"Nghẹt thở" hành trình 3 lần ám sát Ngô Đình Diệm của anh hùng Mười Thương

Google News

Anh hùng LLVTND Hà Minh Trí vừa qua đời ngày 5/5/2020, hưởng thọ 85 tuổi. Ông có cuộc sống bình dị khiến ít người biết ông là người bắn trực diện vào Ngô Đình Diệm tại Ban Mê Thuột năm 1957 và được ví như "Kinh Kha nước Việt".

Đám giỗ sống
Được Mỹ đặt vào chiếc nôi chính trị tại miền Nam Việt Nam và ru ngủ bằng chiêu bài "chống hiểm họa xâm lăng của Cộng sản", Ngô Đình Diệm và thuộc hạ trở thành những kẻ mộng du cuồng tín, ra sức giết hại đồng bào, triệt tiêu các giáo phái và đàn áp thô bạo các lực lượng cách mạng.
Trong khi đó, tôn trọng Hiệp định Geneve, ta chủ trương đấu tranh chính trị phi vũ trang. Được thể, chính quyền họ Ngô ra sức đàn áp phong trào cách mạng bằng những thủ đoạn tàn ác nhất.
Ông Mười Thương kể lại chuyện chiến đấu năm xưa. 
Trước tình hình ác liệt đó, theo gợi ý của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ - Người soạn thảo và đề ra Cương lĩnh Cách mạng miền Nam - từ tháng 10/1956, một số địa phương đã chủ động bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ cơ sở Đảng bằng cách thành lập Tổ Trừ gian diệt ác (Đến năm 1959, Đại hội III Trung ương Đảng mới ra Nghị quyết 15 với chủ trương "đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang").
Tây Ninh là một trong những địa phương sớm thành lập Ban Địch tình do đồng chí Lâm Kiểm Xếp làm Trưởng ban, Phan Văn Điền tức Phạm Công Phú, tức Mười Thương - một chiến sĩ cách mạng được huấn luyện đào tạo tư duy cách mạng, kỹ năng hoạt động đặc tình từ tuổi thiếu niên, đã từng len vào hàng ngũ địch với chức vụ Phó ty Thông tin - là Ủy viên phụ trách Tổ Trừ gian diệt ác.
Ngay sau đó, đồng chí Mai Chí Thọ, lúc ấy là Xứ ủy viên, Phó ban Địch tình Xứ ủy phụ trách miền Đông Nam Bộ về tận Tây Ninh triển khai nhiệm vụ đã chỉ đạo cho ông Lâm Kiểm Xếp phải tổ chức cho Tổ Trừ gian diệt ác ám sát Ngô Đình Diệm nhằm dằn mặt Mỹ và tạo thế ly gián nội bộ địch.
Ông Mười Thương nhớ lại: "Anh Mai Chí Thọ chỉ đạo trực tiếp cho tôi và anh Lâm Kiểm Xếp: Các em phải ám sát cho được Ngô Đình Diệm để trả thù cho anh em đồng chí đồng bào đã bị chúng sát hại dã man, tàn bạo. Người nhận nhiệm vụ ám sát phải chấp nhận hy sinh mạng sống mình. Nếu bị địch bắt thì phải khai Mai Hữu Xuân là kẻ tổ chức ám sát Diệm để tạo mâu thuẫn trong nội bộ chúng".
Là tổ trưởng, ông Mười Thương chịu trách nhiệm chính trong việc lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ táo bạo này. Sau 2 lần lỡ dịp thực hiện kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm tại Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh và tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nghe tin Diệm sẽ tham dự Hội chợ kinh tế thương mại cao nguyên tại Ban Mê Thuột vào ngày 22/2/1957, ông Lâm Kiểm Xếp đã chỉ đạo ông đến tận nơi đó 2 lần điều nghiên phương án tác chiến.
Sau khi nghe báo cáo kết quả nghiên cứu kỹ địa hình, kế hoạch tổ chức của địch và kế hoạch ám sát Diệm tại hội chợ này xong, ông Lâm Kiểm Xếp yêu cầu Mười Thương chọn "Kinh Kha". Nhận thấy rõ, đó là một nhiệm vụ "không có lối thoát ", người cảm tử sau khi thực hiện nhiệm vụ ám sát xong chỉ có một con đường duy nhất là chết, ông Mười Thương đề xuất chính mình sẽ là người thực hiện nhiệm vụ. Lúc ấy ông chỉ mới 22 tuổi.
Ông phân tích: "Hầu hết anh em trong đội ám sát đều có vợ con, gia đình, nếu 1 người hy sinh sẽ có nhiều người thân đau khổ, còn tôi đơn thân một mình, nếu chết, sẽ nhẹ nhàng hơn". Ông Lâm Kiểm Xếp đồng ý lựa chọn của Mười Thương. Ban Địch tình Tỉnh ủy đã làm ngay cho ông một giấy chứng minh thư giả mang tên Hà Minh Trí.
Chốt lại, Ban Địch tình nhấn mạnh: Mười Thương phải thi hành 2 "loạt đạn". Loạt thứ nhất là xả đạn trực diện vào ngực lên đến đầu để tiêu diệt Ngô Đình Diệm. Nếu người cảm tử chưa hy sinh mà bị bắt thì bắn tiếp "loạt đạn" thứ hai, khai cho Mai Hữu Xuân và lực lượng Cao Đài ly khai tổ chức ám sát Diệm nhằm ly gián nội bộ địch.
Trước ngày lên đường thực hiện nhiệm vụ, ông Lâm Kiểm Xếp tổ chức một bữa tiệc cuối cùng gọi là "đám giỗ sống" để thết đãi Mười Thương tại nhà ông Ba Thẩn - một cơ sở cách mạng ở xã Tân Phước, huyện Gò Dầu, Tây Ninh. Bữa ăn thịnh soạn thời kháng chiến chỉ là bánh tráng cuốn cá lòng ròng (cá lóc con) chiên xù. Bữa tiệc còn có ông Tư Mừng - Bí thư Ban Địch tình và cô Bảy Nhanh. Buổi đưa tiễn người cảm tử đi vào cõi chết không có không khí bi lụy mà lại... vui ngất trời.
Bây giờ nhớ lại bối cảnh đó, ông Mười Thương bảo: "Khi làm cách mạng, tất cả anh em chúng tôi đều luôn nghĩ đến ngày hy sinh cho Tổ quốc, cho cách mạng, cho Đảng nên hầu như chẳng băn khoăn gì, chẳng suy nghĩ gì trước cái chết. Ai cũng "sung" cả. Tôi cũng thế. Biết chuyến công tác sẽ kết thúc bằng cái chết nhưng tôi rất phấn khởi vì tôi vinh dự được trực tiếp tiêu diệt kẻ thù nguy hiểm nhất. Tôi chỉ nhớ đến các anh em đồng đội trong tổ đã từng bị địch sát hại dã man".
Tầm đạn 6 năm và kế hoạch ám sát tưởng như không hoàn hảo
Giờ khai mạc hội chợ đã điểm, Mười Thương xả "loạt đạn thứ nhất" vào ngực Diệm. Nhưng chỉ một viên đạn bay khỏi nòng đúng vào lúc một bộ trưởng chen vai lên trước Diệm để được phóng viên báo chí chụp ảnh. Viên bộ trưởng này vô tình đỡ viên đạn cho Diệm. Súng bị kẹt đạn.
Khi lập kế hoạch, ông đã đề xuất sử dụng lựu đạn nhưng cấp trên kiên quyết không đồng ý vì sợ sát thương người dân vô tội, mặc dù, ông khẳng định rằng, khi khai mạc hội chợ, người dân chưa được phép vào sân lễ mà chỉ có lực lượng cán bộ của chính quyền Diệm.
Rất lâu sau này, ông Mười Thương mới hiểu lý do cấp trên không cho sử dụng lựu đạn, vì thời điểm ấy, lúc nào bên cạnh Diệm cũng có một sĩ quan tham mưu Biệt bộ Phủ tổng thống kè sát. Đó là ông Phạm Ngọc Thảo, một tình báo của ta cấy vào hàng ngũ địch. Nếu sử dụng lựu đạn thì Diệm chết chắc nhưng ông Phạm Ngọc Thảo cũng sẽ hy sinh.
Sau phát súng không trúng đích đó, Mười Thương bị An ninh Quân đội và Cảnh sát chìm, nổi xúm lại đánh hội đồng rồi bắt đưa về Tiểu khu Ban Mê Thuột. Người đầu tiên hỏi cung ông lại chính là Phạm Ngọc Thảo, có sự quan sát của Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến. Câu đầu tiên, ông Thảo hỏi: "Ai sai anh giết Tổng thống?". Mười Thương trả lời ngay: "Thiếu tướng Mai Hữu Xuân". Ông Mười Thương không hề biết người sĩ quan cao cấp ấy đang kiểm tra lời khai - loạt đạn thứ hai - của ông.
Năm 1993, phu nhân ông Phạm Ngọc Thảo tìm thăm ông đã kể lại, ông Thảo rất thán phục người chiến sĩ cảm tử.
Mặc dù ông đã khai Mai Hữu Xuân tổ chức ám sát Diệm nhưng địch vẫn cho Mai Hữu Xuân di lý ông từ Ban Mê Thuột về Sài Gòn trên một chiếc trực thăng. Đó là sự thu xếp ngầm của Ngô Đình Nhu để bẫy Mai Hữu Xuân.
Nếu Xuân đạp Mười Thương ra khỏi máy bay, có thể ai đó sẽ đạp Mai Hữu Xuân ngay rồi thu xếp cho báo giới rằng đó là tai nạn. Nhưng Mai Hữu Xuân hoàn toàn không biết lời khai của Mười Thương có dính đến y nên vẫn vô tư cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ áp tải. Và sự vô tư của Mai Hữu Xuân đã khiến Ngô Đình Nhu muốn xác định rõ lại lời khai của Mười Thương. Có nghĩa là Mười Thương phải chịu đòn tra tấn nhiều hơn.
Suốt 33 ngày liên tục nhận những đòn tra tấn tàn bạo nhất của những tên đồ tể chuyên nghiệp, ông chết đi sống lại nhiều lần. Trong khi nhận những trận đòn tra tấn, ông tự hệ thống lời khai cho mình bằng câu thuộc lòng: "Tập đoàn Mai - Dương - Nguyễn bên trong, cấu kết với tập đoàn Hinh - Tâm - Hữu bên ngoài, sử dụng mặt trận Cao - Thiên - Hòa - Bình tổ chức giết Ngô Đình Diệm, lật đổ chính quyền thân Mỹ, lập lại chính quyền thân Pháp ở miền Nam. Người chỉ huy trực tiếp là Thiếu tướng Cao Đài Nguyễn Văn Mạnh và Đại tá Cao Đài Nguyễn Văn Đờn".
Điều mà lịch sử đáng ghi nhận trong lời khai này là, khi giao nhiệm vụ, ông Mai Chí Thọ chỉ nêu mục tiêu ly gián cụ thể là Mai Hữu Xuân. Nếu người thực hiện không am tường tình hình chính trị địch - ta thì mức độ ly gián chỉ "giết" được duy nhất Mai Hữu Xuân. Nhưng ông Mười Thương là người rất am hiểu tình hình nội bộ Cao Đài, nội tình trong chính phủ Ngô Đình Diệm và sự tranh chấp chính trị của hai đồng minh Mỹ - Pháp tại Việt Nam nên ông đã chủ động mở rộng "tầm sát thương" của lời khai ly gián. Ngay khi mấp mé ở bờ vực tử thần, ông cũng biết tận dụng hiểu biết của mình và tình thế để đánh địch bằng lời khai.
Từ lời khai này mà ngay sau đó, Diệm đã ngầm tước quyền bính của những nhân vật có tên. Mai Hữu Xuân phải rời bỏ quyền lực Tổng giám đốc Nha An ninh Quân đội đi nhận nhiệm vụ đại sứ ở Philippines; "Người hùng rừng Sác" Dương Văn Minh đang là Tư lệnh Biệt khu Thủ đô kiêm Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định, đang chỉ huy hàng vạn binh lính bị đổi thành sĩ quan cạo giấy với chức vụ thật kêu là Tổng thư ký Bộ Quốc phòng nhưng không còn tý quyền lực nào; Luật sư Nguyễn Hữu Châu - anh rể của "Rồng cái Đông Dương" Trần Lệ Xuân được vợ là Trần Lệ Chi mật báo nguy hiểm, đã phải rời bỏ chức vụ Bộ trưởng Phủ tổng thống đào thoát sang Campuchia rồi vọt thẳng qua Pháp tá túc không dám quay về nước.
Các lực lượng công chức cao cấp thân Pháp trong chính quyền Diệm bắt đầu nhìn thấy cái ngụy quân tử của Diệm. Những mâu thuẫn này được nuôi dưỡng âm ỉ, dần trở thành một làn sóng ngầm chờ dịp lật đổ Diệm. Từ vế thứ hai của lời khai, chính quyền Mỹ đã từ bỏ ý định tạo chất xúc tác để cuộc đảo chính năm 1960 thành công nhằm xây dựng chính quyền liên tôn giáo đang được Pháp hậu thuẫn. Những công thần thuộc các giáo phái lần lượt bị Diệm - Nhu ám sát, thủ tiêu bí mật hoặc bị tước hết quyền đuổi về nhà chăn gà cho vợ.
Bị mất hết quyền bính, 2 viên đại công thần Xuân, Minh nuôi lòng hận thù Diệm. Lòng hận thù đó gặp chất xúc tác chính trị của Mỹ đã tạo thành cuộc đảo chính năm 1963, góp phần tạo động lực khiến anh em Diệm - Nhu bị sát hại trong chiếc xe bọc thép định mệnh.
Nhận định về giá trị của phát súng và lời khai đó đối với lịch sử của đất nước, năm 1992, tại TP HCM, Viện Khoa học Lịch sử Bộ Công an và một số tướng lĩnh nguyên lãnh đạo Ban Địch tình Xứ ủy như đồng chí Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Trần Quốc Hương, Ngô Quang Nghĩa, Nguyễn Thành Dương đã tổ chức kết luận: "Viên đạn nóng diệt Diệm tại Ban Mê Thuột tuy không trúng Diệm nhưng có tác dụng làm phát pháo kích thích phong trào quần chúng đấu tranh chống Mỹ - Diệm sau một thời gian trầm lắng. Tác dụng của lời khai đã tạo thành kết quả, dẫn đến nội bộ địch mâu thuẫn kéo dài tạo cơ hội nổ ra cuộc đảo chính và Diệm - Nhu bị giết chết, đầu não của ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam bị khủng hoảng tạo lợi thế cho phong trào cách mạng, góp phần dẫn đến thắng lợi 1975, thống nhất đất nước".
Thần chết từ chối
Trở lại thời điểm 1957, sau khi ông vừa bị địch bắt giải giao từ Ban Mê Thuột vào Sài Gòn. Sau 33 ngày chịu cực hình tra tấn ở địa ngục P.42 - Sở Thú, địch đã hoàn tất hồ sơ bản cung của ông và tổ chức tòa án quân sự xét xử bí mật nhưng không tuyên án. Chúng đưa ông về giam tại Tổng nha Cảnh sát. Để giam ông, chúng đã cho xây sửa một phòng giam đặc biệt mang số 10.
Thay vì chỉ đạo cho tòa án tuyên án tử hình đối với những người tù chính trị chống chế độ độc tài, ít ai biết rằng Ngô Đình Nhu nham hiểm, tàn độc đến độ một mặt ra lệnh công khai cho tòa án hạ án tử hình cho các chính trị gia "Caraven" và các quân nhân tham gia đảo chính năm 1960 để tạo tiếng đạo đức, một mặt ông ta lạnh lùng bí mật ra lệnh cho một viên phi công thả bom tử hình đồng loạt gồm 341 người tù chính trị, trong đó có cả nhóm đảo chính năm 1960 và nghị sĩ "Caraven".
 Ông Hà Minh Trí trong lần bị cảnh sát Việt Nam Cộng hòa bắt giữ.
Về phần ông Mười Thương, biết chắc mình sẽ nhận án tử hình bằng một hình thức nào đó nhưng ông vẫn lạc quan, yêu đời, thậm chí còn tìm được một tình yêu thủy chung trong những ngày chờ chết.
Không tính thời điểm phát súng ám sát vừa nổ, địch muốn giữ người ám sát sống để lấy lời khai, ông có tổng cộng 3 lần thoát chết.
Sau khi kết tra, tòa án quân sự của Diệm đã bí mật xét xử ông nhưng không kêu án mà đưa ông sang nhà tù Chí Hòa. Sau này, một số người sống lưu vong ở nước ngoài cho rằng, Ngô Đình Diệm tuy bất tài nhưng sống rất có đức. Họ dẫn chứng rằng, ông Diệm đã không trả thù kẻ ám sát mình bằng cách ra lệnh xử án tử hình sát thủ Hà Minh Trí (Mười Thương). Họ đã sai lầm.
Tuy đã kết án nhân vật "Hà Minh Trí ám sát bất thành Ngô Đình Diệm" nhưng tòa án quân sự của Diệm không hề tuyên án, kể cả trong hồ sơ. Khi bị đưa sang trại giam Chí Hòa, ông Mười Thương cũng không biết số phận mình sẽ ra sao. Cho đến khi nhận tin bị đày ra Côn Đảo ông vẫn không biết số tù của mình là số mấy. Những người tù có kinh nghiệm cũng không hiểu nổi lý do kỳ lạ này.
Chuyến tàu chuyển tù ra Côn Đảo vào tháng 10/1963, đã chở tổng cộng 411 tù chính trị và 1 tù hình sự tử hình. Trong đó có 40 tù cộng sản bị án tử hình, 300 tù cộng sản thành án lẫn không thành án và 10 nhân vật tham gia đảo chính Diệm năm 1960.
Khi chiếc tàu chở tù ấy rời bến được một buổi, đang lênh đênh giữa trùng khơi thì một chiếc máy bay xuất hiện, bay 3 vòng tròn trên bầu trời rồi vút thẳng về hướng Campuchia. Nhiều người tù nói đùa, Diệm cho máy bay chào từ biệt mọi người. Không ai hiểu lý do thật vì sao chiếc máy bay này xuất hiện.
Mãi đến sau khi cuộc đảo chính tháng 11/1963 nổ ra, chính quyền Diệm theo ông ta xuống địa ngục, người phi công lái chiếc máy bay ấy là đại úy Huỳnh Minh Đường từ Campuchia trở về nước cho biết: chính Ngô Đình Nhu đã bí mật ra lệnh cho ông ta thả bom đánh chìm chiếc tàu chở tù nhân giữa biển khơi. Đại úy Đường đã vì lòng nhân đạo và cũng vì tự phán đoán rằng, sau khi thực hiện xong nhiệm vụ ác đức ấy, chưa chắc Ngô Đình Nhu để ông sống. Thế là ông bay chào những người tù rồi sang Campuchia tị nạn.
Hóa ra, do đã có toan tính trước, Ngô Đình Nhu không cần xếp số tù cho Mười Thương. Chiếc tàu ấy tồn tại không mong muốn và cập bến Côn Đảo nên tất cả các nạn nhân khác đều có tên, có số vào trại, ông là người cuối cùng và duy nhất không có tên trong danh sách. Viên cai tù lúng túng chạy đi đánh điện vào đất liền để hỏi. Khi trở lại, hắn gán đại cho ông một cái số tù. Đó là lần thoát chết thứ nhất ly kỳ của ông.
Sau khi Ngô Đình Diệm chết, mặc dù được chuyển vào đất liền nhưng địch vẫn chưa chịu tha tù cho ông mà tiếp tục giam ở trại Cộng Hòa. Sau nhiều biến động do những kẻ xôi thịt khuynh đảo chính trường miền Nam, đầu năm 1965 Phan Khắc Sửu tạm làm quốc trưởng. Lúc ấy, đồng chí Trần Quốc Hương được địch chuyển từ nhà tù miền Trung vào trại giam Cộng Hòa. Gặp nhau trong tù, đồng chí Mười Hương đã chỉ đạo ông làm đơn gửi cho Phan Khắc Sửu. Nhận tình "đồng đạo Cao Đài", Phan Khắc Sửu đã ra lệnh thả ông. Vừa ra khỏi tù, theo hướng dẫn của đồng chí Mười Hương, ông vào ngay căn cứ Củ Chi tiếp tục hoạt động cách mạng.
Tháng 2/1967, ông được điều về làm Trưởng Tiểu ban Điệp báo Ban An ninh Tây Ninh. Ông dự định vào thành để móc nối, xây dựng một số tuyến điệp báo. Trước khi vào thành, ông ghé vào Ban An ninh T4 để làm giấy tờ giả hộ thân. Do đồng chí Nguyễn Tài đang họp nên ông phải trú lại qua đêm tại một căn hầm dành cho khách lãnh đạo. Đêm đó, máy bay địch thả 4 quả bom vào căn cứ T4. 3 quả bay lạc ra ngoài khu vực rừng vắng, 1 quả rơi đúng vào căn hầm ông trú. Quả bom rơi vào chân trái của ông nhưng... không nổ. Ông thoát chết nhưng chân trái không còn.
Lần hụt chết sau cùng đã khiến người bạn đời chung thủy của ông phải sống đời sống thực vật.
Chuyện tình cảm động của người tử tù không số
Trở lại thời điểm 1957, sau khi ông vừa bị địch bắt giải giao từ Ban Mê Thuột vào Sài Gòn. Sau 33 ngày chịu cực hình tra tấn ở địa ngục P.42 - Sở Thú, địch đã hoàn tất hồ sơ bản cung của ông và tổ chức tòa án quân sự xét xử bí mật nhưng không tuyên án. Chúng đưa ông về giam tại Tổng nha Cảnh sát. Để giam ông, chúng đã cho xây sửa một phòng giam đặc biệt mang số 10. Từ đó ông có cái tên là Mười Trí (lúc đó ông mang tên Hà Minh Trí). Phòng giam của ông có 2 lớp cửa. Lớp cửa ngoài là để giam luôn 3 tên gác ngục canh gác ông cẩn mật.
Trong dãy phòng giam đặc biệt 10 phòng đó, từ phòng số 1 đến số 7 là các đồng chí cách mạng. Phòng số 8 là các nữ sinh bị bắt trong phong trào học sinh, sinh viên tranh đấu. Phòng số 9 là Nguyễn Chữ - nguyên Giám đốc Công an Trung phần có nhiều nợ máu với nhân dân - bị giam chung với vài đồng đảng trong vụ đảo chính hụt năm 1960.
Dù vẫn còn thương tích đầy mình do tra tấn và sinh mạng có thể bị "cắt" bất cứ lúc nào, hàng đêm, Mười Thương vẫn ngạo nghễ cất cao tiếng hát những bài ca cách mạng. Tiếng hát người cảm tử vang vọng giữa đêm đen đã lay động rất nhiều trái tim bạn tù. Sau này, khi đã là Phó tổng thống đệ nhị Việt Nam Cộng hòa, Trần Văn Hương đã xuất bản một tập thơ có tựa là "Lao trung lãnh vận - Thơ lạnh trong tù". Trong tập thơ đó, Trần Văn Hương có dành một bài cho người cảm tử Hà Minh Trí:
Từng chập luồn sang, giọng thiết tha.
Đưa niềm u uất khách
phòng xa.
Nỉ non tim nghẹn lời
yêu nước,
Tê tái sầu vương hận
mất nhà.
Oán dậy ào ào:
cây núi đổ,
Máu tuôn cuồn cuộn
suối ngàn xa.
Lặng nghe não nuột
người thông cảm,
Đồng bệnh cùng thương,
lựa trẻ già.
Cũng trong tập thơ đó, một bài thơ khác của người tù Nguyễn Trung Hậu viết về Hà Minh Trí:
Phòng giam trăn trở
lụn canh gà,
Bên cạnh người đâu
cất tiếng ca.
Hơi oán thêm bào
gan ruột khách,
Giọng than như khóc
nước non nhà.
Mờ mờ sương lạnh
sao khuya rụng,
Cuồn cuộn mây sầu
gió thảm qua.
Đêm vắng khiến ai
đồng cảnh ngộ,
Động niềm tâm sự
khó phôi pha.
Cả hai nhà thơ "ngang xương" đó đều tự nhận là đồng chí với người tù Hà Minh Trí. Không hiểu, nếu biết ông là một đảng viên Cộng sản kiên trung, hai nhà thơ đó có còn đủ hứng để cảm tác không?
Cách phòng giam ông một căn, ở phòng số 8, một trái tim nữ sinh 16 tuổi cũng bắt đầu thổn thức vì ông. Đó là nữ sinh cách mạng Nguyễn Kim Hưng. Kim Hưng hoạt động trong phong trào Thành đoàn biểu tình chống đối trực diện Diệm bị bắt cùng với rất nhiều sinh viên học sinh khác. Mặc dù mọi người đều khẳng định ông là "quân Cao Đài" nhưng với trái tim nhạy cảm, cô nữ sinh Kim Hưng đã nhận ra ông là người của Cộng sản qua những bài hát cách mạng. Cô đã thầm yêu ông đơn phương từ những ngày đó. Khi có dịp, cô đều tìm cách lên tiếng hỏi chuyện vọng qua ông.
Khi được gia đình thăm nuôi, cô san sẻ quà gởi qua cho ông. Trong những lần gửi quà ấy, cô kèm luôn bài thơ của cô viết cho ông. Ông không nhớ nội dung do thời gian mài mòn trí nhớ nhưng cái tựa thì ông nhớ rõ. Đó là bài "tình H2O" (tình nước). Chính vì những gói quà ấy mà cô bị gác ngục bắt trói treo đứng vào song sắt suốt 3 ngày liền.
Như số phận, chính Kim Hưng cũng không ngờ ông cũng đang yêu đơn phương cô mặc dù cả hai chưa từng trông thấy mặt nhau. Ngày cô bị địch chuyển xuống trại C, ông đã kịp gửi cho cô bài thơ "Thương nhớ ơi!":
Thương nhớ,
thương nhớ ơi!
Biền biệt tháng ngày trôi
Tình mênh mông diệu vợi
Yêu vút xa chân trời
Thương nhớ,
thương nhớ ơi!
...
Hai người yêu nhau chưa từng thấy mặt, cuộc chia ly không có vòng tay ôm, nụ hôn từ biệt.
Năm 1964, cô Kim Hưng được địch thả. Vừa ra khỏi tù trở về nhà, cô vào khu điều lắng Củ Chi.
Cuối năm 1967, được thả ra, ông cũng bắt liên lạc vào ngay căn cứ Củ Chi. Trong những ngày chờ nhận nhiệm vụ, ông sang khu điều lắng chơi. Khi đang ngồi uống nước mía ở một quán ven đường, ông gặp 3 cô gái bịt mặt đi tới. Trong đó ông nhận ra giọng nói quen thuộc của người mình yêu. Cả hai nhận ra nhau và đó là lần đầu tiên cả hai được ôm trọn vòng tay nhau.
 Ông Hà Minh Trí chăm sóc vợ.
Một năm sau, đôi uyên ương làm lễ tuyên bố trong căn cứ Bến Súc. Lúc đó bà Kim Hưng là nữ phóng viên báo Quân khu Sài Gòn - Gia Định, còn ông là Trưởng Tiểu ban Điệp báo Tây Ninh. Đại diện họ nhà trai là đồng chí Tô Lâm, tức Tô Quyền (đồng chí Tô Quyền lấy tên con trai làm bí danh). Đại diện họ nhà gái là đồng chí Đặng Quang Long - Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Ông kể vui: "Lúc đang làm lễ, bọn pháo binh địch bắn vãi đạn vào căn cứ Bến Súc, xem như đốt pháo hôn lễ, rất vui".
Cuộc tình giữa hai người tù năm xưa rất có hậu. Bà sinh cho ông 5 người con. Cả năm người đều thành đạt.
Sau hòa bình, ông và bà đều công tác tại Sở Công an Tây Ninh. Bà nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá. Khi ông đang mang hàm Thượng tá thì được chuyển sang dân sự làm Phó ban Nội chính Tỉnh ủy, rồi làm Trưởng ban Tôn giáo trước khi nghỉ hưu năm 64 tuổi.
Đến lúc đó, ông bà mới thực sự có thời gian chăm sóc cho nhau.
Ông nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2005.
Đầu năm 2009, cặp tình già chở nhau đi thăm bạn chiến đấu cũ, một tai nạn giao thông đã khiến bà dập não dẫn đến tình trạng sống thực vật đến nay. Ông chỉ bị gãy... cái chân gỗ và gãy tay. Một lần nữa ông thoát chết.
Suốt 3 năm nay, ai đến thăm cũng bùi ngùi xúc động khi thấy ông âu yếm xoa bóp, chăm sóc cho bà: "Vợ chồng mình tù đày, chiến tranh bom đạn có nhau, giờ tôi mới có dịp xoa bóp cho bà". Có khi, ông ngồi cạnh bà hát nghêu ngao những bài ca cách mạng, những bài ca mà thuở lao tù đã gắn kết hai trái tim lại với nhau. Những lúc ấy, những giọt lệ của bà từ con mắt bên này lăn sang con mắt bên kia rồi thấm vào gối. Có lẽ đó là những giọt nước mắt hạnh phúc nhất trong đời chinh chiến của hai ông bà. Những khi đó, ông cũng rưng rưng lòng. Trái tim người anh hùng cũng có góc khuất để chứa đựng tình yêu mềm yếu.
Hiện nay, nhờ sự chăm sóc yêu thương của ông mà trạng thái não của bà đã có tín hiệu hoạt động trở lại. Tuy chưa nói được nhưng bà đã biết cười thành tiếng khi vui.
Nghe tin bà bị nạn, rất nhiều bạn bè xa gần đến thăm. Cuối năm vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã đến tận nhà thăm và tặng quà cho ông bà.
Cuộc đời đầy thăng trầm của người anh hùng "Kinh Kha nước Việt" hình như đang được lắng đọng lại vào những ngày này
Theo Nông Huyền Sơn/An Ninh Thế Giới