vào điện thí, đậu Tiến sĩ ba người, Phó bảng hai người, ông (Đào Tấn) nói với ta (Tiểu Cao): "Nhà hát chưa có tên, nay được tin mừng ngày tới các ông tân khoa vinh quy, chúng ta nên đặt tiệc ở đó và đặt tên nhà hát là Khán hoa đình".
Và người dân Quảng Nam trong niềm hãnh diện chung đã lũ lượt đi từ Vĩnh Ðiện đến chân Hải Vân quan để chào đón 5 vị tân khoa "Ngũ phụng tề phi". Dọc hai bên đường từ đèo Hải Vân đến Vĩnh Ðiện, hương lý sức dân quét dọn sạch sẽ.
Mỗi làng đều đặt một bàn hương án bên vệ đường trong địa phận làng mình, nơi các tân khoa đi ngang qua. Vị chức sắc cao nhất trong làng, trang phục chỉnh tề, áo rộng, khăn đóng, cùng thân hào nhân sĩ trong làng chuẩn bị sẵn sàng nghênh đón.
Các vị tân khoa đi ngựa sau 4 chữ "Ân tứ vinh quy" của vua ban (hiện tại nhà thờ Tiến sĩ Phan Quang ở Quế Sơn còn giữ tấm biển này). Mỗi lần đến nơi có bàn hương án thì xuống ngựa, đón nhận sự vái chào và chào trả lễ của hương chức sở tại. Xong, được mời ăn một miếng trầu cau hoặc hút một điếu thuốc, uống một chén rượu mừng bày tỏ niềm phấn khởi, rồi lại lên ngựa từ từ tiến về Vĩnh Ðiện.
Thời bấy giờ chưa có cầu Vĩnh Ðiện nên đám rước được người dân đưa qua sông bằng ghe. Lúc lên bờ phía Vĩnh Ðiện – một trong năm con phụng, Phó bảng Ngô Lý nguyên nhà rất nghèo, ngụ cư tại Cẩm Sa xúc động mạnh trước cuộc đón rước quá long trọng đến nỗi chưa bao giờ dám mơ tuởng đến. Bởi vậy lúc lên bờ, không hiểu sao ông rời đám rước, một mạch chạy bộ về Cẩm Sa. Do đó, tại bữa tiệc do Tổng đốc Quảng Nam chiêu đãi, vắng mặt Phó bảng Ngô Lý.
Theo giai thoại văn chương, quan niệm của nho học ngày trước thì thi cử đạt học vị cao, xã hội phải kính nể, trọng vọng. Những vị đỗ từ Ðệ tam giáp trở lên, được vua ban áo mũ, cưỡi ngựa xem hoa trong vườn Thượng Uyển và dự yến tiệc với vua. Trong khi đó, các vị Phó bảng chỉ được áo mũ chứ không được dự yến và cưỡi ngựa xem hoa, ngắm tà áo tím của cung phi mỹ nữ yêu kiều.
Bởi vậy, trong bữa tiệc chào đón các tân khoa, Tổng đốc Ðào Tấn hình dung ba vị Tiến sĩ tốt số như ba tiên ông, đang ngự du nguyệt điện, chuyện vãn với Hằng Nga, ngâm thơ chuốc rượu. Còn hai Phó bảng không được nhập điện, thì như hai chú tiểu đồng, đứng ngoài trông vào, thèm thuồng ham muốn, trộm lấy bút mực vẽ bóng chị Hằng để khuây lòng hoài vọng. Cũng vì thế mà Đào Tấn đã tặng hai vị Phó bảng một bài thơ hài hước:
"Giang sơn thanh thục dị tài ba/ Tam quế tề khai nhất dạng ba/ Cánh hữu Quảng Hàm cung đợi khách/ Du tương thể tà Hằng Nga" (Non sông hun đúc lắm tài hoa/ Một loạt ba bông nĩ đậm đà/ Cung Quảng ngoài hiên còn khách đợi/ Trộm đem bút mực tả Hằng Nga).
Theo giới nghiên cứu, đến nay danh hiệu "Ngũ phụng tề phi" có 4 cách lý giải. Thứ nhất, sau khi 5 nho sinh Quảng Nam đỗ đại khoa đã được vua Thành Thái ban bốn chữ "Ngũ phụng tề phi". Thứ hai, bốn chữ này xuất phát từ lá cờ do Tổng đốc Ðào Tấn tặng các tân đại khoa khi trở về Quảng Nam vinh quy bái tổ.
Thứ ba, cũng liên quan lá cờ thêu nhưng là của đoàn hát bội do Đào Tấn lập để diễn các vở tuồng do ông soạn. Thuyết thứ tư cho là điển tích Trung Hoa thời nhà Tống có 5 người cùng quận Lư Lăng trúng tuyển Hàn lâm học sĩ, sau đó xuất hiện thơ mừng "Ngũ phụng tề phi nhập hàn lâm". Do tích này, dân gian biết được chuyện xưa đã vinh danh 5 vị đại khoa Quảng Nam là "Ngũ phụng tề phi".
Theo Trần Siêu/Giáo Dục và Thời Đại