Trên quỹ đạo hiện đại hóa
Nếu các nghiên cứu về hát đối, kiến trúc nhà sàn, về văn minh và các tập tục tập quán, hội hè, lễ tết, tín ngưỡng cho thấy Nguyễn Văn Huyên có chủ ý nhận diện các thiết chế văn hóa bền vững của Việt Nam truyền thống thì tìm hiểu địa lý hành chính, bởi độ phức tạp và mới mẻ mà nó đem đến, lại chứng minh một Nguyễn Văn Huyên tinh tế nhìn ra điểm huyệt có thể nói là nhạy cảm bậc nhất trong cấu trúc xã hội Việt Nam đang trên đường bước vào quỹ đạo hiện đại hóa ở giai đoạn đầu thế kỷ XX: cách phân chia, quản trị các đơn vị hành chính theo quyền lực địa phương và quản lý của nhà nước.
Tại sao và những tác nhân nào đã thúc đẩy Nguyễn Văn Huyên lựa chọn triển khai chủ đề nghiên cứu này; những đòi hỏi cấp bách gì và hiệu quả của chủ đề nghiên này đến đâu, đó là các câu hỏi rất đáng bàn luận, và hơn nữa, đáng để gợi mở suy ngẫm tại thời điểm hôm nay, khi chúng ta đang chứng kiến một số biến động lớn về địa chính trị và địa lý hành chính trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Khác truyền thống ghi chép địa chí, địa dư (historical geography) của trí thức trung đại, mà Nguyễn Trãi [1380 - 1442] với Dư địa chí, Lê Quang Định [1759 - 1813] với Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Huy Chú [1782 - 1840] với Địa chí trong Lịch triều hiến chương loại chí… là điển hình, nhận thức về địa lý hành chính (administrative geography) đòi hỏi phải có một nắm bắt về bối cảnh chính trị, xã hội và khoa học phức tạp hơn. Nguyễn Văn Huyên, theo tôi, đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự nắm bắt này dựa trên vốn học vấn hiện đại, vốn học thuật dày dặn và một tinh thần ôn cố tri tân đạt đến chín muồi.
|
Nghiên cứu địa lý hành chính của Nguyễn Văn Huyên được thừa nhận là kinh điển của học thuật Việt Nam. Nguồn: NN |
Trước hết, địa lý hành chính không chỉ ghi chép về sự biến đổi diên cách địa lý của từng đơn vị hành chính theo chiều dài lịch sử, mà quan trọng hơn, còn phải nhìn thấy sự biến đổi đó như là kết quả của các trường lực chính trị, quản trị nhà nước/địa phương tham gia vào. Địa lý hành chính thể hiện sự phân chia lãnh thổ quốc gia thành các vùng, các phạm vi địa lý nhỏ hơn để thuận bề quản lý và điều hành.
Yếu tố hành chính, vì thế, có thể cắt nghĩa theo cách hiểu hiện đại, là sự quản trị hành chính, quản trị công của chính quyền. Quản trị công (public administration), một mặt, thể hiện chức năng của nhà nước thông qua hệ thống các quy định, luật pháp chung, mặt khác, bộc lộ quan điểm tổ chức của chính quyền thông qua sự phân chia, phân cấp các đơn vị hành chính.
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, việc phân chia các đơn vị này, tuy có nhiều biến đổi, nhưng không hề giảm thiểu sự phức tạp, rắc rối mà chúng ta vẫn chứng kiến sự tồn tại của chúng đến hôm nay, từ đơn vị thôn/xóm/làng, xã cho đến tổng, huyện, tỉnh, vùng/miền/khu vực…
Nguyễn Văn Huyên, rõ ràng, hoàn toàn có lý khi chọn hai trong số nhiều kiểu tổ chức hành chính của Việt Nam truyền thống là tổng và tỉnh để tái hiện quá trình phân cấp quản lí địa phương của nhà nước và đồng thời, cung cấp một bức tranh khá đặc thù, riêng khác về cấu trúc tổ chức địa phương Việt Nam vốn dựa vào nền sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.
Chính đơn vị hành chính tỉnh và tổng, như Nguyễn Văn Huyên diễn giải, mới bộc lộ mối quan hệ cắc cớ giữa quyền lực địa phương và pháp luật nhà nước mà dân chúng, trong một thái độ có phần bỗ bã, đã diễn đạt ngắn gọn rằng “phép vua thua lệ làng”. Và cũng thông qua nghiên cứu tỉnh và tổng, Nguyễn Văn Huyên sẽ cho độc giả hình dung được mạng lưới giằng co và thỏa thuận quyền lợi kinh tế, đất đai kéo dài, gần như là bản chất cộng cư, của cộng đồng dân chúng vốn có chung một đơn vị hành chính.
Làng xã - “đất dụng võ” của quyền lực địa phương
Nhận thức về địa lý hành chính của giới trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX chắc chắn còn bắt nguồn từ những biến động chính trị, xã hội vừa cũ vừa mới.
Cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mệnh vào năm 1831 - 1832 để lại dấu ấn đậm nét trong cấu trúc phân tầng quyền lực của nhà nước phong kiến. Cuộc cải cách này lần đầu tiên đặt ra đơn vị hành chính tỉnh mà Bắc Ninh là trường hợp tiêu biểu, đúng như tổng kết của Nguyễn Văn Huyên: “Vua Gia Long, người sáng lập ra nhà Nguyễn hiện nay, khi mới lên ngôi, đã chia cả nước làm 24 trấn, 4 doanh và 2 thành. Bấy giờ xứ Kinh Bắc được gọi là trấn Kinh Bắc. Dưới triều Minh Mệnh (1820 -1840), năm thứ ba (1822), nó trở thành Bắc Ninh trấn, rồi đến năm Minh Mệnh thứ mười hai (1831), nó lại trở thành tỉnh Bắc Ninh”.
Cuộc cải cách hành chính quan trọng này, dù vậy, sẽ bị xáo trộn ngay khi thực dân Pháp xâm lược và sau đó, là quá trình thiết lập chế độ thuộc địa. Khi chính quyền Liên bang Đông Dương thuộc Pháp ra đời (1887), quyền lực hành chính của các cơ quan nhà nước thuộc địa trở nên trực tiếp và mạnh mẽ hơn, kéo theo sự thay đổi trong chất lượng, cách thức quản lý công của nhà nước.
Nguyễn Văn Huyên sẽ đề cập bối cảnh này trong một vài dẫn chứng cụ thể khi phân tích tổng Dương Liễu, chẳng hạn như sự gia tăng dân số và giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh vào thời điểm 1939 - 1942 nhờ vai trò của nhà hộ sinh, một thiết chế chăm sóc sinh sản hiện đại so với phương pháp đỡ đẻ truyền thống. Việc đăng ký khai sinh, đăng ký hộ tịch nhân khẩu để phục vụ điều tra dân số, theo đó, cũng quy củ và có tính chính xác cao hơn như nhận định của Nguyễn Văn Huyên: “Nhìn những con số này, ta có cảm tưởng rằng nhà chức trách của các làng này đã thực sự tìm cách thực hiện cuộc điều tra một cách rất vô tư. Chắc chắn họ không tìm cách che giấu ít nhiều đồng bào của mình để trốn một thứ thuế tưởng tượng hoặc tìm cách kê khai nhiều hơn thực tế để hy vọng kiếm được nhiều gạo hoặc đường hơn”.
Sự thay đổi có lẽ không phải ở diện rộng tại các vùng nông thôn, dù sao, đã chứng thực chính quyền thuộc địa đang có những biện pháp quản lý dân cư mới, kèm một thái độ cứng rắn hơn với tình trạng buông lỏng kê khai dân số. Nguyễn Văn Huyên, nhờ thế, không chỉ có số liệu dân số để phân tích và so sánh giữa các làng trong một tổng mà còn đánh giá được sự biến động quy mô dân số, điều kiện y tế và giáo dục, cùng tính chất ràng buộc lợi ích kinh tế giữa các làng có chung ranh giới địa lý.
Có thể nói, đến thời điểm Nguyễn Văn Huyên nghiên cứu địa lý hành chính một tổng An Nam thì chính quyền nhà nước thuộc địa đã cố gắng vươn quyền lực quản lý xuống đến các địa bàn làng xã nhưng, như sẽ đề cập thêm dưới đây, làng xã vẫn là “đất dụng võ” của quyền lực địa phương theo những trật tự và luật lệ được thiết lập rất chặt chẽ.
Các nghiên cứu về địa lý hành chính, địa lý nhân văn, địa lý chính trị về Việt Nam theo nhãn quan và hiểu biết của người Pháp cũng có thể thúc đẩy Nguyễn Văn Huyên, với tư cách là một trí thức Việt, lên tiếng giới thiệu thêm những quan sát, kết quả thực địa của mình. Các trí thức Pháp dù sắc sảo và có trong tay một số phương pháp nghiên cứu hiện đại vẫn khó nhìn thấu suốt, nếu không muốn nói là đành phải đứng ngoài, khi xem xét cách thức tổ chức hành chính của các đơn vị như làng/xã/tổng. Không đơn vị hành chính nào ở Việt Nam, cho đến đầu thế kỷ XX, lại bảo lưu các đặc thù tổ chức hành chính phức tạp như làng xã. Bởi thế, khi Nguyễn Văn Huyên trình bày nghiên cứu tổng Dương Liễu, ông đã phải cảm thán: “hỡi ôi, không phải lúc nào cũng dễ dàng nhìn rõ qua lũy tre làng. Ta cần phải rất kiên nhẫn”.
Không chỉ kiên nhẫn, Nguyễn Văn Huyên còn dùng các kĩ thuật của địa lý nhân văn, hành chính (thực địa và vẽ, phân tích bản đồ chẳng hạn) để cung cấp “một mỏ thông tin” như ông khẳng định. Nhìn theo hướng phát triển của ngành khoa học địa lý nhân văn, hành chính mà người Pháp khởi sự tại Việt Nam bấy giờ, có thể nói Nguyễn Văn Huyên là học giả sớm có mặt và đẩy xa một số chủ đề nghiên cứu, đem đến nguồn thông tin giá trị trong việc xây dựng vốn hiểu biết căn bản về Việt Nam truyền thống.
Cốt lõi cộng sinh
Trong nhiều thông tin khoa học mà Nguyễn Văn Huyên gợi ra khi nghiên cứu tổng Dương Liễu, tôi nghĩ rằng những diễn giải, biện luận về cách duy trì cộng cư giữa các làng trong một tổng là điểm rất đáng lưu tâm.
Theo Nguyễn Văn Huyên, tổng Dương Liễu thuộc huyện Đan Phượng (tỉnh Hà Đông), gồm năm làng: Dương Liễu, Quế Dương, Mậu Hòa, Cát Ngòi và Yên Sở. Trong đó, ba làng là Quế Dương, Dương Liệu và Mậu Hòa có “một ngôi đình chung được xây dựng ở làng Dương Diễu, nằm trên thềm sông lớn, lưng tựa vào đê. Đình này thờ Lý Phục Man”. Thiết chế mang tính nghi lễ và tín ngưỡng này, một cách lâu dài, đã cố kết người dân ba làng với nhau, cả về quyền lợi lẫn trách nhiệm, bổn phận.
|
Một bản đồ vẽ tay trong nghiên cứu địa lý hành chính của Nguyễn Văn Huyên. Nguồn: NN |
Nguyễn Văn Huyên nhận xét, dù ba làng có tập quán khác nhau nhưng “họ đã nỗ lực đoàn kết dưới sự bảo trợ cao độ của các thần để bảo vệ an toàn cho người, mùa màng, và đặc biệt là để khai thác những vùng đất phù sa rộng lớn và màu mỡ của sông Đáy luôn bị các làng xung quanh tranh chấp, nhất là những làng bên kia sông”.
Như vậy, trong mô hình tổ chức hành chính tổng Dương Liễu, yếu tố an ninh tinh thần và an ninh sinh kế - chúng ta có thể nói về hai bài học nằm lòng theo ngôn ngữ hiện đại như vậy, đóng vai trò là khóa chốt cho sự tồn tại yên ả, lâu dài của cộng đồng dân cư. Mỗi một làng và nhỏ hơn, mỗi một người dân, đều cảm thấy có thần linh phù hộ, có lợi ích kinh tế và có “khoảnh của mình” để canh tác mùa màng, thu lợi hoa màu.
Dù từng xảy ra tranh chấp, tranh cãi gay gắt, kiện tụng nhưng “lợi ích chung thường làm cho các làng nỗ lực hòa hợp với nhau”. Cốt lõi cộng sinh tưởng như đơn giản này, trên thực tế, đều phải trải qua các thao tác quản trị bền bỉ, các hương ước, giao kèo, các cuộc họp và bàn nghị không ngừng của tầng lớp chức sắc, quan viên ở làng/tổng. Những nhịp đập hành chính đầy sức nóng, như Nguyễn Văn Huyên đã dựng lại, cho thấy câu chuyện quản trị nông thôn chưa bao giờ đơn giản, nhưng cũng không quá khó khăn nếu giải quyết được vấn đề cơm ăn áo mặc, sinh hoạt tín ngưỡng và đảm bảo “miếng giữa làng” hợp lý cho mỗi người dân.
Trong nghiên cứu tổng Dương Liễu, Nguyễn Văn Huyên cũng đề cập đến tổ chức giáp. Theo ông, nam giới trong làng tập hợp với nhau “thành từng hội gọi là giáp […]. Những người vào cùng giáp vì là hàng xóm của nhau, hoặc theo họ hàng, hoặc thậm chí vì cảm tình hoặc sở thích cá nhân”. Ở làng Quế Dương, có tới “22 giáp hoàn toàn độc lập với nhau” với tổng thành viên là 2.000, giáp lớn nhất có 245 thành viên, giáp nhỏ nhất chỉ có 6 thành viên. Tổ chức giáp, một lần nữa, chứng minh cách liên kết, vận hành quyền bính ngấm ngầm ở nông thôn, một kiểu “network” làng xã không chấp nhận những cá nhân tồn tại đơn độc.
Trong các giáp này, Nguyễn Văn Huyên nói thêm, “ngôi thứ của các thành viên được xác định theo thời gian vào giáp của mỗi người. Địa vị xã hội, dù quan trọng đến đâu, cũng không được tính là đặc quyền của thành viên trong nhóm”. Kết quả là, một cách thực dụng, người nông dân “nhanh chóng đăng ký vào giáp cho con trai ngay khi nó vừa ra đời”. Như vậy, nếu không đứng trong giáp, bất kì ai cũng có thể gặp rủi ro, bất trắc và thua thiệt trong ngôi thứ, địa vị và quyền lợi công sản, đất công.
Nguyễn Văn Huyên không đi sâu nghiên cứu tổ chức giáp, đối tượng mà về sau, học giả Từ Chi đã triển khai tương đối kỹ hơn trong Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc bộ (1984). Nhưng phác thảo của Nguyễn Văn Huyên về tổ chức giáp thực tế ở tổng Dương Liễu đã ít nhiều hé mở căn nguyên của tình trạng cá lớn nuốt cá bé, bằng mặt không bằng lòng trong cộng đồng dân cư, mặc dù, như Nguyễn Văn Huyên lưu ý, “không nên quan trọng hóa xung đột giữa các làng”.
Nguyễn Văn Huyên khép lại nghiên cứu địa lý hành chính tỉnh và tổng vào năm 1944. Bởi tình hình chiến tranh, ông chưa thể in thành sách và xuất bản nghiên cứu này. Tuy thế, cũng như các nghiên cứu khác của ông đã được thừa nhận là kinh điển của học thuật Việt Nam, càng có độ lùi thời gian, nghiên cứu địa lý hành chính của Nguyễn Văn Huyên càng có giá trị tham khảo, khơi mở cho hậu thế.
Theo Mai Anh Tuấn/Khoa học phát triển